Công bố quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 22/12, UBND Bạc Liêu tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề 'Đánh thức tiềm năng, lợi thế, mở ra tầm nhìn mới'.
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh các thời kỳ; lãnh đạo các địa phương trong tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lữ Văn Hùng - Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Bạc Liêu, đây là kết quả bước đầu cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, để thực hiện tốt nội dung quy hoạch và khát vọng Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa.
Từ đó đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tỉnh tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.
Đồng thời tập trung đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh.
Cùng với đó, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng lưới điện.
“Tỉnh xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng năng suất cạnh tranh các ngành nghề có thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu,...”, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh.
Theo Quyết định số 1598/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bạc Liêu sẽ phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số làm nền tảng để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và các ngành kinh tế khác.
Phát triển hài hòa, toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc con người Bạc Liêu gắn với bảo tồn giá trị di sản, văn hóa, lịch sử; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững.
Phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch.
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển hài hòa, toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền vùng biển; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế...
Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới, hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW. Ưu tiên phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi; thu hút đầu tư, nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng mới.
Đến năm 2050, Bạc Liêu phấn đấu là tỉnh có kinh tế phát triển; xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh, người dân có cuộc sống khá giả, hạnh phúc; môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, bảo tồn; hệ thống đô thị thông minh, sạch, xanh; nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững.