Công dân Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và nước sở tại
Theo nguyên tắc quốc tịch thì công dân Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam ở bất cứ nơi nào, đồng thời phải tuân thủ pháp luật ở nước sở tại.
Trước thông tin 2 công dân là nghệ sĩ của Việt Nam bị nghi ngờ có hành vi vi phạm pháp luật tại Tây Ban Nha, Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng: Hành vi vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài không phải là chuyện hiếm gặp. Đối với vụ việc về 2 nghệ sĩ bị cáo buộc hành vi hiếp dâm cô gái 17 tuổi, hiện cơ quan chức năng của nước sở tại chưa chính thức lên tiếng, kết quả điều tra sẽ xác minh hành vi tội phạm (nếu có) và từ đó dựa vào các điều khoản pháp luật để xử lý.
Công dân Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, đồng thời phải tuân thủ pháp luật ở nước sở tại
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về việc nếu người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài thì có được xử theo luật Việt Nam hay không, Luật sư Hoàng Trọng Giáp cho biết, theo Khoản 1 Điều 6 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định "Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này".
Theo đó, đối với một hành vi phạm tội tại nước ngoài, pháp luật hình sự của Việt Nam vẫn sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, tuy nhiên hành vi đó phải được "Bộ luật này quy định là tội phạm". Điều này có nghĩa, cùng là một hành vi, pháp luật của nước khác quy định đó là hành vi phạm tội, nhưng đối với Bộ luật Hình sự của Việt Nam, hành vi đó không cấu thành tội phạm thì không có căn cứ xử lí.
Mặt khác, chẳng hạn hành vi phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo pháp luật Việt Nam, vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì theo nguyên tắc quốc tịch thì công dân Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam ở bất cứ nơi nào, đồng thời phải tuân thủ pháp luật ở nước sở tại.
Như vậy, người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài sẽ bị pháp luật Việt Nam xử lí trong trường hợp nước đó có ký kết các hiệp định về dẫn độ để đưa người vi phạm về Việt Nam tiến hành thủ tục tố tụng, khi đó hành vi được cho là phạm tội phải được áp dụng bằng pháp luật Việt Nam.
Pháp luật rất nghiêm khắc với hành vi tấn công tình dục hoặc hiếp dâm
Liên quan đến nghi ngờ việc 2 công dân Việt Nam là nghệ sĩ có hành vi tấn công tình dục/hiếp dâm người dưới 18 tuổi (cụ thể là cô gái 17 tuổi), Luật sư Hoàng Trọng Giáp cho biết, luật pháp Việt Nam quy định về hành vi hiếp dâm cụ thể tại Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, "phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm".
Như vậy, người nào có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân đối với người 17 tuổi sẽ phạm tội hiếp dâm với mức phạt từ 05 năm đến 10 năm tù.
Hiện pháp luật Việt Nam quy định người từ 16 tuổi trở lên có quyền tự do về tình dục. Hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn hoặc người đã thành niên mà quan hệ tình dục với người chưa đủ 16 tuổi hoặc hành vi mua bán dâm mới là hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu quan hệ tình dục với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà có trả tiền thì bị xử lý về tội mua dâm người dưới 18 tuổi. Còn hành vi quan hệ tình dục tự nguyện với người từ đủ 16 tuổi trở lên thì không vi phạm pháp luật.
Trường hợp có tố cáo về hành vi hiếp dâm thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ có hành vi quan hệ tình dục hay không và hành vi quan hệ tình dục có trái ý muốn hay không.
Còn theo quy định luật pháp tại Tây Ban Nha, theo dự luật mới đã được Hạ viện thông qua tháng 5/2022, thì quan hệ tình dục không đồng thuận có thể bị coi là tội hiếp dâm và phải chịu án tù lên đến 15 năm. Dự luật yêu cầu phải có sự đồng thuận rõ ràng đối với các hành vi tình dục. Theo đó, đồng ý là sự thể hiện rõ ràng ý chí của một người, sự im lặng hoặc thụ động không phải là sự đồng ý.
Vì thế, với vụ việc này cần chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan tố tụng trên cơ sở các căn cứ pháp lí và tiến trình thực hiện thủ tục tố tụng tại nước sở tại. Theo đó, nếu có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan chức năng sẽ cần tiến hành các cuộc điều tra, xác minh làm rõ hành vi của các cá nhân có liên quan để có căn cứ xử lí theo quy định pháp luật.
Liên quan đến cáo buộc 2 công dân xâm hại tình dục chứ không phải quan hệ với trẻ vị thành niên, Luật sư Giáp giải thích, xâm hại tình dục cũng không nhất thiết phải quan hệ tình dục mà chỉ đơn giản là dùng từ ngữ, hành động xâm hại đến cơ thể của người khác. Còn khi quan hệ tình dục mà không được sự đồng ý sẽ là hiếp dâm. Độ tuổi nạn nhân ở đây là điểm tăng nặng nhẹ để cấu thành hình sự.
Trả lời câu hỏi hiện nay 2 công dân này đang bị giữ lại hộ chiếu, chưa thể rời khỏi Tây Ban Nha, Luật sư Hoàng Trọng Giáp cho rằng hiện nay tòa chưa có quyết định cuối cùng. Hiện chưa thể khẳng định 2 người này có tội hay không, nhưng cảnh sát có căn cứ để truy tố tội của họ, thế nên họ vẫn chưa thể rời khỏi Tây Ban Nha trong quá trình tiến hành điều tra.
Có thể thực hiện việc dẫn độ để về Việt Nam xét xử hay không?
Theo Luật sư Hoàng Trọng Giáp, trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ của một quốc gia châu Âu, có thể sẽ giải quyết theo pháp luật của nước sở tại hoặc sẽ trục xuất để xử lí theo pháp luật của quốc gia có công dân vi phạm. Điều này tùy vào điều ước quốc tế và hiệp định tương trợ tư pháp giữa các bên (nếu có).
Hiện nay, Việt Nam và Tây Ban Nha đã có văn bản hợp tác về tư pháp thông qua Thông báo số 34/2017/TB-LPQT về việc thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Theo Bộ Ngoại giao, hai bên đã thông báo: Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha, ký tại Madrid ngày 18 tháng 9 năm 2015, có hiệu lực với Việt Nam kể từ ngày 08 tháng 7 năm 2017.
Hình thức dẫn độ được quy định tại Khoản 1 Điều 20 về chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự tại Thông báo này. Cụ thể: "Thông qua Cơ quan trung ương, các Bên có thể chuyển giao việc truy cứu trách nhiệm hình sự cho các cơ quan tư pháp của Bên kia khi xét thấy Bên đó có điều kiện thuận lợi hơn để tiến hành việc điều tra, truy tố và xét xử tội phạm".
Do đó, bên được yêu cầu phải thông báo cho bên yêu cầu thủ tục tố tụng áp dụng đối với vụ án được chuyển giao và nếu thấy phù hợp, gửi cho bên yêu cầu bản sao quyết định được ban hành.
Bộ Ngoại giao vừa thông tin về 2 công dân Việt Nam bị bắt giữ ở Tây Ban Nha với cáo buộc "xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên 17 tuổi" và "xâm phạm quyền riêng tư".
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha, ngày 25/6, cảnh sát đảo Mallorca (Tây Ban Nha) thông báo đã bắt giữ 2 công dân Việt Nam với cáo buộc "xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên 17 tuổi" và "xâm phạm quyền riêng tư".
Hiện 2 công dân đã được tại ngoại và trong quá trình chờ cơ quan chức năng Tây Ban Nha xử lí.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán đã triển khai bước đầu các biện pháp bảo hộ công dân, làm việc với cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, đề nghị phía Tây Ban Nha bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam cũng như kịp thời cung cấp thông tin về diễn biến tình hình xử lí cho Đại sứ quán.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha tiếp tục theo dõi sát vụ việc, giữ liên hệ chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại, sẵn sàng các biện pháp hỗ trợ công dân kịp thời theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và sở tại.
Trước đó, truyền thông Tây Ban Nha dẫn thông báo từ cơ quan Phòng vệ Dân sự nước này cho biết 2 công dân Việt Nam ngày 25/6 bị bắt tại đảo Mallorca, thuộc quần đảo Baleares, Tây Ban Nha, với cáo buộc cưỡng bức một cô gái 17 tuổi, quốc tịch Anh.
Theo truyền thông địa phương, 2 nam công dân Việt Nam là "diễn viên, nhạc sĩ" 37 tuổi và 42 tuổi. Họ đã trình diện trước tòa vào ngày 28/6 và được tại ngoại, nhưng bị giới chức Tây Ban Nha giữ hộ chiếu.