Cống hiến to lớn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là nhà lý luận xuất sắc, là nhà chính trị tài năng, là tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập rèn luyện và trưởng thành qua đấu tranh cách mạng. Đồng chí đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Cuộc đời và sự nghiệp
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
của đồng chí mặc dù ngắn ngủi nhưng đã để lại một dấu ấn quan trọng, đóng góp vào trang sử vẻ vang và những kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, chỉ đạo và trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta.
Sinh ra và lớn lên khi đất nước còn đắm chìm trong cảnh nô lệ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra cho những người Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ. Nguyễn Văn Cừ hăng hái lao vào hoạt động cách mạng với tất cả nhiệt tình tuổi trẻ, với trí thông minh và lòng căm thù bọn áp bức bóc lột và đã có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia hoạt động từ khi mới 15 tuổi và được đi "vô sản hóa" vào tháng 8-1928 ở vùng mỏ Đông Bắc. Với tinh thần quyết tâm cách mạng, đồng chí đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh kêu gọi công nhân lao động mỏ đứng lên làm cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Tờ báo Than do đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp chỉ đạo và là người biên tập chính, với nội dung tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin đã được phát hành rộng rãi ở Mạo Khê và vùng mỏ Đông Bắc.
Chỉ một năm sau, đồng chí đã trở thành người chỉ đạo trực tiếp phong trào công nhân, phong trào cộng sản ở khu vực có lực lượng công nhân đông đảo nhất lúc bấy giờ.
Năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở mỏ Mạo Khê - chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng ta ở Vùng mỏ Quảng Ninh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, các chi bộ Đảng như Uông Bí, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông lần lượt ra đời.
Mặc dù chưa ra nước ngoài học tập, nghiên cứu về phong trào cộng sản và công nhân thế giới, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tinh thần quốc tế vô sản rõ nét ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX. Đồng chí đã có nhiều bài viết sâu sắc kêu gọi những người cộng sản và các tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam ủng hộ cách mạng Trung Quốc, Liên Xô. Những bài viết này thể hiện khả năng khái quát cao, tư duy độc lập và biện chứng về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương với cách mạng thế giới, những vấn đề cách mạng nóng bỏng trong nước và quốc tế, khẳng định tài năng chính trị của một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và dân tộc ta.
Năm 1938, khi chưa đầy 26 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (xã Phù Khê, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Trí Dũng - TTXVN
Với cương vị là Tổng Bí thư, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng Việt Nam và Đông Dương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng; chỉ đạo cho phát hành cuốn "Công tác bí mật của Đảng" kịp thời gửi tới Đảng bộ các cấp; trực tiếp triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc kỳ...
Đặc biệt, chỉ hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới II bùng nổ, đồng chí đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, trong đó xác định: Để tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào chống đế quốc và ách thống trị của phát xít thuộc địa, Đảng sẽ tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ không còn thích hợp nữa; phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang. Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng mới, lực lượng cách mạng cũng tránh được tổn thất lớn khi kẻ địch trở mặt đàn áp, góp phần đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử.
Đến nay, khi nhìn lại những diễn biến lịch sử, chúng ta càng khâm phục quyết định chuyển hướng chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng của Đảng ta tại Hội nghị Trung ương 6 là hết sức sáng suốt, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, năng lực sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ còn là người đi đầu trong việc đề cao tinh thần thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình nhằm nâng cao sức mạnh của Đảng thể hiện thông qua tác phẩm "Tự chỉ trích" được viết vào tháng 7/1939.
Tác phẩm "Tự chỉ trích" ra đời cách đây hơn 70 năm, do một người cộng sản Việt Nam chỉ được học tập lý luận chủ yếu ở trong nhà tù đế quốc soạn thảo, nhưng bằng thực tiễn hoạt động phong phú của mình, đã khái quát được những vấn đề tư tưởng lý luận hết sức sâu sắc mang tính thời đại cho đến nay vẫn còn giá trị thời sự. Tác phẩm "Tự chỉ trích" đã thể hiện sự minh triết trong tư duy chính trị của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng xuất sắc, đồng thời thể hiện chất trí tuệ sáng ngời của Đảng ta trong việc làm giàu thêm kho tàng lý luận học thuyết Mác - Lênin.
Năm 1940, thực dân Pháp bắt Nguyễn Văn Cừ và hành quyết đồng chí vào ngày 26/8/1941.
Trong 29 năm tuổi đời với hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với Đảng và dân tộc ta là rất to lớn.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN