Công suất lọc dầu sụt giảm, nguồn cung xăng dầu toàn cầu suy yếu

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu đang có xu hướng lan rộng tại nhiều nước thời gian gần đây trong bối cảnh công suất lọc hóa dầu sụt giảm và dòng chảy nhiên liệu rối loạn khiến nguồn cung xăng dầu toàn cầu suy yếu.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Vừa qua, Chính phủ Pakistan cảnh báo nước này có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung xăng dầu thời gian tới khi hoạt động nhập khẩu xăng dầu gặp nhiều khó khăn. Tình trạng khan hiếm dầu diesel cũng đang lan rộng khắp Hoa Kỳ khi lượng dự trữ diesel tại nước này chỉ đủ sử dụng cho 25 ngày. Mansfield Energy, hãng cung ứng xăng dầu lớn nhất Hoa Kỳ, yêu cầu các khách hàng phải thông báo trước 72 giờ để có thể giao hàng. Hàng chục nghìn trạm xăng dầu tại châu Âu cũng đã đóng cửa hoặc hoạt động gián đoạn kể từ đầu tháng 10/2022 do thiếu hụt nguồn cung.

Công suất lọc dầu sụt giảm

Tình trạng căng thẳng nguồn cung xăng dầu trên toàn cầu là hệ quả của một loạt yếu tố phức tạp đan xen, gồm công suất hoạt động của nhiều nhà máy lọc dầu trên thế giới ở mức thấp hơn thông thường, phương Tây áp đặt cấm vận đối với Nga khiến dòng chảy năng lượng toàn cầu rối loạn, đồng thời Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nhiên liệu.

Trong hai năm qua, các nhà máy lọc hóa dầu gần như không có lợi nhuận và nhiều nhà máy đã phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian dài dưới tác động của đại dịch. Nhiều cơ sở lọc dầu thậm chí đã đóng cửa vĩnh viễn khi dự báo nhu cầu xăng dầu toàn cầu sẽ không sớm tăng trở lại và thế giới đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng theo hướng “xanh hóa” khiến lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực lọc dầu bị thu hẹp.

Trong Báo cáo thị trường dầu vừa được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố, công suất lọc dầu trên toàn cầu trong năm 2021 lần đầu tiên giảm xuống sau 30 năm, giảm 730.000 thùng/ngày. Nhất là Hoa Kỳ, quốc gia có công suất lọc hóa dầu lớn nhất thế giới, lần đầu tiên ghi nhận việc thiếu hụt công suất lọc hóa dầu bổ sung sau nhiều thập kỷ gia tăng liên tục. Đồng thời, dự trữ nhiên liệu trên toàn cầu cũng sụt giảm liên tục trong bảy quý liên tiếp tính đến giữa năm 2022. Điều này dẫn tới thực tế khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng vọt trở lại thì tình trạng thiếu hụt nguồn cung xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo sự sụt giảm công suất lọc dầu là tình trạng thiếu hụt mang tính cơ cấu và khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn.

Ông Joe DeLaura, chiến lược gia năng lượng cấp cao tại ngân hàng đầu tư Rabobank (Hà Lan), cho biết nguồn cung dầu diesel trên toàn cầu “đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm trở lại đây”. Hiện tổng lượng tồn kho dầu diesel tại ba trung tâm phân phối lớn nhất thế giới (ngoại trừ Trung Quốc) là Hoa Kỳ, Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (châu Âu), và Singapore đang ở mức 132 triệu thùng, thấp hơn khoảng 32% so với mức trung bình 10 năm trở lại đây.

Mức tồn trữ nhiên liệu tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây và được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp kỷ lục trong cả năm 2023 (Nguồn: Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA)

Mức tồn trữ nhiên liệu tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây và được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp kỷ lục trong cả năm 2023 (Nguồn: Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA)

Dòng chảy nhiên liệu rối loạn

Tình trạng căng thẳng nguồn cung xăng dầu trên toàn cầu càng trở nên phức tạp hơn khi phương Tây áp đặt các biện pháp cấm vận đối với Nga, bao gồm việc Liên minh châu Âu (EU) ngưng nhập khẩu hoàn toàn các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ của Nga kể từ đầu tháng 12 tới đây. Nhằm thay thế nguồn cung nhiên liệu khổng lồ từ Nga, các quốc gia châu Âu đã và đang tăng cường thu gom nguồn cung trên khắp thế giới.

Trong một số trường hợp, các khách hàng châu Âu đưa ra mức giá hấp dẫn đến mức nhà cung cấp sẵn sàng cắt hợp đồng đã ký kết với khách hàng khác. Một phần nguồn cung nhiên liệu tại châu Á đã dịch chuyển sang châu Âu để hưởng lợi chênh lệch giá cao, dẫn đến những rối loạn trong dòng chảy xăng dầu thế giới.

Bên cạnh đó, các nước phương Tây đang đề xuất việc áp đặt trần giá dầu thô với lập luận “việc áp đặt giá cho phép dầu Nga tiếp cận các thị trường không áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, đặc biệt là các nước có thu nhập thấp và trung bình, giúp hạn chế áp lực tăng giá dầu toàn cầu đồng thời hạn chế nguồn thu của Nga”. Tuy nhiên, Nga đã tuyên bố sẽ ngưng bán hàng cho các quốc gia áp đặt trần giá. Nga hiện là quốc gia có sản lượng lọc hóa dầu lớn thứ ba thế giới.

Tập đoàn tài chính J.P.Morgan (Hoa Kỳ) nhận định, sản lượng lọc hóa dầu của Nga sẽ giảm 1,3 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, điều này sẽ khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung xăng dầu trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.

Đối với Trung Quốc, mặc dù nước này đã cho phép xuất khẩu nhiên liệu trở lại kể từ tháng 8/2022 sau bốn tháng tạm ngưng, nhiều chuyên gia cảnh báo Trung Quốc vẫn đang ưu tiên nguồn cung cho thị trường nội địa để kiềm chế lạm phát do đó tổng lượng nhiên liệu được Trung Quốc xuất khẩu trong năm nay sẽ chỉ đạt 60% mức ghi nhận trong năm 2021. Ngoài ra, Trung Quốc đã có động thái tái mở cửa lại nền kinh tế nên dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu của chính nước này có thể tăng vọt trong thời gian tới.

Với việc chiếm gần 50% tổng công suất lọc hóa dầu của châu Á và giữ vị thế nước xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất châu Á, việc thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc đã và đang buộc các khách hàng trong khu vực phải đổ dồn vào tìm kiếm nguồn cung từ các nhà cung cấp khác như Hàn Quốc và Singapore, vốn có công suất lọc dầu thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, cũng như phải cạnh tranh với các khách hàng châu Âu để bảo đảm nguồn cung, khiến tình trạng biến động giá xăng dầu trên thị trường châu Á trở nên phức tạp hơn.

Giới phân tích nhận định nhu cầu sử dụng xăng dầu trên thế giới vẫn đang ở mức cao bất chấp các rủi ro về suy thoái kinh tế, trong khi hạn cấm vận nhập khẩu sản phẩm dầu từ Nga của EU đang đến gần càng khiến cho cán cân cung - cầu nhiên liệu dễ rơi vào trạng thái thiếu hụt nghiêm trọng hơn nữa. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tương lai hiện đã tăng trở lại, đạt 97,37 USD/thùng, tăng 28% so với hồi đầu năm và cao hơn 37% so với mức giá trung bình của năm 2021. Tình trạng thiếu hụt cục bộ nguồn cung xăng dầu và giá nhiên liệu tăng cao đang là “bài toán khó” đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

THÁI LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cong-suat-loc-dau-sut-giam-nguon-cung-xang-dau-toan-cau-suy-yeu-post723798.html