Công cuộc tìm người kế nhiệm ông Lý Hiển Long bị 'trật đường ray'
Việc ông Vương Thụy Kiệt, ứng viên kế nhiệm chức thủ tướng của ông Lý Hiển Long, bất ngờ rút lui khỏi trọng trách này đã gây ra xáo trộn lớn với kế hoạch nhân sự lãnh đạo đất nước.
Việc Phó thủ tướng Vương Thụy Kiệt tuyên bố rút lui khỏi vị trí lãnh đạo nhóm thế hệ thứ 4 (4G) của đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền làm đảo lộn kế hoạch chuyển giao quyền lực tại Singapore. Các chuyên gia nhận định mức ảnh hưởng của diễn biến này sẽ phụ thuộc vào những bước đi tiếp theo của Thủ tướng Lý Hiển Long và giới lãnh đạo PAP, theo Channel NewsAsia.
PAP phải hành động quyết đoán
Giáo sư Eugene Tan, Đại học Quản lý Singapore, cho rằng việc ông Vương rút lui có tác động không nhỏ tới tính toán của PAP. Tuy nhiên, diễn biến này chưa tạo ra cú sốc quá lớn.
"Công tác kế thừa của các lãnh đạo thế hệ thứ 4 (4G) được xây dựng theo mô hình nỗ lực tập thể, tập trung vào sức mạnh chung của nhóm 4G", ông Tan nói.
Giáo sư Gillian Koh, phó giám đốc bộ phận nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Singapore, cho biết ông Vương là quan chức cấp cao nhất từng rút lui khỏi quy hoạch lãnh đạo tương lai. Tuy nhiên, bà Koh khẳng định vẫn sẽ có sự kế thừa liên tục trong bộ máy lãnh đạo PAP cũng như ở Singapore.
"Điều quan trọng cần lưu ý là họ nói rõ ông Lý Hiển Long sẽ tiếp tục tại vị, ông Vương sẽ vẫn là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Chính sách kinh tế", bà Koh cho biết.
Dù vậy, tuyên bố của ông Vương làm dấy lên hoài nghi đảng PAP có khả năng làm mới bộ máy lãnh đạo của mình hay không.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là đội ngũ lãnh đạo thế hệ 4 của PAP có kịp thời phối hợp, hành động quyết đoán chọn ra người thay thế Thủ tướng Lý Hiển Long hay không?
Việc nhanh chóng hành động và chọn ra ứng viên phù hợp có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó sẽ giúp vị lãnh đạo mới của đảng PAP, mà nhiều khả năng sẽ là lãnh đạo Singapore tương lai, có đủ thời gian phối hợp với Thủ tướng Lý Hiển Long, hướng tới cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào năm 2025.
"Diễn biến vừa rồi tạo ra gián đoạn nghiêm trọng cho quá trình chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, nếu có người sẵn sàng đảm nhận vị trí (ông Vương để lại), mức độ tác động sẽ được giảm thiểu", giáo sư Tan Ern Ser từ Đại học Quốc gia Singapore nhận xét.
Lý do Phó thủ tướng Vương Thụy Kiệt rút lui?
Khi được hỏi vì sao Phó thủ tướng Vương bất ngờ rút lui, giáo sư Koh cho biết có thể tồn tại nhiều lý do. Một số người hoài nghi kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 2020 ảnh hưởng tới quyết định này.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Vương được chuyển từ khu vực bầu cử Tampines, nơi ông là đại biểu 2011, sang khu vực bầu cử East Coast.
Tại East Coast, nhóm 5 đảng viên của PAP do ông Vương dẫn dắt chỉ đạt được 53% số phiếu ủng hộ, qua đó giành chiến thắng suýt soát trước các đại diện của đảng Công nhân (WP) đối lập.
Tuy nhiên, Giáo sư Mustafa Izzuddin, nhà phân tích kỳ cựu về quan hệ quốc tế thuộc tổ chức tư vấn Solaris Strategies Singapore, cho rằng PAP có thể đã thất bại ở East Coast. Và việc Phó thủ tướng Vương được chuyển tới East Coast trên thực tế giúp PAP giữ lại khu vực bầu cử này.
Về tổng thể cuộc bầu cử, tỷ lệ phiếu mà đảng PAP giành được đã giảm còn 61,2%, so với mức gần 70% của năm 2015.
Trong khi đó, đảng Công nhân đã chiến thắng khu vực bầu cử mới có tên Sengkang. Đảng này cũng thắng tại các khu vực bầu cử Hougang và Aljunied.
Đây là lần đầu tiên một đảng đối lập tại Singapore thắng nhiều hơn một khu vực bầu cử.
Tháng 7/2020, vài tuần sau cuộc bầu cử, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố các bộ trưởng thuộc thế hệ thứ 4 "tuyệt đối đoàn kết" dưới sự lãnh đạo của ông Vương.
Theo giáo sư Tan, điều này cho thấy quyết định rút lui của Phó thủ tướng Vương nhiều khả năng bởi lý do cá nhân, không phải do thiếu sự ủng hộ của đảng PAP.
Những ứng viên tiềm năng
Giáo sư Mustafa Izzuddin lưu ý Singapore đã kiểm soát được dịch Covid-19 và đang thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng. Do vậy, đây là lúc đảng PAP cầm quyền cần xem xét vấn đề thừa kế vị trí lãnh đạo mà Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ để lại, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi hậu đại dịch.
Các nhà quan sát tới nay đã xác định một nhóm lãnh đạo thế hệ thứ 4 tiềm năng để ngồi vào vị trí mà Phó thủ tướng Vương để lại.
Theo giáo sư Tan, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Trần Chấn Thanh là ứng viên "nhiều khả năng" nhất thay thế ông Vương. Bộ trưởng Trần trước đó từng được nhận định là một trong các ứng viên tiềm năng thay thế ông Lý Hiển Long.
"Tôi nghĩ ông Trần Chấn Thanh sẽ vươn lên nhanh hơn nhiều", giáo sư Tan nhận xét.
Bộ trưởng Trần hiện 51 tuổi. Đây là độ tuổi phù hợp để kế thừa vị trí dẫn dắt từ Phó thủ tướng Vương, người năm nay đã 60 tuổi.
"Về cơ bản, chúng ta cần ai đó trẻ hơn ông Vương Thụy Kiệt, nhưng không thể quá trẻ để bảo đảm có kinh nghiệm chính trị phù hợp", giáo sư Izzuddin nói.
Một nhân vật đáng chú ý khác là Bộ trưởng Giao thông Vương Ất Khang, người cũng ở tuổi 51. Bộ trưởng Vương được đánh giá là "đối thủ cạnh tranh rất mạnh", người đã "làm tốt" công việc trong nhiệm kỳ của mình.
Bộ trưởng Giáo dục Hoàng Tuần Tài và Bộ trưởng Phát triển quốc gia Lý Trí Thăng cũng là những gương mặt tiềm năng. Dù vậy, với độ tuổi lần lượt là 48 và 44, hai ông này có phần bất lợi hơn về kinh nghiệm chính trị.
Bắt buộc cải tổ nội các
Tuyên bố rút lui của ông Vương Thụy Kiệt khiến kế hoạch chuyển giao quyền lực giữa các lãnh đạo thế hệ thứ 4 bị "trật đường ray", giáo sư Tan nói. Giờ đây, PAP phải quay trở lại bước đầu tiên của kế hoạch.
Thủ tướng Lý Hiển Long có lẽ phải điều chỉnh và đánh giá lại một cách nghiêm túc bộ máy nhân sự ông đang có.
"Có khả năng chúng ta chỉ có thể biết ai sẽ là thủ tướng mới sau cuộc bầu cử kế tiếp. Bởi nếu PAP chọn ra người thay thế vào thời điểm này, ông ấy hoặc bà ấy sẽ có quá ít thời gian thể hiện để giành được ủng hộ của cử tri", giáo sư Tan nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng người lãnh đạo tương lai của PAP có thể được ra mắt vào năm sau.
Chính phủ Singapore sắp tới sẽ được cải tổ. Giáo sư Tan cho rằng những bất ngờ đang ở phía trước, với khả năng có thêm gương mặt mới lần đầu đảm nhiệm các chức vụ cấp cao.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông Vương sẽ thôi giữ chức bộ trưởng Tài chính, và tiếp tục đảm nhiệm cương vị phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Chính sách kinh tế.
Các chuyên gia hiện đều mong chờ cái tên sẽ được lựa chọn cho chức vụ bộ trưởng Tài chính.
"Chức danh bộ trưởng Tài chính nên thuộc về thủ tướng tương lai", giáo sư Koh cho biết.
Trong bối cảnh thế giới cũng như Singapore đang trải qua giai đoạn đầy bất ổn, quy hoạch nhân sự cho vị trí lãnh đạo tương lai là điều không đơn giản.
"Bất cứ lãnh đạo nào, đặc biệt là người sẽ trở thành thủ tướng của đất nước, đều cần gần gũi với nhịp sống của người dân Singapore, và phải có mạng lưới kết nối đủ mạnh với cộng đồng quốc tế. Điều này nhằm bảo đảm người ấy biết cách chèo lái đất nước qua trạng thái bình thường mới hậu đại dịch", giáo sư Koh nói.