Công nhân của Tập đoàn Boeing chấp thuận đề xuất hợp đồng mới

Ngày 4/11, các công nhân của Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đã chấp thuận đề xuất hợp đồng mới, chấm dứt hơn 7 tuần ngưng trệ hoạt động, khiến 'gã khổng lồ' hàng không của Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD.

Máy bay 737 MAX của Boeing thực hiện chuyến bay kiểm tra tại Seattle, Washington, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Máy bay 737 MAX của Boeing thực hiện chuyến bay kiểm tra tại Seattle, Washington, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Hiệp hội Công nhân cơ khí và Hàng không quốc tế (IAM) Quận 751 (thành phố Seattle, bang Washington) cho biết với hơn 59% phiếu thuận, hiệp hội này đã thông qua đề xuất hợp đồng mới được ban lãnh đạo Boeing đưa ra, sau khi bác bỏ 2 đề xuất trước đó. Động thái trên đồng nghĩa với việc khoảng 33.000 công nhân của IAM tại khu vực Seattle sẽ trở lại làm việc, khôi phục hoạt động tại 2 nhà máy lắp ráp lớn trong bối cảnh Boeing đang nỗ lực vực dậy tập đoàn sau nhiều “bước thụt lùi”. Đề xuất hợp đồng mới bao gồm mức tăng lương 38%, cùng khoản tiền thưởng 12.000 USD khi ký hợp đồng, kèm các điều khoản nâng mức đóng góp của chủ quản lý lao động vào chương trình hưu trí 401K và đảm bảo chi phí chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, hợp đồng mới không khôi phục chế độ lương hưu trước đây của Boeing theo nguyện vọng của các công nhân lớn tuổi.

Dự kiến, các công nhân của IAM sẽ quay trở lại làm việc sớm nhất là vào ngày 6/11 và muộn nhất là ngày 12/11.

Chủ tịch Công đoàn IAM quận 751 Jon Holden coi đây là thắng lợi của công nhân đấu tranh cho vấn đề tiền lương, cho rằng hợp đồng mới giúp cân bằng lại cán cân có lợi cho tầng lớp trung lưu sau những nhượng bộ trước đó với tập đoàn. Ông cam kết khi đình công kết thúc, các công nhân sẽ quay lại làm việc, cống hiến để cải thiện tình hình tài chính hiện nay của Boeing.

Về phần mình, Giám đốc điều hành Boeing Kelly Ortberg hoan nghênh việc IAM chấp thuận đề xuất, đồng thời nhấn mạnh ban lãnh đạo và công nhân cần đạt đồng thuận, cùng làm việc để đưa Boeing phát triển.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng hoan nghênh việc IAM đã chấp thuận đề xuất hợp đồng của Boeing, cho rằng điều này có lợi cho người lao động, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng, đồng thời là chìa khóa để phát triển nền kinh tế Mỹ.

Trước đó, cuộc đình công kéo dài 7 tuần của công nhân lắp ráp máy bay Boeing đã làm trầm trọng thêm triển vọng, vốn đã bấp bênh của nhà sản xuất này sau sự cố bung cửa thoát hiểm của một máy bay 737 MAX do Alaska Airlines khai thác vào tháng 1 năm nay. Dù không xảy ra thương tích lớn nào, nhưng sự cố này đã đẩy Boeing rơi lại vào khủng hoảng sau 2 vụ tai nạn liên quan đến dòng máy bay MAX.

Cuộc đình công của IAM xuất phát từ những bất bình của công nhân do lương gần như trì trệ trong suốt 1 thập kỷ. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn do lạm phát tăng trong những năm gần đây và chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn ở khu vực Seattle - một trung tâm công nghệ đang phát triển. Theo công ty tư vấn và phân tích thị trường Anderson Economic Group, cuộc đình công này kéo dài hơn cả cuộc đình công của công nhân ngành ô tô Mỹ năm 2023 ở thành phố Detroit, bang Michigan, để trở thành cuộc đình công gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong thế kỷ XXI, với số tiền ước tính 11,6 tỷ USD.

Minh Tâm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cong-nhan-cua-tap-doan-boeing-chap-thuan-de-xuat-hop-dong-moi-20241105162834495.htm