CỐNG HIẾN HẾT MÌNH (*): Người nâng tầm nông sản
Hơn 20 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, anh Phạm Đình Dũng đã cho ra đời hàng trăm sáng kiến, chuyển giao nhiều thành quả nghiên cứu khoa học để nông dân ứng dụng và làm giàu trên chính mảnh đất của mình
Anh Phạm Đình Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (AHRD) thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, là một điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của TP HCM. Những năm qua, anh không ngừng học tập, nâng cao nghiệp vụ và liên tục cho ra đời các sáng kiến.
"Nhìn đâu cũng ra... sáng kiến"
Đây là cách nói vui của tập thể AHRD khi nhắc đến Phạm Đình Dũng, bởi thành tích đáng nể của anh trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Từ năm 2011-2019, anh liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Chỉ trong 4 năm gần đây, Phạm Đình Dũng đã cho ra đời hàng chục sáng kiến cấp cơ sở và TP được áp dụng hiệu quả trong thực tế. Với anh, niềm đam mê sáng kiến đã ăn sâu vào máu thịt. Kiến thức chuyên ngành vững, luôn nhiệt huyết với công việc, điều ấy đã tạo nên sức bật đáng kinh ngạc từ con người này.
Trong hàng trăm sáng kiến của Phạm Đình Dũng phải kể đến giải pháp xây dựng quy trình ghép cây cà tím Nhật trên gốc cà dại. Việc sử dụng cây cà tím ghép để trồng ra đồng ruộng đã kéo dài thời gian thu hoạch 1 tháng rưỡi so với cây không ghép; giảm tỉ lệ cây bị bệnh héo xanh do vi khuẩn xuống dưới 10%. Từ đó, năng suất cây cà tím ghép tăng lên 20% và tăng thêm lợi nhuận 50 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống cho nông dân. Hiện nay, quy trình này đã được ứng dụng vào sản xuất tại TP HCM và các tỉnh lân cận, góp phần tạo vùng nguyên liệu sản xuất cà tím ổn định xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Hay như sáng kiến quy trình kỹ thuật trồng, xử lý, đóng gói rau bầu đất tím (cây bầu đất) và sâm đất ba cạnh. Qua quy trình, năng suất cây trồng tăng lên 2 kg/m2, chất lượng dinh dưỡng cây tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, rau không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng; nhất là tăng thời gian bảo quản rau lên 9-12 ngày, cao gấp 2-3 lần so với bảo quản truyền thống. Khi được hỏi bí quyết nào để liên tục cho ra lò những sáng kiến, cải tiến, giải pháp như vậy, Phạm Đình Dũng bộc bạch: "Có lẽ do được làm công việc mình yêu thích, đam mê. Bản thân tôi cũng thấy may mắn vì điều đó".
Trăn trở lớn nhất của Phạm Đình Dũng là làm sao tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu, nâng cao giá trị nông sản Việt. Anh cho biết thổ nhưỡng khó thay đổi, khí hậu không thay đổi nhưng nếu biết ứng dụng khoa học - công nghệ vẫn có thể cho ra những sản phẩm chất lượng cao. Chính vì thế, anh cùng đồng nghiệp đã lặn lội đến rất nhiều nơi để tìm hiểu, dày công nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng đất để cho ra đời những sản phẩm mới, sau đó chuyển giao giống và công nghệ trồng trọt cho bà con. "Vui nhất là khi thấy bà con sống được và làm giàu trên chính mảng đất của mình" - anh chia sẻ.
Xứng đáng vai trò thủ lĩnh
Với vai trò là thủ lĩnh của AHRD, Phạm Đình Dũng đã định hướng và chỉ đạo đơn vị của anh thực hiện 193 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học từ năm 2014-2019. Các nội dung nghiên cứu tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như công nghệ trồng cây không đất, công nghệ nhà màng, công nghệ tưới tiết kiệm nước, công nghệ vi sinh, công nghệ di truyền, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật, công nghệ nuôi cá kiểng, sản xuất giống mới; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc các giống cây, giống hoa, giống con…
Đáng trân trọng nhất là các kết quả nghiên cứu đều được ứng dụng vào thực tiễn, giúp nông dân khắc phục những khó khăn trong quá trình sản xuất và đem lại hiệu quả khi ứng dụng. Ngoài ra, AHRD có 7 quy trình tiến bộ kỹ thuật cấp quốc gia được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Đây là các quy trình khoa học - công nghệ mới lần đầu tiên ở khu vực phía Nam. Trước những thành quả của AHRD, Phạm Đình Dũng cảm thấy hạnh phúc nhất là khi được làm việc cùng với đội ngũ cộng sự nhiệt huyết, trẻ trung và sáng tạo. Từ đó cùng nhau tạo ra những sản phẩm chất lượng để phục vụ nông dân.
Theo anh, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi không thể thay đổi bởi chỉ có nông nghiệp công nghệ cao mới giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Nếu muốn thành công việc tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững thì không có cách nào khác là lấy khoa học - công nghệ làm động lực. Đây không chỉ là "xương sống" của nền nông nghiệp mà còn là "chìa khóa" đánh thức tiềm năng sẵn có của nền nông nghiệp, nông dân. "Do đó, AHRD có trách nhiệm nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, không chỉ giúp nông dân có thu nhập cao hơn, ổn định hơn ngay trên chính mảnh đất của mình mà còn nâng tầm nông sản Việt.
"Thành công đó chính là động lực để tôi và tập thể AHRD tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình, vì một nền nông nghiệp sạch và phát triển bền vững" - anh Dũng bày tỏ.
Tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước TP HCM lần thứ VII
Hôm nay (26-6), UBND TP HCM sẽ tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước TP HCM lần thứ VII, giai đoạn 2015-2020 với chủ đề "Năng động - Đổi mới - Sáng tạo". Dự kiến có hơn 1.200 đại biểu, khách mời trung ương, các địa phương và TP dự đại hội. Tại đại hội sẽ tuyên dương 85 tập thể và 102 cá nhân là điển hình tiên tiến TP giai đoạn 2015-2020.
Đại hội Thi đua yêu nước TP nhằm tổng kết, đánh giá kết quả và tác dụng của phong trào thi đua yêu nước, công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến giai đoạn từ sau Đại hội Thi đua yêu nước TP lần thứ VI đến nay. Qua đó, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tính năng động, sáng tạo, lao động cần cù, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng; khơi dậy, cổ vũ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực, tạo động lực mới cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an sinh ở từng ngành, từng lĩnh vực.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-6