Công chúng đã thấy rõ hơn bức tranh tài chính nhà nước
Ngày 4/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo tổng kết công tác lập Báo cáo Tài chính Nhà nước (BCTCNN) đầu tiên và một số giải pháp nâng cao chất lượng BCTCNN những năm tiếp theo.
Vừa qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) được Chính phủ giao nhiệm vụ tổng hợp báo cáo tài chính tại các địa phương để hình thành BCTCNN toàn quốc. Đây là một nhiệm vụ mới và khó khăn đối với toàn hệ thống. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, quyết tâm, toàn hệ thống KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan bắt tay vào việc thiết lập các điều kiện để triển khai thực hiện.
Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc KBNN, BCTCNN đầu tiên (năm 2018) là nhiệm vụ mới và khó khăn, phức tạp, thời gian chuẩn bị không nhiều, nguồn lực còn hạn chế, tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, cùng với sự đồng hành hỗ trợ của các nhà tài trợ, BCTCNN 2018 đã hoàn thành kịp thời hạn, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp thứ XIV vào tháng 5/2020, phù hợp quy định của Luật Kế toán.
Lãnh đạo KBNN cho biết, trong quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý, Bộ Tài chính đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy sỹ (SECO), Bộ Ngân khố và Đại sứ quán Hoa Kỳ...
Song song với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, KBNN đã khẩn trương triển khai xây dựng Hệ thống thông tin tổng kế toán nhà nước để chính thức vận hành hệ thống từ tháng 7/2019, kịp thời hỗ trợ đắc lực cho công tác gửi báo cáo của các đơn vị cũng như công tác tổng hợp, lập BCTCNN đầu tiên năm 2018.
Bà Đặng Thị Thủy chia sẻ, đến hết tháng 12/2019, KBNN đã hoàn thành 63 bộ BCTCNN tỉnh năm 2018, trình UBND cấp tỉnh và báo cáo HĐND cấp tỉnh. Cuối tháng 3/2020, KBNN đã hoàn thành việc tổng hợp, lập BCTCNN toàn quốc năm 2018, trình Bộ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội cùng với Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước vào tháng 5/2020 theo đúng quy định.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá BCTNNN năm 2018 đã đạt được kết quả quan trọng. Báo cáo này đã giúp cho Chính phủ, công chúng nhìn nhận bức tranh tài chính nhà nước một cách tổng thể do báo cáo này có phạm vi rộng hơn bao gồm tổng thể thu- chi ngân sách, công nợ, tài sản… Ngoài ra, còn thấy hoạt động của các đơn vị ngoài ngân sách, các quỹ tài chính ngoài ngân sách, thu- chi của các đơn vị tài chính đặc thù ngoài ngân sách, công nợ của quốc gia, công nợ của các chủ thể liên quan đến tài chính.
Bên cạnh đó, các cơ quan của Chính phủ đã khai thác BCTCNN năm 2018 để phục vụ quản lý nhà nước, trước hết là phục vụ xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2021-2025 để báo cáo Quốc hội; phục vụ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược tài chính 10 năm 2021-2030. Đồng thời trực tiếp phục vụ xây dựng báo cáo dự toán ngân sách 2021.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá, báo cáo này đã đóng góp vào công tác đều hành nền tài chính quốc gia. Thực tế cho thấy, dịch COVID-19 có tác động cực kì lớn với nền kinh tế thế giới và với nước ta. Hầu hết các quốc gia đều bị suy giảm thu ngân sách. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, nước ta vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cơ bản.
Bên cạnh những vai trò, ý nghĩa của BCTCNN năm 2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập của báo cáo này.
Ông Tuấn thẳng thắn cho rằng, phải đến 50-60% những người có trách nhiệm báo cáo tài chính chưa hiểu hết ý nghĩa của BCTCNN ở cấp quốc gia cũng như cấp bộ, cấp tỉnh, chỉ làm theo nghĩa vụ và chưa ý thức được ý nghĩa, tác dụng của báo cáo này. Ngoài ra, báo cáo này cũng cần cải thiện ở một số nội dung tài sản…
Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện pháp lý sao cho tăng giá trị sử dụng của BCTCNN khôg chỉ ở tầm quốc gia mà ở tầm cấp bộ và các địa phương trên cơ sở tăng các biểu chi tiết theo ngành, theo lĩnh lực và theo địa bàn.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Kế toán kiểm toán (Bộ Tài chính), đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như một số bộ, ban, ngành cũng đã chia sẻ về những khó khăn vướng mắc và kiến nghị trong quá trình lập BCTCNN.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, KBNN sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng BCTCNN trong thời gian tới, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật số liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, nước sạch nông thôn tại các địa phương để tổng hợp vào BCTCNN năm 2019.
KBNN cũng sẽ nâng cấp Hệ thống thông tin tổng kế toán nhà nước theo hướng kết nối/giao diện với hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, kết nối với mạng lưới của Chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu tài chính nhà nước tập trung để cung cấp số liệu tài chính nhà nước nhanh chóng, chính xác.
Tiếp thu những ý kiến thảo luận tại Hội thảo, lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ hơn các ý kiến được nêu ra, xác định các giải pháp phù hợp, có tính chất căn cơ để xử lý những tồn tại, vướng mắc và từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng của BCTCNN trong những năm tiếp theo.