Công tác khen thưởng phải kịp thời để thúc đẩy phong trào thi đua

Tại Diễn đàn số 2 về 'Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động', các đại biểu cho rằng phải lấy công nhân lao động là trung tâm, chủ thể của các phong trào thi đua. Công tác khen thưởng phải kịp thời để động viên, để thúc đẩy, nuôi dưỡng, phát triển các phong trào.

Chiều 30/11, tại Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, trong nội dung chương trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã diễn ra Diễn đàn chuyên đề số 2 “Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động”.

Hiệu quả từ các phong trào thi đua

Phát biểu tham luận, Thượng tá Nghiêm Thị Minh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cho biết, trong 5 năm qua (2018 - 2023), phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" trong Công đoàn Quân đội đã phát huy, khơi dậy tiềm năng say mê nghiên cứu sáng tạo, tích cực, chủ động ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào lao động, sản xuất và công tác.

Chính vì vậy, trong 5 năm qua đã có 31.048 công trình sản phẩm, đề tài khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (tăng 11% so với giai đoạn 2012 - 2017) và vượt chỉ tiêu Chương trình hành động Công đoàn Quân đội 5 năm 2018 - 2023 với 98/95% số CĐCS có công trình, sản phẩm, đề tài, sáng kiến được áp dụng đạt hiệu quả của cán bộ, đoàn viên công đoàn ở các CĐCS trong toàn quân, làm lợi hơn 3.385 tỷ đồng…

Thượng tá Nghiêm Thị Minh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội phát biểu tham luận.

Thượng tá Nghiêm Thị Minh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội phát biểu tham luận.

Để đạt được kết quả trên, Công đoàn Viettel đã phối hợp với lãnh đạo Tập đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả của Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, các mô hình tiêu biểu về lao động giỏi, lao động sáng tạo, các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực nghiên cứu, học tập, công tác, lao động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế; thực hiện Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, gắn với phong trào thi đua quyết thắng của toàn quân và các phong trào thi đua của các ngành.

Công đoàn Viettel quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đảm bảo phục vụ việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật quân sự; động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa trong lao động sản xuất, công tác là nội dung trọng yếu để thúc đẩy, nuôi dưỡng, phát triển phong trào…

Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn.

Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn.

Đồng thời công tác chăm lo, động viên khen thưởng đặc biệt được chú trọng. “Chúng tôi tổ chức khen thưởng cho người lao động ở tất cả các vị trí công việc, kể cả lái xe, người nấu bếp, miễn người động đó có đóng góp và thành tích tốt trong công việc. Động viên, khen thưởng kịp thời là nội dung trong yếu để thúc đẩy, nuôi dưỡng, phát triển phong trào thi đua”, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội chia sẻ.

Thượng tá Nghiêm Thị Minh Tâm cho biết thêm, hiện nay Công đoàn Quốc phòng đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tổ chức xây dựng Thông tư Giải thưởng “Lao động sáng tạo”, nhằm tạo động lực cho đoàn viên công đoàn đam mê nghiên cứu, phát huy trí tuệ trong lao động sản xuất, công tác. Theo lộ trình sẽ hoàn thành báo cáo Bộ Quốc phòng cuối năm 2024.

Chia sẻ kinh nghiệm về khen thưởng bậc cao cho công nhân trực tiếp, ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cho hay, toàn tỉnh có trên 300.000 công nhân lao động.

Để thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng trong công nhân lao động, các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp với các cấp chính quyền, chuyên môn, chủ doanh nghiệp phát động và tổ chức các phong trào thi đua. Coi đây là giải pháp hữu hiệu chủ yếu, là động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân phải luôn phấn đấu với quyết tâm cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với phương châm lấy công nhân lao động là trung tâm, chủ thể của các phong trào thi đua.

Cần tăng cường, đổi mới công tác khen thưởng

Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, nhất là là khen thưởng cao cho công nhân lao động trực tiếp, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cho rằng cần tăng cường, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đồng thời đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở. Coi trọng việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm về khen thưởng bậc cao cho công nhân trực tiếp.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm về khen thưởng bậc cao cho công nhân trực tiếp.

“Cần quan tâm đến khen thưởng theo đợt, đột xuất; khen thưởng những tập thể, cá nhân là công nhân lao động trực tiếp ở cơ sở có tinh thần sáng tạo, vượt khó vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đề xuất.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức phong trào thi đua gắn với từng đơn vị, ngành, lĩnh vực. Tham luận với chủ đề giải pháp thực hiện phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn", bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chánh Văn phòng LĐLĐ tỉnh Long An cho rằng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động từ năm 2019; đây là phong trào mới được thực hiện trong hệ thống của tổ chức Công đoàn.

Từ thực tế hoạt động Công đoàn tại tỉnh Long An, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan cho hay, đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp và đoàn viên đã nâng cao ý thức trách nhiệm, thể hiện tinh thần đoàn kết nội bộ, chủ động trong công tác đề xuất, tham mưu thực hiện nhiệm vụ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, ngành. Nhưng để được đổi mới thì cần phải có kinh phí thực hiện, phải có nguồn nhân lực, có cơ chế, chính sách đặc thù cho đội ngũ làm công tác thi đua - khen thưởng, đặc biệt là sự nhận thức của đoàn viên, công nhân viên chức lao động trong việc tham gia các phong trào thi đua…

Các đại biểu dự Diễn đàn.

Các đại biểu dự Diễn đàn.

Trên cơ sở đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam điều chỉnh kinh phí khen thưởng cho các tập thể, cá nhân với mức thưởng cao hơn, mở rộng tiêu chuẩn khen thưởng và tăng tỷ lệ khen thưởng đối với đoàn viên là công nhân lao động trực tiếp sản xuất; từ đó, tạo động lực lớn cho đoàn viên tích cực tham gia các phong trào thi đua. Tăng kinh phí khen thưởng cho các phong trào thi đua tại các cấp Công đoàn.

“Nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; đội ngũ làm công tác thi đua - khen thưởng tại tỉnh, huyện, cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về chuyên sâu. Vì vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam nên mở các khóa tập huấn, bổi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ trực tiếp làm công tác thi đua - khen thưởng”, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan kiến nghị.

Chánh Văn phòng LĐLĐ tỉnh Long An cũng đề xuất cần có chế độ, chính sách đặc thù cho cán bộ làm công tác thi đua - khen thưởng tại các cấp Công đoàn. Tiếp tục đổi mới các phong trào thi đua phù hợp với từng đối tượng, từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm… Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm, vai trò của đoàn viên, công nhân viên chức lao động trong việc tham gia các phong trào thi đua do Công đoàn phát động.

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-tac-khen-thuong-phai-kip-thoi-de-thuc-day-phong-trao-thi-dua-163400.html