Cống dưới đê xuống cấp

Do xây dựng từ lâu nên nhiều cống dưới đê trong tỉnh đã xuống cấp, khó điều tiết nước, dễ xảy ra sự cố, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn công trình đê điều.

Qua nhiều năm sử dụng, một số bộ phận của cống Dừa A (Tứ Kỳ) đã cũ, vận hành khó khăn

Qua nhiều năm sử dụng, một số bộ phận của cống Dừa A (Tứ Kỳ) đã cũ, vận hành khó khăn

Rất nhiều cống dưới đê trong tỉnh đã xuống cấp, ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều, điều tiết nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các cống này cần được đầu tư cải tạo hoặc xây mới, nhất là trong mùa mưa bão.

Khó điều tiết nước

Cống Dừa A thuộc tuyến đê hữu sông Thái Bình đoạn qua xã Chí Minh là một trong những cống lớn của huyện Tứ Kỳ. Cống có nhiệm vụ điều tiết nước tưới tiêu cho khoảng 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện. Do cống được xây dựng từ lâu nên nhiều bộ phận hoạt động không an toàn, thượng lưu cống ngay sát sông dễ bị xói mòn, sạt lở khi có nước lớn. Phần hạ lưu cống đã bị sạt lở nghiêm trọng, cung sạt dài từ 30 - 40 m, sạt sâu vào bờ từ 3 - 5 m, nhiều vết nứt và có khả năng tiếp tục sạt.

Ông Trần Văn Thuấn, thủ cống Dừa A cho biết do bị sạt lở nghiêm trọng ở mái kênh phía đồng nên cống chỉ sử dụng khi lấy nước để đổ ải. Nếu mưa lớn, phải tháo gạn nước trong đồng thì chỉ có thể tháo qua cống DưàB ở gần đó. Do chỉ tiêu được qua 1 cống nên thời gian tiêu nước kéo dài, kém hiệu quả.

Trên tuyến tả sông Đá Vách, đoạn qua xã Hoành Sơn (Kinh Môn) có 2 cống dưới đê là Đìa và Đống Thần cũng đang bị xuống cấp. Cả 2 cống này đều được xây từ lâu, cống ngắn, cánh cống bắt đầu có hiện tượng ải mục, mọt ruỗng. Riêng phần thượng lưu cống Đống Thần xuất hiện tình trạng vỡ lở, dốc đứng nên dễ xảy ra sự cố, nhất là khi nước sông dâng cao. "Cống Đống Thần không chỉ có nhiệm vụ điều tiết nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn tiêu nước từ trên đồi chảy xuống và khu vực dân cư gần đó. Những năm gần đây, cống xuống cấp nên việc điều tiết nước chậm, mưa lớn kéo dài dễ gây ngập úng trong khu dân cư", ông Trần Đức Bền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoành Sơn nói.

Thị xã Kinh Môn hiện có 20 cống dưới đê xung yếu, dễ xảy ra sự cố, nhiều nhất tỉnh. Hầu hết các cống đều ngắn, cánh cống có hiện tượng mọt ruỗng, thượng, hạ lưu cống dốc... Trong khi đó, địa phương này nằm ở vùng triều nên chủ yếu tưới tiêu nước bằng nguồn tự chảy. Các cống xuống cấp gây khó khăn trong điều tiết nước. Nhiều cống đã bị hư hỏng nặng và phải hoành triệt tạm thời trong mùa mưa lũ để bảo đảm an toàn.

Cống Đống Thần thuộc đê tả sông Đá Vách, đoạn qua xã Hoành Sơn (Kinh Môn) dễ xảy ra sự cố khi nước sông dâng cao

Cống Đống Thần thuộc đê tả sông Đá Vách, đoạn qua xã Hoành Sơn (Kinh Môn) dễ xảy ra sự cố khi nước sông dâng cao

Dễ xảy ra sự cố

Huyện Tứ Kỳ có 2 tuyến đê gồm tả sông Luộc và hữu sông Thái Bình dài 37,7 km. Toàn huyện có 30 cống dưới đê, trong đó 21 cống do Hạt Quản lý đê huyện trực tiếp hướng dẫn các địa phương quản lý, sử dụng; 9 cống do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện quản lý. Nhiều cống xây dựng từ lâu, trải qua nhiều lần ấp trúc đê dẫn đến cống ngắn, mang cống dốc đứng, bị quá tải, hư hỏng phải tu sửa chắp vá nhiều lần, khả năng chống lũ giảm. Ngoài cống Dừa A, cống An Lao (An Thanh) nằm trên đê sông Thái Bình cũng đã xuống cấp. Đây là trọng điểm xung yếu dễ xảy ra sự cố. Cống được xây bằng gạch, bên trong có nhiều vết nứt rộng, bị rò rỉ... Không chỉ làm giảm khả năng điều tiết nước cho toàn bộ khu vực xã An Thanh mà cống còn dễ xảy ra sự cố sạt sâu vào mái đê.

Ông Nguyễn Văn Thân, Hạt trưởng Quản lý đê huyện Tứ Kỳ khẳng định các cống dưới đê bị xuống cấp rất dễ xảy ra sự cố, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn công trình đê điều, nhất là khi nước lũ dâng cao. Để bảo đảm an toàn công trình đê điều và điều tiết nước thuận tiện, các cống dưới đê cần được sửa chữa hoặc đập đi xây lại.

Theo Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh, toàn tỉnh có 19 tuyến đê dài 373,2 km với 278 cống dưới đê. Trong đó, có 35 cống được xác định là điểm xung yếu dễ xảy ra sự cố, còn lại phần lớn cống kém an toàn. Tình trạng chung của các cống xung yếu là đều được xây từ những năm 1960 - 1970 của thế kỷ trước nên đã hết thời hạn sử dụng, quy mô, kết cấu hạn chế. Hầu hết cống ngắn hơn so với mặt cắt đê, mang cống dốc đứng, cống bị quá tải, khả năng chống lũ giảm đáng kể khi có lũ cao.

Trong những năm gần đây, nhiều đoạn đê đã được tôn cao, ấp trúc mở rộng và gia cố cứng hóa mặt đê nên một số cống dưới đê trở nên ngắn, mái đê tại cống dốc đứng, tải trọng vượt thiết kế ban đầu... Thời gian tới, tỉnh nên quan tâm bố trí kinh phí xây dựng, tu sửa các cống dưới đê đã xuống cấp để bảo đảm an toàn cho hệ thống công trình đê điều.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/cong-duoi-de-xuong-cap-147238