Công bố kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ 'chuyến bay giải cứu'

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ hành vi nhận hối lộ trong vụ án 'chuyến bay giải cứu', liên quan đến hoạt động tổ chức, cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.

Loạt cá nhân nhận hối lộ

Ngày 2/10, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Cùng với đó, cơ quan này chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đề nghị truy tố 17 bị can về các tội “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Che giấu tội phạm”.

Đây là vụ án tham nhũng, chức vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được lãnh đạo các cấp, ban ngành và dư luận đặc biệt quan tâm.

Hành vi của các bị can làm thay đổi tính nhân văn trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trong hoàn cảnh đặc biệt người dân bị mắc kẹt trong đại dịch Covid-19 cần đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng nói riêng.

Ngoài các sai phạm của 54 bị can trong giai đoạn 1, Cơ quan điều tra đã tách các nội dung liên quan có dấu hiệu sai phạm nhưng chưa được làm rõ ở giai đoạn này để tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ và kết luận ở giai đoạn 2 vụ án.

Bị can Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên. Ảnh: BCA

Bị can Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên. Ảnh: BCA

Theo đó, căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh, từ ngày 9/6/2023 đến này 23/4/2024, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố vụ án về các hành vi xảy ra tại Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố để điều tra theo quy định của pháp luật.

Theo kết luận điều tra, bị can Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên đã có hành vi nhận hối lộ 4,4 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế đối với 3 chuyến bay.

Thêm vào đó, bị can này còn lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ, hưởng lợi bất chính hơn 3,2 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế với 5 chuyến bay khác.

Tại tỉnh Hải Dương, bị can Lê Thị Phượng, cựu chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh bị cáo buộc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thỏa thuận nhận hối lộ 650 triệu đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Hải Dương ban hành 2 công văn chấp thuận cách ly y tế cho Công ty Sora và Công ty Biển Bạc.

Tại tỉnh Quảng Nam, các bị can Nguyễn Văn Văn, cựu Phó giám đốc Sở Y tế và Lê Ngọc Tường, cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng bị cáo buộc nhận hối lộ, rồi thực hiện theo đề nghị của Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó giám đốc Công ty Bluesky trong việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam ban hành chủ trương chấp thuận tiếp nhận công dân về cách ly y tế tại Quảng Nam cho doanh nghiệp này.

Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Văn đã 5 lần nhận tiền hối lộ từ Nguyễn Thị Thanh Hằng, với tổng số tiền 450 triệu đồng; trong khi đó ông Tường 4 lần nhận hối lộ, với tổng số tiền 400 triệu đồng.

Trước đó, trong giai đoạn 1, Nguyễn Thị Thanh Hằng đã bị tòa án tuyên phạt 9 năm tù về hành vi “đưa hối lộ”, với cáo buộc cùng Giám đốc là Lê Hồng Sơn chi hối lộ cho các cựu quan chức khoảng 100 tỷ đồng để được cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới.

Cấp phép chuyến bay vượt số lượng khách

Tại Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải, Vũ Hồng Quang, nguyên Phó trưởng Phòng Vận tải hàng không, có nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét ra quyết định cấp phép bay cho các hãng hàng không thực hiện các chuyến bay "combo" (chuyến bay kết hợp cách ly y tế) do doanh nghiệp tổ chức sau khi có sự phê duyệt của Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ.

Trong quá trình các doanh nghiệp triển khai thực hiện chuyến bay "combo" đưa công dân về nước, có một số chuyến bay doanh nghiệp không thuê được tàu bay cỡ lớn để chở hết số lượng khách được duyệt nên phải thuê hai tàu nhỏ dẫn đến phát sinh chi phí, trong khi vẫn còn ghế trống khách.

Để có thêm lợi nhuận, Nguyễn Thị Thanh Hằng và Nguyễn Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công ty Lữ hành Việt đã trao đổi, thỏa thuận và được Vũ Hồng Quang đồng ý cấp phép bay theo số lượng khách vượt so với văn bản đã được duyệt với chi phí 2 triệu đồng/1 khách.

Cơ quan điều tra xác định, Vũ Hồng Quang đã chỉ đạo Nguyễn Mạnh Trường, chuyên viên Phòng vận tải hàng không, triển khai cấp phép bay trái quy định cho 1.019 khách.

Quang sau đó đã nhận hối lộ gần 2 tỷ đồng, trong đó chia cho Trường 244 triệu đồng.

Tại giai đoạn 1, cơ quan tố tụng đã xét xử và tuyên phạt Vũ Hồng Quang mức án 4 năm tù về tội “nhận hối lộ”, do đó, tại giai đoạn 2 này chỉ xem xét hành vi của bị can Nguyễn Mạnh Trường.

Huệ Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cong-bo-ket-luan-dieu-tra-giai-doan-2-vu-chuyen-bay-giai-cuu-d226440.html