Thước phim được quay từ trên cao mới đây đã tiết lộ những chi tiết về miệng hố Batagaika hay còn được mệnh danh là " Cổng địa ngục" ở vùng Viễn Đông, Nga.
Đây là miệng hố đóng băng vĩnh cửu lớn nhất thế giới, có chiều dài lên đến 1 km. Trong video, hai nhà thám hiểm đã leo trèo qua địa hình gồ ghề ở đáy vùng trũng, với bề mặt mấp mô và nhiều gò nhỏ.
Miệng hố Batagaika bắt đầu hình thành sau khi khu rừng xung quanh bị chặt phá vào những năm 1960, và đất đóng băng vĩnh cửu dưới lòng đất bắt đầu tan chảy. Điều này đã làm cho mặt đất sụt xuống, tạo ra miệng hố này.
Nhà thám hiểm Erel Struchkov chia sẻ rằng người dân địa phương gọi nó là "chỗ sụt". Ban đầu, nó chỉ là một khe núi nhưng sau đó, do hiệu ứng rã đông dưới ánh nắng mạnh, miệng hố bắt đầu mở rộng ra.
Nga đang trải qua hiện tượng ấm lên nhanh hơn ít nhất 2,5 lần so với phần còn lại của thế giới. Điều này làm tan chảy vùng lãnh nguyên đóng băng, chiếm khoảng 65% diện tích đất đai của Nga và giải phóng khí nhà kính khiến lòng đất tan chảy.
Hố sụt khổng lồ này cũng đang mở rộng theo cách nguy hiểm.
Nhà nghiên cứu Nikita Tananayev từ Viện đất đóng băng vĩnh cửu Melnikov tại Yakutsk cho rằng với tình trạng nhiệt độ ngày càng tăng và áp lực từ con người, chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng nhiều hố sụt hình thành cho đến khi tất cả đất đóng băng vĩnh cửu biến mất.
Việc đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy cũng đe dọa các thành phố và thị trấn trên khắp miền bắc và đông bắc của Nga. Điều này dẫn đến đường cong vênh, nhà cửa nứt vỡ và đường ống bị gián đoạn.
Ngoài ra, trận cháy rừng cũng trở nên dữ dội hơn gần đây, làm tình hình trở nên nguy hiểm hơn.
Mặc dù tốc độ mở rộng của miệng hố Batagaika chưa được xác định chính xác, nhưng theo Nikita Tananayev, các lượng carbon hữu cơ khổng lồ nằm dưới đáy hố sụt, ở độ sâu khoảng 100 m, có thể được giải phóng vào khí quyển khi quá trình tan chảy đất đóng băng diễn ra, góp phần làm gia tăng tốc độ ấm lên toàn cầu.
Mời quý độc giả xem thêm video: Ớn lạnh những vụ máy bay suýt va vào nhau trên đường băng.
Lê Trang (theo Reuters)