Công tác quan trắc môi trường nước góp phần vào thắng lợi của nghề nuôi thủy sản

Đó là một trong những nội dung đánh giá của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản năm 2019 vào ngày 27-12, do Chi cục Thủy sản Sóc Trăng tổ chức. Tham dự có đồng chí Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng; đại diện các phòng kinh tế, phòng nông nghiệp các huyện, thị xã và các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, qua một năm triển khai thực hiện công tác quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, Sóc Trăng đã đạt được những kết quả khả quan. Tính đến tháng 12-2019, Chi cục Thủy sản đã tiến hành thu và phân tích 8.484/9.256 mẫu, chiếm tỷ lệ 91,6% kế hoạch.

Theo Chi cục Thủy sản, nhận thấy việc quan trắc phải liên tục từ lúc chuẩn bị thả đến lúc thu hoạch tôm, từ đầu năm đơn vị đã lên kế hoạch để xây dựng nội dung quan trắc môi trường, trong đó, tập trung vào một số yếu tố quan trọng và cần thiết trong quản lý nuôi tôm như pH, nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, NO2, NH3, Vibrio… cùng với đó, kết quả quan trắc nhanh chóng được chuyển đến người dân nuôi tôm thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, giúp người dân quản lý tốt môi trường ao nuôi, hạn chế rủi ro xảy ra.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao hoạt động quan trắc cảnh báo môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, góp phần vào mục tiêu thắng lợi của nghề nuôi trồng thủy sản. Qua đó, tạo được thói quen cho người nuôi ghi chép nhật ký cũng như thông qua thiết bị quan trắc môi trường, người nuôi chủ động được nguồn nước và kịp thời xử lý khi môi trường nước biến đổi…

Để công tác quan trắc môi trường có hiệu quả, trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản có kế hoạch triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động để cảnh báo các yếu tố môi trường một cách liên tục và kịp thời đến người dân 24/24. Bên cạnh đó, đề xuất cùng với các cơ quan chuyên ngành thực hiện lồng ghép kết quả quan trắc, thông tin cảnh báo dịch bệnh, dự báo thời tiết, các mô hình nuôi hiệu quả, giá cả thị trường… vào các nhiệm vụ chuyên môn để tuyên truyền thông tin hữu ích đến người dân một cách rộng rãi…

* Cùng ngày, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng tổ chức lễ trao chứng nhận VietGAP cho hộ ông Phan Văn Thạnh là thành viên của HTX Thủy sản Tâm An ở xã Vĩnh Phước (TX. Vĩnh Châu).

Trao chứng nhận VietGAP cho hộ ông Phan Văn Thạnh.

Trao chứng nhận VietGAP cho hộ ông Phan Văn Thạnh.

Bằng nguồn kinh phí của tỉnh, Chi cục Thủy sản phối hợp cùng Chi cục Phát triển nông thôn xây dựng mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt chuẩn VietGAP. Theo đó, mô hình được thực hiện tại hộ ông Phan Văn Thạnh, với quy mô một hecta, mật độ thả 200 con/m2, ước sản lượng đạt 5,5 tấn/1.000m2.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường về con tôm đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng (ASC, VietGAP…) cũng như củng cố chuỗi giá trị tôm bền vững, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người nuôi tôm áp dụng quy trình nuôi tốt. Tính đến thời điểm này, Sóc Trăng đã có 33 HTX, tổ hợp tác và 6 hộ nuôi tôm áp dụng thực hành nuôi tốt (VietGAP, ASC, BAP).

Tuyết Xuân

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/cong-tac-quan-trac-moi-truong-nuoc-gop-phan-vao-thang-loi-cua-nghe-nuoi-thuy-san-33871.html