Công nghệ tác động đến môi trường làm việc như thế nào trong năm 2024?

Báo cáo Tác động công nghệ đến môi trường làm việc của Tech.co đã tiết lộ một số dự đoán thú vị cho năm 2024 về xu hướng làm việc từ xa, AI, an ninh mạng và nhiều thông tin khác…

2023 đã qua và tác động của công nghệ đến môi trường làm việc trong năm không quá đáng kể. Từ khả năng tích hợp nền tảng AI như ChatGPT đến thực trạng gia tăng vi phạm dữ liệu toàn ngành, thay đổi nhằm theo kịp xu hướng là mục tiêu nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đổi mới để chiếm ưu thế.

Tech.co đã bắt tay vào hành trình nghiên cứu và phân tích một loạt xu hướng tại nơi làm việc và ghi nhận ảnh hưởng từ công nghệ là yếu tố then chốt. Hơn 1000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia khảo sát, với độ tin cậy 99,9% cho thấy kết quả báo cáo mô tả chính xác xu hướng phát triển công nghệ tại nơi làm việc năm 2024 và giúp tổ chức lập chiến lược cho năm tới.

AI MANG LẠI NĂNG SUẤT CAO CÙNG NHIỀU CÔNG CỤ CỘNG TÁC

Việc sử dụng công cụ trực tuyến và tài nguyên kỹ thuật số chắc chắn không còn xa lạ trong thế giới kinh doanh. Năm 2023, các công cụ cộng tác và nền tảng AI tổng quát đã đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới, bổ sung bộ chức năng mạnh mẽ cho hoạt động kinh doanh thông thường.

Theo nghiên cứu, hơn một nửa số doanh nghiệp (56%) báo cáo mức tăng năng suất, vì vậy công nghệ này dường như đang mang lại tác động tích cực.

Cụ thể hơn, sử dụng các nền tảng và tính năng AI cải thiện đáng kể năng suất cho nhiều doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. 72% số người được hỏi sử dụng AI rộng rãi cho biết công ty đạt mức năng suất cao hơn so với phần còn lại chỉ sử dụng ở mức hạn chế.

Bảng số liệu % mức năng suất chia theo số lượng công cụ được các tổ chức sử dụng

Bảng số liệu % mức năng suất chia theo số lượng công cụ được các tổ chức sử dụng

59% NGƯỜI SỬ DỤNG AI TRONG CÔNG VIỆC CẢM THẤY RẤT HÀI LÒNG

Với khả năng đột phá, không có gì khó hiểu khi AI thâm nhập mọi ngành nghề trên thế giới hiện nay. Ngay sau khi trí tuệ nhân tạo đủ tiên tiến để xử lý một số hoạt động nhất định, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tích hợp AI vào hệ thống với hy vọng cải thiện năng suất. Đó là xu hướng không chỉ trong năm tới mà còn phát triển mạnh mẽ ở tương lai xa.

Nhân viên được khuyến khích sử dụng công nghệ cảm thấy thế nào về sự gia tăng nhanh chóng của AI tại nơi làm việc? Trước đó, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng người lao động lo lắng AI có thể thay thế con người. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, 59% người sử dụng AI cảm thấy rất hài lòng, dập tắt lo ngại trên.

Những con số này tạo tiền đề giúp doanh nghiệp mạnh dạn triển khai công nghệ nhằm tăng hiệu suất công việc. Trên thực tế, cứ 25 công ty thì mới có 1 công ty tích hợp đầy đủ AI quy mô toàn tổ chức.

CHATGPT - CÔNG CỤ AI PHỔ BIẾN NHẤT ĐƯỢC DOANH NGHIỆP SỬ DỤNG

Tháng 11/2022, ChatGPT “trình làng” ấn tượng cùng hơn một triệu lượt đăng ký chỉ sau một tuần ra mắt. Giá trị công nghệ này mang lại gần như bộc lộ ngay lập tức và hiện tại, các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng tận dụng tối đa ChatGPT để cải thiện hiệu quả hoạt động.

Kể từ đó, vô số lựa chọn thay thế ChatGPT từ một số đại gia công nghệ như Google và Microsoft đều lần lượt ra mắt không lâu sau đó. Từ Bard, Copilot, Claude cho đến Jasper đều mang tới những giá trị riêng, nhưng ChatGPT vẫn đang nắm chắc ngôi vương.

Trên thực tế, nghiên cứu từ Tech.co khẳng định 65% doanh nghiệp sử dụng ChatGPT, vượt xa vị trí thứ hai là chatbot AI Google Bard với chỉ 49% mức sử dụng. Các lựa chọn thay thế khác bao gồm Bing AI Chat (20%), Claude AI (10%), Jasper Chat (9%) và 8% sử dụng nền tảng khác ít được biết đến.

Các công cụ AI hàng đầu

Các công cụ AI hàng đầu

XU HƯỚNG LÀM VIỆC TRONG TƯƠNG LAI

Đại dịch Covid bùng nổ đã khiến xu hướng làm việc online tại nhà lên ngôi thay vì phong cách làm việc cố định tại văn phòng. Vì vậy, cho đến hiện nay, một vài công ty vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều gặp khó khăn khi thu hút nhân tài. Cụ thể, một số tổ chức cho phép nhân viên được làm việc online đang tuyển dụng dễ dàng hơn nhiều so với doanh nghiệp làm việc hoàn toàn tại văn phòng và thậm chí làm việc kết hợp.

Vì vậy, chính sách giờ làm việc là yếu tố vô cùng quan trọng nếu nhà quản lý muốn giữ chân nhân viên.

LÀM VIỆC 4 NGÀY TRONG TUẦN

Giờ đây, hình thức làm việc từ xa hay kết hợp đã quá quen thuộc với nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, chế độ làm việc 4 ngày một tuần thu hút sự quan tâm cao và đạt tín hiệu khả quan. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, rút ngắn thời gian đến công ty và giữ nguyên mức lương có tác động tích cực đến năng suất, doanh thu, phúc lợi nhân viên và tỉ lệ vắng mặt.

Tuy nhiên, việc chấp nhận và áp dụng mô hình này phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố độ tuổi người đứng đầu. Theo đó, có đến 65% lãnh đạo cấp cao trong độ tuổi 35-44 (Millennials và Gen X) cân nhắc hoặc đã triển khai phương pháp này, trong khi chỉ có 45% lãnh đạo cấp cao trong độ tuổi 55-64 (Baby Boomers) cho phép.

Trên thực tế, 93% lãnh đạo cấp cao tại các tổ chức nơi AI đóng vai trò then chốt trong hoạt động vận hành đang xem xét hoặc đã đồng ý.

LÀM VIỆC ONLINE ĐẠT MỨC NĂNG SUẤT CAO HƠN

Sau đại dịch, làm việc từ xa thực sự trở thành tiêu chuẩn với nhiều doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp đều trang bị đầy đủ công cụ để làm việc từ xa như phần mềm tổ chức hội nghị hay dịch vụ theo dõi dự án.

Với phương pháp này, 64% doanh nghiệp báo cáo mức năng suất cao so với 54% doanh nghiệp chỉ làm việc cố định tại văn phòng. Tuy nhiên, bất chấp kết quả nghiên cứu, nhiều chủ doanh nghiệp đang dần yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng. Năm 2023, hơn một nửa số công ty (52%) mong đợi nhân viên làm việc tại văn phòng 5 ngày mỗi tuần.

Đặc biệt, 38% nhân viên tại một số tổ chức làm việc kết hợp đều được ghi nhận đến văn phòng nhiều hơn mức yêu cầu. Điều này nghĩa là chính sách trở lại văn phòng nghiêm ngặt có thể không cần thiết, vì nhân viên vẫn sẽ đi làm nếu cần trong một số tình huống.

VI PHẠM DỮ LIỆU DO TẤN CÔNG LỪA ĐẢO

Không phải tất cả tiến bộ trong công nghệ đều tốt cho doanh nghiệp. Tội phạm mạng ngày càng gia tăng cùng nhiều cuộc khủng hoảng an ninh trực tuyến đang là thách thức cho doanh nghiệp và gây thiệt hại hàng triệu USD mỗi năm.

Theo nghiên cứu, 23% vụ vi phạm dữ liệu do tấn công lừa đảo, ngay sau đó là virus máy tính (22%), lỗi từ nhân viên (12%), các mối đe dọa tiềm ẩn (9%) và Wi-Fi không an toàn (8%).

Tóm lại, bảo vệ doanh nghiệp trực tuyến phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm tới, đặc biệt với doanh nghiệp nắm giữ nhiều thông tin nhạy cảm.

Sơn Trần

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cong-nghe-tac-dong-den-moi-truong-lam-viec-nhu-the-nao-trong-nam-2024.htm