Công cụ giám sát và kiểm soát quyền lực hành pháp

Bỏ phiếu bất tín nhiệm là một cơ chế cho phép Nghị viện bày tỏ thái độ không ủng hộ đối với Chính phủ hoặc một bộ trưởng, qua đó, thực thi quyền kiểm soát và giám sát đối với cơ quan hành pháp.

Quy định về bỏ phiếu bất tín nhiệm thường được quy định trong Hiến pháp, Nội quy của Nghị viện hoặc một số nước có văn bản luật riêng về thủ tục này. Những quy định này khác nhau tùy theo từng quốc gia, nhưng thường bao gồm: quá trình khởi xướng, quy trình bỏ phiếu và hậu quả của một quy trình bỏ phiếu bất tín nhiệm thành công.

Được quy định trong các văn bản pháp luật cao nhất

Hầu hết các hệ thống Nghị viện trên thế giới đều có các điều khoản Hiến pháp, Nội quy Nghị viện hoặc các quy định pháp lý riêng cho phép cơ quan lập pháp khởi xướng quy trình bỏ phiếu bất tín nhiệm và quyền bãi nhiệm Chính phủ nếu cơ quan này không còn nhận được sự ủng hộ của đa số tại cơ quan lập pháp.

 Kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện Italy ngày 14.12.2010 cho thấy, Thủ tướng Silvio Berlusconi đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm quan trọng. Ảnh: AFP

Kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện Italy ngày 14.12.2010 cho thấy, Thủ tướng Silvio Berlusconi đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm quan trọng. Ảnh: AFP

Theo Hiến pháp không thành văn của Anh, khi Hạ viện thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng hoặc Chính phủ, Chính phủ phải từ chức hoặc kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử mới. Năm 1979, Thủ tướng James Callaghan đã thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, dẫn đến một cuộc bầu cử mới.

Bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng được quy định trong Luật Cơ bản. Điều 67 Luật Cơ bản yêu cầu nghị viện chỉ có thể bãi nhiệm Thủ tướng nếu đồng thời đưa ra một ứng cử viên mới để thay thế. Quy định này giúp tránh khủng hoảng chính trị kéo dài.

Theo Điều 75(3) của Hiến pháp Ấn Độ, Hội đồng Bộ trưởng chịu trách nhiệm chung trước Hạ viện, cho phép cơ quan lập pháp khởi xướng bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Đề nghị bất tín nhiệm được nêu trong Điều 28 của Luật Cơ bản của Israel và Điều 44 của Quy chế thủ tục của Nghị viện.

Khởi xướng bỏ phiếu bất tín nhiệm

Thông thường, bỏ phiếu bất tín nhiệm đòi hỏi phải được một số lượng nhất định các nghị sĩ hoặc các đảng phái chính trị ủng hộ. Kiến nghị bỏ phiếu cần phải được đệ trình bằng văn bản lên Chủ tịch Nghị viện. Một số nước yêu cầu tỷ lệ phần trăm hoặc số lượng phiếu nhất định để kiến nghị có thể được đưa ra thảo luận.

Tại Vương quốc Anh, bất kỳ thành viên nào của Hạ viện nào cũng có thể đề xuất động thái bất tín nhiệm. Quy định là thế nhưng thực tế, động thái này thường do lãnh đạo phe đối lập đưa ra. Động thái này phải được lên lịch để tranh luận, thường là vào ngày họp tiếp theo của Hạ viện.

Hạ viện Séc chỉ có thể bắt đầu thảo luận về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ sau khi kiến nghị bất tín nhiệm được ít nhất 50 nghị sĩ đệ trình bằng văn bản. Tại Pháp, Điều 49(2) Hiến pháp của nền Cộng hòa đệ ngũ quy định, động thái bất tín nhiệm đòi hỏi phải có chữ ký của ít nhất một phần mười số thành viên Quốc hội. Quy định này nhằm bảo đảm các nỗ lực thúc đẩy bỏ phiếu tín nhiệm thực sự phải nhận được sự ủng hộ rộng rãi và hạn chế tình trạng Quốc hội liên tục thúc đẩy các kiến nghị bỏ phiếu, dẫn đến nguy cơ bất ổn chính trị.

Thủ tục tranh luận và bỏ phiếu

Sau khi kiến nghị bất tín nhiệm được chấp thuận, Nghị viện sẽ lên lịch tranh luận và bỏ phiếu. Luật pháp các nước thường quy định về: thời gian cho phép tranh luận (ví dụ: một hoặc hai ngày); ai có thể phát biểu trong cuộc tranh luận, chẳng hạn như các quan chức Chính phủ và các nhà lãnh đạo phe đối lập; mốc thời gian cụ thể diễn ra cuộc bỏ phiếu sau khi động thái được đưa ra.

Luật pháp của Ấn Độ yêu cầu kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm phải được đưa ra tranh luận và bỏ phiếu tại Hạ viện trong 10 ngày sau khi được đệ trình. Còn tại Tây Ban Nha, sau khi kiến nghị bỏ phiếu được đệ trình, Nghị viện phải thảo luận trong 2 ngày, sau đó tiến hành bỏ phiếu.

Yêu cầu về tỷ lệ phiếu

Để thông qua, bỏ phiếu bất tín nhiệm thường yêu cầu có mặt đa số đại biểu nghị viện tiến hành bỏ phiếu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể quy định số lượng đại biểu nghị viện cụ thể.

Tại Nghị viện Australia, kết quả một kiến nghị bất tín nhiệm đòi hỏi đa số các đại biểu có mặt tại Hạ viện đồng ý. Hạ viện nước này có 151 thành viên, do đó cần có 76 phiếu thuận cho một kiến nghị bất tín nhiệm. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nào thành công tại Hạ viện.

Quy định của Vương quốc Anh yêu cầu cần có đa số giản đơn để bỏ phiếu bất tín nhiệm được thông qua. Đa số giản đơn có nghĩa là chỉ cần tỷ lệ ủng hộ nhiều hơn tỷ lệ phản đối, cuộc bỏ phiếu cũng được coi là thành công. Vào năm 1979, Thủ tướng James Callaghan đã bị lật đổ trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm dù chỉ thua 1 phiếu duy nhất. Cũng như vậy tại Ấn Độ, Chính phủ của Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào năm 1999 với chênh lệch chỉ một phiếu bầu.

Tại Séc, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được coi là thành công khi có đa số tuyệt đối (50%+1 phiếu) của tất cả các nghị sĩ ủng hộ kiến nghị, chống lại Chính phủ.

Ở Đức, một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng yêu cầu phe đối lập, trên cùng một lá phiếu, phải đề xuất một ứng cử viên Thủ tướng mà họ muốn Tổng thống liên bang bổ nhiệm làm người kế nhiệm. Do đó, một động thái bất tín nhiệm chỉ có thể được đưa ra nếu có đa số phiếu ủng hộ cho ứng cử viên Thủ tướng mới. Ý tưởng này là để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng nhà nước xảy ra gần cuối thời kỳ Cộng hòa Weimar của Đức. Thời điểm đó, những người kế nhiệm không có đủ sự ủng hộ của Quốc hội để điều hành sau khi Thủ tướng bị cách chức.

Giới hạn về tần suất bất tín nhiệm

Một số nước đưa ra giới hạn về tần suất các kiến nghị bất tín nhiệm có thể được đưa ra. Các quy định này rất cần thiết để duy trì trách nhiệm giải trình dân chủ, đồng thời bảo đảm các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm không bị lạm dụng để gây mất ổn định Chính phủ hoặc được sử dụng vì mục đích chính trị.

Chẳng hạn, tại Pháp, Nghị viện không được đưa ra nhiều hơn một động thái bất tín nhiệm trong mỗi kỳ họp trừ khi được một phần mười số thành viên ủng hộ.

Theo quy định của Hy Lạp, một kiến nghị bất tín nhiệm chỉ có thể được đệ trình 6 tháng sau khi Quốc hội bác bỏ một kiến nghị trước đó. Kiến nghị phải được ít nhất 1/6 số thành viên ký và phải nêu rõ các vấn đề cần tranh luận.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cong-cu-giam-sat-va-kiem-soat-quyen-luc-hanh-phap-post394493.html