Công tác khuyến công phải gắn với xúc tiến thương mại

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn xác định, thời gian tới phải gắn công tác khuyến công với xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nông thôn. Đây là nhiệm vụ quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của cơ sở công nghiệp nông thôn.

Trợ lực vững chắc cho doanh nghiệp

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn (Trung tâm) cho biết, thời gian qua, hoạt động khuyến công đã từng bước hỗ trợ có hiệu quả, huy động được các nguồn lực đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Góp phần tạo ra các năng lực sản xuất mới, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp tăng thêm, máy móc, thiết bị công nghệ của một số cơ sở sản xuất và trình độ cán bộ quản lý được bổ sung nâng cao, năng lực cạnh tranh; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn…

Bên cạnh đó, các văn bản và chính sách liên quan đến hoạt động khuyến công đã từng bước được hoàn thiện và tuyên truyền sâu rộng trực tiếp hoặc gián tiếp tới các huyện, thành phố, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Chính sách và các hoạt động khuyến công đã bước đầu động viên khuyến khích kịp thời các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn.

 Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn nghiệm thu Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất nước lọc tinh khiết năm 2024. Nguồn: Báo Lạng Sơn

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn nghiệm thu Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất nước lọc tinh khiết năm 2024. Nguồn: Báo Lạng Sơn

Để tiếp tục là “trợ lực” vững chắc cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, năm 2024, đối với khuyến công quốc gia, Trung tâm đã xây dựng 2 Đề án (tổng kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng) trình Sở Công Thương Lạng Sơn thẩm định cơ sở, chuyển Cục Công Thương địa phương xem xét trình Bộ Công Thương phê duyệt. Về khuyến công địa phương, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt 11 đề án với tổng kinh phí thực hiện là 2 tỷ đồng.

Cuối tháng 6.2024, Trung tâm tiến hành nghiệm thu Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất nước lọc tinh khiết của gia đình ông Hà Văn Thiệu - Chủ cơ sở sản xuất nước lọc tinh khiết (thôn Bản Ranh, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc) với mức kinh phí từ nguồn khuyến công địa phương là 120 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, ông Thiệu đã đầu tư dây chuyền tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nước lọc tinh khiết, qua đó đã giúp sản lượng tăng gấp 2 lần so với trước đây (đạt 70.000 bình nước lọc tinh khiết/năm), đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng.

Có thể thấy, thông qua chương trình khuyến công đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn vì các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn phát triển theo hướng tự phát, manh mún nhỏ lẻ; năng lực yếu, chưa đủ sức cạnh tranh; sản phẩm công nghiệp nông thôn chưa phong phú. Công tác tuyên truyền chính sách khuyến công chưa thường xuyên, nguồn kinh phí từ ngân sách dành cho chương trình khuyến công còn hạn chế…

Quan tâm đến nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến công

Trước thực tiễn đó, để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động khuyến công, Trung tâm cho biết, sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về chính sách khuyến công bằng nhiều hình thức khác nhau và phải thường xuyên. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.

Đồng thời, gắn công tác khuyến công với xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nông thôn; đây là nhiệm vụ quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của cơ sở công nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, nhân rộng việc xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật ứng dụng công nghệ, thiết bị mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; các mô hình sản xuất sản phẩm mới, các mô hình ứng dụng công nghệ có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Đẩy mạnh việc quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để các doanh nghiệp có mặt bằng xây dựng nhà xưởng ổn định sản xuất lâu dài. Tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các cơ sở công nghiệp nông thôn triển khai thực hiện đề án, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện đề án.

Để công nghiệp nông thôn tại các địa phương phát triển mạnh hơn nữa, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh hàng năm cần bổ sung nguồn kinh phí từ ngân sách dành cho hoạt động khuyến công; trong đó nên xét hỗ trợ ưu tiên các đơn vị đăng ký hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Bên cạnh đó, Nghị định 45/2012 của Chính phủ về khuyến công đã có nhiều tác động tích cực cho hoạt động khuyến công, nhưng qua 10 năm, Nghị định cũng chỉ ra một số điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế; do đó đề nghị Cục Công Thương địa phương tham mưu cho Bộ Công Thương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 45 cho phù hợp với tình hình triển khai công tác khuyến công hiện nay.

Đồng thời, tham mưu cho Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sửa đổi các thông tư hướng dẫn về công tác khuyến công thực hiện chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương và hướng dẫn các địa phương sửa đổi các quy chế quản lý chương trình khuyến công địa phương cho phù hợp và thống nhất trên toàn quốc.

Trung tâm đề nghị Bộ Công Thương xem xét phê duyệt các đề án khuyến công Quốc gia sớm để các trung tâm, đơn vị thụ hưởng triển khai đề án. Nếu đề án khuyến công quốc gia đã đăng ký với Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương không được phê duyệt cần phải có thông báo cho các đơn vị đã đăng ký được biết để tham mưu, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh bổ sung vào kế hoạch khuyến công địa phương.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cong-tac-khuyen-cong-phai-gan-voi-xuc-tien-thuong-mai-post393780.html