Công nghệ cổ điển

Chừng giữa năm 2020, Bộ Giao thông vận tải chính thức khởi công gói thầu đầu tiên trong bốn dự án đường sắt cấp bách với tổng kinh phí 7.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Việc thực hiện bốn dự án này về cơ bản sẽ giảm nguy cơ mất an toàn đối với các cầu, hầm yếu, từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến từ 3,6 lên 4,2 tấn/m, nâng tốc độ tàu khách bình quân đạt 80 km/giờ, tàu hàng 50 km/giờ; tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm hiện nay lên 23 đến 25 đôi. Khối lượng vận chuyển hành khách theo đó cũng tăng 1,5 đến 1,6 lần và hàng hóa tăng 1,3 đến 1,5 lần,...

Chừng giữa năm 2020, Bộ Giao thông vận tải chính thức khởi công gói thầu đầu tiên trong bốn dự án đường sắt cấp bách với tổng kinh phí 7.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Việc thực hiện bốn dự án này về cơ bản sẽ giảm nguy cơ mất an toàn đối với các cầu, hầm yếu, từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến từ 3,6 lên 4,2 tấn/m, nâng tốc độ tàu khách bình quân đạt 80 km/giờ, tàu hàng 50 km/giờ; tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm hiện nay lên 23 đến 25 đôi. Khối lượng vận chuyển hành khách theo đó cũng tăng 1,5 đến 1,6 lần và hàng hóa tăng 1,3 đến 1,5 lần,...

Các dự án được triển khai đồng loạt, thế nhưng dọc tuyến đường sắt bắc - nam có đặc thù rất ít điểm thuận lợi về đường bộ để chở vật liệu thi công vào công trình bằng ô-tô và phần lớn vật liệu đều phải chở bằng tàu công trình. Trên các trang mạng xã hội của ngành đường sắt, nhiều thành viên đã chia sẻ những đoạn phim hay hình ảnh chụp cảnh công nhân làm việc, xả lớp đá dằn từ toa xe công trình xuống đường ray theo lối rất “cổ điển”: trên toa xe chở đá, chia ba công nhân một tốp, hai người hai bên kéo dây thừng buộc vào xẻng để trợ lực cho một người cầm xúc đá hất xuống đường. Những hình ảnh này khiến rất nhiều người hài hước gọi đùa đây là “công nghệ cổ điển” của ngành đường sắt.

Theo lời một công nhân ngành đường sắt, đúng ra việc thi công đường sắt, xả đá dằn phải sử dụng toa xe chở đá đặc thù (loại toa xe có thể mở đáy xả đá xuống, không cần dùng sức người), kể cả các toa xe chở loại vật liệu thi công đường sắt khác cũng đòi hỏi loại toa chuyên dụng như vậy. Vậy tại sao ngành đường sắt vốn vẫn có loại toa này lại không sử dụng thi công dự án cấp bách? Lý do được một cán bộ kỹ thuật giải thích, theo quy định về niên hạn phương tiện đường sắt, ngành đường sắt phải dừng vận dụng 86 toa xe Hmđ (loại toa xe chuyên dụng chỉ phục vụ chở vật liệu nội ngành để duy tu và sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt), dẫn đến thiếu toa xe, các đơn vị thi công, duy tu bảo dưỡng công trình đành nảy ra “sáng kiến” thay thế loại toa chuyên dụng bằng toa xe chở hàng thông thường.

Lường trước khó khăn này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép đăng ký lại thành toa xe chuyên dùng. Tổng công ty sẽ phối hợp các cơ quan chức năng liên quan đánh giá, nghiệm thu lại các toa xe này để bảo đảm an toàn phương tiện khi tiếp tục vận dụng. Tàu công trình có tốc độ thấp, các toa xe đều phải kiểm tra, kiểm định kỹ càng, bảo đảm an toàn mới chạy.

XÍCH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/cong-nghe-co-dien-635805/