Công nghệ giúp hành trình của tài xế xe tải 'dễ thở' hơn

Các công ty vận tải ở Mỹ đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ dựa vào sức mạnh trí tuệ nhân tạo (AI), giúp hoạt động giao hàng hiệu quả hơn đồng thời giúp hành trình của các tài xế trên những cung đường dài trở nên 'dễ thở' hơn.

 Nhiều công ty vận tải ở Mỹ đang gắn các thiết bị giám sát trong cabin xe tải để giúp lên kế hoạch và hướng dẫn tuyến đường giao hàng tối ưu nhất bằng cách xem xét lưu lượng giao thông và các điều kiện thời tiết. Ảnh: Bloomberg

Nhiều công ty vận tải ở Mỹ đang gắn các thiết bị giám sát trong cabin xe tải để giúp lên kế hoạch và hướng dẫn tuyến đường giao hàng tối ưu nhất bằng cách xem xét lưu lượng giao thông và các điều kiện thời tiết. Ảnh: Bloomberg

Gần đây, tài xế Volker Condron trong khi đang lái một chiếc tải đầu kéo 18 bánh trên một tuyến đường cao tốc gần Mount Vernon, bang Texas thì xe bị nổ lốp, một rủi ro thường gặp và có thể khiến chuyến hàng giao chậm so với kế hoạch vài tiếng.

Nhưng lần này, Condron sử dụng một ứng dụng mới trên di động để chụp hình lốp xe, gửi thông tin vị trí chính xác và nhiều thông tin quan trọng khác đến một thợ sửa xe gần nhất. Trong phút chốc, người thợ xuất hiện để xử lý và chưa đầy nửa tiếng sau, xe của Condron đã có thể tiếp tục lăn bánh.

“Mọi thứ giờ đây nằm ở đầu các ngón tay của bạn. Công nghệ đã đẩy nhanh quy trình khắc phục sự cố trên đường”, Condron, người đang làm việc cho Hãng dịch vụ logistics và vận tải Hub Group, có kinh nghiệm hơn 30 năm lái xe tải nói.

Các công ty điều hành chuỗi ung ứng, logistics và vận tải đang tận dụng các công nghệ số hóa để tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại tại văn phòng làm việc cũng như sử dụng chúng trong các cabin của các xe tải đường dài.

Vào tháng trước, hãng Hub Group, có trụ sở Oak Brook, bang Illinois, đang vận hành hơn 4.000 xe tải, giới thiệu một loạt các năng lực mới dựa vào trí tuệ nhân tạo, hứa hẹn giúp hãng này thực hiện các chuyến giao hàng đúng giờ hơn.

Vava Dimond, Giám đốc thông tin Hub Group, cho biết các năng lực mới khai thác 10 triệu điểm dữ liệu, bao gồm nhiều dữ liệu được tạo ra bởi các cảm biến được kết nối Internet với nhau và các thiết bị phần cứng khác mà Hub Group trang bị cho đội xe tải của công ty trong hơn hai năm qua.

Bà Dimond nói rằng mục tiêu của công ty là sử dụng càng nhiều dữ liệu càng tốt để thực hiện các chuyến giao hàng hiệu quả hơn và tăng năng suất công việc. Song bà cho biết sáng kiến ứng dụng công nghệ cũng nhằm giúp cuộc sống trên đường dài của các tài xế dễ thở hơn.

Bà nói đối với các tài xế xe tải, cabin của xe là “văn phòng” của họ nhưng “văn phòng này không tiện lợi đối với những thứ như giấy tờ khi trời mưa hoặc có gió mạnh”.

Giờ đây, ứng dụng di động của Hub Group có thể theo dõi và tự động điền các thông tin cần thiết vào giấy tờ của các tài xế bao gồm nhật trình dọc theo các tuyến đường, giấy xác nhận đã giao hàng và các mẫu đơn khác.

Trong một báo cáo hồi năm ngoái, hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG) chỉ ra rằng ngành vận tải đường bộ còn liên quan nhiều đến các quy trình thủ công và quá chậm thay đổi. Theo báo cáo, các công ty vận tải hiện nay đang chịu sức ép phải cập nhật hệ thống từ các công ty khởi nghiệp (startup) ở lĩnh vực logistics và giao hàng thương mại điện tử, đã thu hút tổng vốn đầu tư 3,3 tỉ đô la Mỹ kể từ năm 2012.

Báo cáo cũng nhận định các startup này có thể là mục tiêu thâu tóm hấp dẫn đối với các công ty vận hành các đội xe tải lớn. Một số startup đáng chú ý trong lĩnh vực dịch vụ vận tải gồm hai công ty dịch vụ logistics trực tuyến như Freightex (Anh), EasyPost (Mỹ) và Convoy (Mỹ), một nền tảng trực tuyến giúp kết nối chủ hàng và các công ty vận tải.

Các nhà nghiên cứu của BCG cho rằng các startup linh hoạt này đang nhắm đến mục tiêu giành miếng bánh trong thị trường vận tải còn phân mảnh, nơi “các quy trình làm việc qua điện thoại và giấy tờ” vẫn còn phổ biến. Điều này khiến các công ty vận tải lâu năm phải bước vào cuộc chạy đua phát triển các nền tảng có thể tích hợp các tập hợp dữ liệu đa dạng để giúp theo dõi đơn hàng, vị trí xe tải và các thông tin quan trọng khác theo thời gian thực, trong khi đó, giúp tiết kiệm nhiên liệu cũng như tăng tính hiệu quả trong việc sắp xếp kế hoạch giao hàng.

Chẳng hạn, hãng giao nhận và logistics United Parcel Service (Mỹ) đang sử dụng một nền tảng để tính toán tuyến đường giao hàng hiệu quả nhất cho các tài xế, giúp họ có thể giao hàng đến 120 điểm mỗi ngày.

Các thiết bị giám sát được gắn trong cabin xe tải của nhiều công ty vận tải giúp lên kế hoạch và hướng dẫn tuyến đường giao hàng tối ưu nhất bằng cách xem xét lưu lượng giao thông và các điều kiện thời tiết. Đồng thời, các cảm biến thông minh gắn ở động cơ, lốp, rơ moóc, bồn nhiên liệu của xe tải cũng giúp giám sát hoạt động của chúng và cảnh báo tài xế về bất cứ vấn đề tiềm tàng nào có thể làm trì hoãn một chuyến giao hàng.

Ngoài ra, các áp lực khác để hiện đại hóa các hệ thống của xe tải bao gồm các quy định an toàn liên bang đòi hỏi mọi xe tải phải trang bị thiết bị ghi nhật trình điện tử để theo dõi số giờ lái xe của tài xế trên đường.

Todd Spencer, Chủ tịch Hiệp hội các tài xế xe tải độc lập, một tổ chức đại diện cho hơn 160.000 tài xế xe tải ở Mỹ và Canada, cho biết nhiều công cụ mới đang mang lại lợi ích cho các công ty vận hành các đội xe tải và các công ty môi giới vận tải, chứ không phải tài xế.

“Nếu bạn bị kẹt trên đường vì một vụ tai nạn, dù cho công nghệ tốt đến mức nào, nó cũng không hỗ trợ bạn được”, Spencer nói. Một vấn đề nữa là nhiều nhà cung cấp công nghệ mới bị phá sản, buộc các tài xế phải học cách sử dụng các bộ công cụ số hóa khác.

Hãng nghiên cứu thị trường Gartner cho rằng giới thiệu công nghệ số hóa mới trong bất cứ ngành nào cũng có thể rất phức tạp. Gartner ước tính hơn 60% công ty sử dụng các chiến lược số hóa tại nơi làm việc nhưng chỉ có 25% nỗ lực này giúp thay đổi thành công lề lối làm việc của nhân viên.

Theo Wall Street Journal

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290036/cong-nghe-giup-hanh-trinh-cua-tai-xe-xe-tai-de-tho-hon.html