Công nghệ - 'chìa khóa' tăng hiệu quả sản xuất và tiêu thụ lúa gạo

Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu xung yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Vấn đề này cũng đã được xác định là cơ hội và tiềm năng phát triển mạnh cho những sáng kiến mang tính đột phá của ngành lúa gạo, của các doanh nghiệp (DN) là chủ thể của chuỗi sản xuất lúa gạo Việt Nam.

Đó là thông tin được sự quan tâm rất lớn của các DN ngành lúa gạo Việt Nam tại Hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam thường niên - năm 2019 với chủ đề “Đột phá công nghệ, nâng cao chất lượng tăng hiệu quả sản xuất và tiêu thụ lúa gạo”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 19/9, tại TP. Cần Thơ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thế Hào - Phó Tổng biên tập thường trực Thời báo Kinh tế Việt Nam - chia sẻ, lúa gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD/năm, là sản phẩm nòng cốt giữ vững thương hiệu quốc gia nông nghiệp trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực trong đó có sản phẩm gạo.

“Những thành quả liên tiếp đạt được về kim ngạch xuất khẩu gạo trong những năm gần đây tới các thị trường truyền thống cũng như năng lực mở rộng tiếp cận tới các thị trường mới, có tính khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã tiếp tục khẳng định khả năng tăng trưởng và phát triển của gạo Việt. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản suất, chế biến và bảo quản vẫn còn rất hạn chế đối với các doanh nghiệp sản xuất gạo trong nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và giá thành của gạo Việt Nam so với giống gạo cùng loại của các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan và Ấn Độ” - ông Hào nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - cho rằng, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu xung yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Vấn đề này cũng đã được xác định là cơ hội và tiềm năng phát triển mạnh cho những sáng kiến mang tính đột phá của ngành lúa gạo, của các DN là chủ thể của chuỗi sản xuất lúa gạo Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách cũng như mục tiêu lâu dài về nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh của gạo Việt.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang có nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về nội dung này và tin tưởng với tính hấp dẫn về đầu tư ngành nông nghiệp, cùng với những cơ hội ngày một mở rộng hơn từ các hiệp định thương mại mới vừa ký kết gần đây, các DN tham gia trong ngành công nghệ chế biến và bảo quản lúa gạo sẽ quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam, hợp tác với DN sản xuất trong nước để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả và chất lượng của gạo Việt Nam” - ông Sơn chia sẻ thêm.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, năm 2018 xuất khẩu gạo đạt 6,11 triệu tấn, tăng 5,21%, trị giá xuất khẩu 3,06 tỷ USD, tăng 16,3%. Trong 8 tháng năm 2019, lượng xuất khẩu gạo đạt 4,53 triệu tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2018, trị giá xuất khẩu đạt 1,96 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, gạo Việt Nam có mặt tại khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - phát biểu tại hội thảo

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - phát biểu tại hội thảo

Hiện tại có 177 thương nhân Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo, trong thời gian tới ông Hải nhận định, các DN cần sản xuất gạo theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Bên cạnh đó cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng, tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

“Để tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam, các DN cũng như ban ngành liên quan cần quy hoạch lại vùng sản xuất, kỹ thuật canh tác bền vững phù hợp cho từng vùng sản xuất, cải tiến công nghệ sau thu hoạch và chế biến. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực tổ hợp tác, hợp tác xã và DN, xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn” - ông Hải nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: Trong thời gian tới, các DN gạo Việt Nam phải có xu hướng công nghệ mới cần áp dụng như, phát triển công nghệ 4.0, sản xuất bền vững SRP (Sustainable Rice Platform); truy xuất nguồn gốc và công nghệ Big Data… để nâng cao chất lượng gạo, tăng hiệu quả sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam.

Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nghe-chia-khoa-tang-hieu-qua-san-xuat-va-tieu-thu-lua-gao-125414.html