Công trình trọng điểm: Bám tiến độ

Bằng sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của chủ đầu tư, các nhà thầu và sự kiểm tra thường xuyên của Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu (Hội đồng) nên phần lớn các công trình trọng điểm của đất nước vẫn cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ và đảm bảo chất lượng. Những công trình trọng điểm này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kết nối vùng miền.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2.

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2: Đảm bảo tiến độ thi công

Trong giai đoạn 2021 - 2025, các dự án nhiệt điện tiếp tục là động lực kích thích nền kinh tế phát triển. Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 - mảnh ghép cuối cùng của Trung tâm Điện lực Duyên Hải - được thi công xây dựng, góp phần phát triển và thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Trà Vinh nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Nhà máy được xây dựng tại ấp Mù U, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, quy mô 64,18 ha, công suất 2 x 617,3 MW, sử dụng công nghệ tuabin ngưng hơi truyền thống với tổng mức đầu tư 2,406 tỷ USD. Sản lượng điện dự kiến hàng năm là 8,33 tỷ kWh.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 được khởi công xây dựng vào tháng 8/2016, do Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (thuộc Công ty TNHH Janakuasa, Malaysia) làm chủ đầu tư. Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) làm tư vấn Quản lý & Giám sát thi công. Công ty China Huadian Engineering Co., Ltd (CHEC) là Tổng thầu EPC.

Được đánh giá là có nhiều điểm nhấn trong việc triển khai thi công để đảm bảo tiến độ, nhưng Dự án cũng phải đối mặt với khó khăn do sự bùng phát của Covid -19 khiến: Công tác vận chuyển thiết bị từ nước ngoài về công trình và việc huy động các chuyên gia từ nước ngoài để thực hiện các công tác chỉ huy lắp đặt, căn chỉnh thiết bị, thí nghiệm chạy thử tổ máy, việc huy động các nguồn lực trong nước cho dự án bị ảnh hưởng. Nhưng nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng trong khâu chuẩn bị đầu tư và có tiềm lực tài chính tốt, cùng khát khao hoàn thành dự án đúng tiến độ với chất lượng tốt nhất, vào các ngày 14/4/2021 và 30/5/2021, lần lượt hai tổ máy số 1 và số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 được hòa đồng bộ thành công vào hệ thống điện quốc gia. Ngay sau thời điểm hòa đồng bộ, hai tổ máy tiếp tục trải qua giai đoạn thực hiện các công đoạn thí nghiệm quan trọng, để kiểm chứng sự an toàn và tin cậy trong vận hành phát điện.

Đến ngày 01/6/2021, tổ máy số 1 đã hoàn thành các công đoạn thí nghiệm và thủ tục cần thiết theo quy định, đảm bảo chất lượng để bắt đầu vận hành phát điện thương mại (COD), hoàn thành trước tiến độ đề ra 1 tháng. Ngày 23/12/2021, vận hành thương mại nhà máy. Sản lượng điện sản xuất từ ngày hòa lưới tổ máy 1 đến nay là 2,21 tỷ kWh. Sản lượng điện sản xuất từ ngày vận hành thương mại là 1.73 tỷ kWh.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội đồng tổ chức, theo dõi kiểm tra từ năm 2018. Ðây là một trong các công trình đánh giá cao về công tác đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng, quản lý tốt các mặt: Tiến độ dự án, chất lượng công tác thiết kế, chất lượng xây dựng, lắp đặt và thí nghiệm chạy thử thiết bị.

Cao tốc Bắc Nam phía Đông: Nỗ lực vượt khó

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, có tổng chiều dài 653 km, chia thành 11 dự án thành phần độc lập, với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng.

Quy mô đầu tư xây dựng đường 4 làn xe, bố trí làn dừng xe khẩn cấp ngắt quãng (ngoại trừ dự án Cam Lộ - La Sơn 2 làn xe); tốc độ thiết kế 80 km/h (ngoại trừ dự án Phan Thiết - Dầu Giây tốc độ thiết kế 100 km/h, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục).

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương đã cơ bản bàn giao xong. Một số khu tái định cư và một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang được các địa phương tích cực thực hiện.

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, khó khăn chồng chất nhưng Chủ đầu tư, các Ban QLDA và các chủ thể tham gia thi công xây dựng cao tốc Bắc - Nam chủ động khắc phục, vừa tổ chức phòng chống dịch bệnh, vừa tập trung tổ chức thi công xây dựng để duy trì tiến độ theo kế hoạch đề ra. Công tác thi công xây dựng về cơ bản tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng. Đến nay, tại các dự án thành phần chưa xảy ra các sự cố hay khiếm khuyết lớn về chất lượng.

Tuy nhiên, khó khăn về giá thành VLXD tăng, chi phí thuê nhân công, nguồn cung vật liệu bị hạn chế, khan hiếm… đã ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình triển khai dự án. Ngoài ra, còn một số vấn đề liên quan đến điều chỉnh dự toán xây dựng, cơ cấu tổng mức đầu tư, xây dựng định mức cho một số công việc xây dựng chưa có định mức. Những khó khăn này trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ kiểm tra dự án, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu đã tổ chức các đoàn chuyên gia, nghiên cứu hồ sơ thiết kế các dự án thành phần, trao đổi với các Ban QLDA những vấn đề lưu ý, kiến nghị nhằm hỗ trợ cùng chủ đầu tư, nhà thầu tháo gỡ khó khăn.

Việc tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án theo kế hoạch là cần thiết. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng thi công xây dựng phải được các chủ thể tham gia xây dựng dự án chú trọng, quan tâm thực hiện. Do đó, Hội đồng lưu ý chủ đầu tư cần chỉ đạo tư vấn giám sát, các nhà thầu tổ chức thi công các hạng mục công trình đúng theo biện pháp thi công được duyệt, nhất là các hạng mục nền, móng đường; tổ chức thi công nghiệm thu các hạng mục công trình cần tuân thủ đúng thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho dự án. Đặc biệt, phải tăng cường việc kiểm soát chất lượng công trình.

Xác định tầm quan trọng của kết cấu hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của từng địa phương và của đất nước; Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; trong đó, đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông.

Vì vậy, việc sớm hoàn thành dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là nhiệm vụ chính trị, cùng với việc triển khai giai đoạn 2 (2021 - 2025), sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ hơn 2.000 km tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025. Vượt qua khó khăn chủ quan và khách quan, các chủ đầu tư, nhà thầu đã và đang nỗ lực chia ca, chia kíp, không quản ngày đêm thi công, nhằm đưa công trình về đích theo tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình.

Năm 2021, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng - Cơ quan thường trực Hội đồng đã tổ chức kiểm tra công tác quản lý chất lượng, công tác nghiệm thu hơn 30 công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bảo Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cong-trinh-trong-diem-bam-tien-do-325421.html