Cộng đồng chung tay đẩy lùi HIV/AIDS

Với chủ đề 'Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030', Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV năm nay diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2019 nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào thực hiện 'Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030', hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

 Phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại huyện Gio Linh. Ảnh: HG

Phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại huyện Gio Linh. Ảnh: HG

Tính đến ngày 25/11/2019, toàn tỉnh Quảng Trị có số người nhiễm HIV lũy tích 329 người, trong đó có 96 trường hợp tử vong do AIDS. Từ đầu năm đến nay phát hiện mới 9 trường hợp nhiễm HIV. Đại dịch HIV/ AIDS vẫn đang tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội, đã và đang tác động rất lớn đến sự phát triển của đất nước, tương lai và giống nòi. Do đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được Việt Nam khẳng định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài với sự tham gia của toàn xã hội. Mục tiêu quan trọng 90-90-90 được hưởng ứng và chú trọng thực hiện nhằm hướng đến kết thúc đại dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030 được hiểu là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh.

Tính đến ngày 30/9/2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đang quản lí, chăm sóc và điều trị cho 123 bệnh nhân HIV/AIDS. Để cụ thể hóa các mục tiêu phòng, chống tiến tới đẩy lùi HIV/AIDS, thời gian qua ngành y tế nói chung và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động chuyên môn như giám sát phát hiện các trường hợp nhiễm HIV; thực hiện “Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động khám, chăm sóc và điều trị cho phạm nhân nhiễm HIV tại trại giam Nghĩa An; tổ chức sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế”. Cấp 27 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho bệnh nhân đang điều trị ARV, đảm bảo 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có BHYT. Thanh toán và hỗ trợ đồng chi trả cho bệnh nhân từ nguồn ngân sách địa phương theo đúng quy định. Cấp 2.500 test xét nghiệm HIV để sàng lọc cho phụ nữ mang thai tại 9 trung tâm y tế tuyến huyện. 400 test phục vụ xét nghiệm cho đối tượng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Phân phối tài liệu truyền thông của Ban quản lí các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS, gồm 4.000 tờ rơi, 370 áp phích và 400 sách mỏng. Phân phối 250 cuốn tạp chí: “AIDS và cộng đồng”. Treo 10 băng rôn vượt đường với nội dung tuyên truyền trong tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tổ chức 14 điểm tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho phụ nữ mang thai (378 người tham gia và 302 người được xét nghiệm).

Phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ chức các hoạt động: Hỗ trợ tiền ăn tết, ngày Quốc tế Thiếu nhi; lập kế hoạch in 15.000 tờ rơi các loại để phân phối đến các trung tâm y tế tuyến huyện và các trạm y tế tuyến xã; lập kế hoạch mua 10.000 bao cao su, 6.000 bơm kim tiêm để phân phát đến các đối tượng nguy cơ cao lây nhiễm HIV tại cộng đồng qua các kênh phân phối. Tổ chức 60 điểm tư vấn xét nghiệm HIV tập trung tại cộng đồng cho 1.313 người tham gia, trong đó 1.041 người đồng ý xét nghiệm HIV. Tổ chức 12 điểm truyền thông phòng, chống HIV/ AIDS tại cộng đồng và trường học với 1.315 người tham gia. Tổ chức 10 đợt tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho đối tượng nguy cơ cao lây nhiễm HIV tại 9 huyện, thị xã, thành phố với 434 người tham gia. Tổ chức 2 đợt giám sát hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tuyến huyện và đợt giám sát tuyến xã; 3 lớp tập huấn về nâng cao kiến thức và kĩ năng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS với dự kiến 120 nhân viên y tế thôn bản tham gia. Tổ chức tập huấn Thông tư 09/2012/TT-BYT và Thông tư 03/2015/TT-BYT về công tác báo cáo hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS. Tập huấn và cấp chứng chỉ “Tư vấn xét nghiệm HIV” cho 47 cán bộ thực hiện công tác tư vấn phòng, chống HIV tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và huyện.

Ngoài các hoạt động chuyên môn thường xuyên, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 được tỉnh triển khai với các hoạt động trọng tâm như: Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức và kĩ năng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; treo băng rôn tuyên truyền về các chủ đề phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức hội thi tuyên truyền phòng, chống HIV/ AIDS trong học đường; truyền thông, tư vấn, xét nghiệm cho đối tượng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV và đối tượng dễ bị tổn thương tại 9 huyện, thị xã, thành phố; khám, tư vấn, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS; hỗ trợ bệnh nhân HIV có hoàn cảnh khó khăn… Các hoạt động này nhằm hướng tới sự chung tay của cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/ AIDS; chia sẻ, cảm thông, giảm sự kì thị và tăng sự hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS để giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn cũng như hướng đến mục tiêu quan trọng là kết thúc đại dịch HIV/ AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144494