Công nhận địa điểm nhà làm việc của bác sĩ Yersin là di tích quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định công nhận bổ sung điểm di tích nhà làm việc của nhà bác học Alexandre Yersin, trên núi Hòn Bà (Khánh Hòa) là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Chiều 21.3, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký ban hành quyết định (số 699/QĐ-BVHTTDL, ngày 20.3.2023) bổ sung điểm di tích nhà làm việc của nhà bác học Alexandre Yersin tại Hòn Bà vào Di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học này tại Khánh Hòa.

Các di tích lịch sử lưu niệm A.Yersin được công nhận 33 năm trước

Di tích lịch sử lưu niệm vừa được công nhận bổ sung là điểm nhà làm việc của của nhà bác học A. Yersin nằm trên một đỉnh núi (ở độ cao 1.578m) của dãy núi Hòn Bà, thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Cách đây nhiều năm, tỉnh Khánh Hòa đã cho xây dựng lại một ngôi nhà gỗ hai tầng trên vị trí nền, móng cũ nhà làm việc của A.Yersin. Ngôi nhà được xây theo đúng hình ảnh cũ về nhà làm việc của bác sĩ Yersin. Ảnh: Thành Nhân/Người Lao Động

Cách đây nhiều năm, tỉnh Khánh Hòa đã cho xây dựng lại một ngôi nhà gỗ hai tầng trên vị trí nền, móng cũ nhà làm việc của A.Yersin. Ngôi nhà được xây theo đúng hình ảnh cũ về nhà làm việc của bác sĩ Yersin. Ảnh: Thành Nhân/Người Lao Động

Còn quyết định công nhận Di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học A.Yersin tại Khánh Hòa là di tích cấp quốc gia đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, Thể thao và Du lịch ban hành cách đây gần 33 năm (quyết định số 993-QĐ ngày 28.9.1990).

Di tích lịch sử lưu niệm vừa nêu trên gồm ba di tích đã từng gắn bó với cuộc đời, hoạt động của nhà bác học A.Yersin ở Khánh Hòa. Trong đó, có thư viện tại Viện Pasteur Nha Trang (viện này do ông sáng lập, xây dựng từ ngăn 1895 và gắn bó làm việc cho đến khi ông qua đời tại TP Nha Trang).

Hai di tích còn lại là mộ A.Yersin (nằm trong khu đồn điền Suối Dầu do ông tạo lập, nay thuộc Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế - IVAC) và chùa Linh Sơn (cũng tại Suối Dầu, nơi đã thờ A.Yersin từ khi ông mất đến nay; cả hai di tích này đều thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm).

Khu vực trạm thí nghiệm trên núi Hòn Bà (Khánh Hòa) đã được nhà bác học A.Yersin thành lập, hoạt động cách đây hơn 100 năm. Nguồn ảnh: Hội Những người ái mộ bác sĩ Yersin tỉnh Khánh Hòa sưu tầm.

Khu vực trạm thí nghiệm trên núi Hòn Bà (Khánh Hòa) đã được nhà bác học A.Yersin thành lập, hoạt động cách đây hơn 100 năm. Nguồn ảnh: Hội Những người ái mộ bác sĩ Yersin tỉnh Khánh Hòa sưu tầm.

Trạm thí nghiệm trên núi Hòn Bà của A.Yersin

Theo hồ sơ, cả khu vực được khoanh vùng và vừa được công nhận bổ sung di tích lịch sử lưu niệm điểm nhà làm việc của nhà bác học Alexandre Yersin tại Hòn Bà có tổng diện tích gần 5.000m2, nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.

Đó là nơi hơn 100 năm trước đây A.Yersin đã cho mở đường lên núi rồi xây cất, thành lập trạm thử nghiệm Hòn Bà và ông đã ở khi lên làm việc, nghiên cứu khoa học trong một thời gian.

Tượng đài Alexandre Yersin tại công viên mang tên ông bên biển Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: Phan Sông Ngân

Tượng đài Alexandre Yersin tại công viên mang tên ông bên biển Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: Phan Sông Ngân

Theo một bài viết của chính A.Yersin đã đăng trên Tập san Hội Nghiên cứu Đông Dương (do Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa sưu tầm), cách đây khoảng 109 năm (vào năm 1914), từ đồn điền Suối Dầu, A.Yersin đã quan sát và tìm cách để lên đỉnh núi Hòn Bà đó.

A.Yersin đã giao cho một người cộng sự là ông Krempf tìm cách lên đỉnh núi đã nêu. Theo A.Yersin đã viết và công nhận chính "ông Krempf là người đầu tiên lên đến đỉnh núi ở độ cao 1.500m. Đỉnh này được gọi là Hòn Bà".

Sau đó, A.Yersin đã dùng số tiền của một giải thưởng, do Viện Hàn lâm khoa học (Pháp) đã trao tặng cho ông khi ấy, để thuê những người Thượng (tại địa phương) mở một con đường lên đỉnh núi Hòn Bà kể trên, để ông lập trạm thí nghiệm.

Trạm thí nghiệm của A.Yersin đã lập sau đó trên đỉnh núi Hòn Bà ở độ cao 1.578m đã trở thành nơi ông trồng thử nghiệm một số loại thực vật mà ông đang nghiên cứu. Tại khu vực Trạm thí nghiệm khi ấy có căn nhà gỗ hai tầng, có bể nước kiên cố và đã trở thành nơi A.Yersin ở khi làm việc, nghiên cứu trên đỉnh núi Hòn Bà.

Cho đến nay, cả nền móng nhà, bể chứa nước của trạm thử nghiệm và là nhà làm việc của A.Yersin trên núi Hòn Bà vẫn còn tồn tại.

Cách đây nhiều năm, sau khi đầu tư, hoàn thành xây dựng con đường lên đỉnh núi Hòn Bà, nơi có trạm thử nghiệm đã nêu của A.Yersin, tỉnh Khánh Hòa đã cho phép một doanh nghiệp kinh doanh khách sạn du lịch sử dụng khu vực đỉnh núi đó để phục vụ du lịch.

Đồng thời, tỉnh đã cho xây dựng lại một ngôi nhà gỗ hai tầng trên vị trí nền, móng cũ nhà làm việc của A.Yersin, theo đúng hình ảnh cũ về nhà làm việc đã nêu của A.Yersin.

Hiện nay, cả khu vực di tích và ngôi nhà tái hiện nhà làm việc của A.Yersin trên núi Hòn Bà đều do Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà quản lý, bảo vệ.

Alexandre Yersin - “Ân nhân của nhân loại”

Nhà bác học Alexandre Yersin (1863-1943) là một bác sĩ người Pháp, sinh tại Thụy Sĩ, đã được tôn vinh là “ân nhân của nhân loại”. Ông đã nghiên cứu tìm ra được vi trùng dịch hạch cùng nhiều loại vi khuẩn gây ra một số dịch bệnh nguy hiểm. Nhờ đó mà ngành y học thế giới đã tìm được các phương pháp điều trị một số bệnh liên quan.

Bên mộ nhà bác học A.Yersin tại Suối Dầu (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Phan Sông Ngân

Bên mộ nhà bác học A.Yersin tại Suối Dầu (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Phan Sông Ngân

Đồng thời chính A.Yersin đã nghiên cứu, tổ chức điều chế được văcxin và serum tại Nha Trang để cứu được rất nhiều nạn nhân dịch hạch nhiều nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, A.Yersin đã có công lập nên Viện Pasteur Nha Trang, Trường đại học Y khoa Việt Nam (tại Hà Nội và là hiệu trưởng đầu tiên của trường này). A.Yersin cũng là người đã thám hiểm cao nguyên Langbian và đề xuất Pháp xây dựng nên thành phố Đà Lạt…

Cách đây khoảng 132 năm (vào năm 1891) A.Yersin đã đến Nha Trang và sau đó chọn nơi này để sống, làm việc, cống hiến cho nhân loại đến khi mất.

A.Yersin mất ngày 1.3.1943. Theo di nguyện của A.Yersin người ta đã chôn cất ông trên một quả đồi nhỏ, nằm ngay trong khu đồn điền Suối Dầu do chính ông tạo lập, nay thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Phan Sông Ngân

Phan Sông Ngân

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cong-nhan-dia-diem-nha-lam-viec-cua-bac-si-yersin-la-di-tich-quoc-gia-38806.html