Công trường thi công cản trở giao thông

Tại TP.HCM, hàng loạt tuyến đường đang được rào chắn để thi công hệ thống thoát nước, hạ tầng kỹ thuật khiến giao thông bị ùn tắc ở rất nhiều khu vực.

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, tính đến tháng 7, trên địa bàn thành phố có 137 rào chắn thi công hệ thống thoát nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tập trung tại 18 quận, huyện. Trong đó, đa phần là ở địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8 - những nơi có mật độ lưu thông cao.

Nỗi ám ảnh của người dân khi đi qua cầu kênh Tẻ vào giờ tan tầm

Nỗi ám ảnh của người dân khi đi qua cầu kênh Tẻ vào giờ tan tầm

Công trình thi công gây cản trở giao thông khiến dư luận gần đây bức xúc nhất là công trình mở rộng cầu Kênh Tẻ từ quận 4 sang quận 7. Dự án khởi công từ tháng 4/2018, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2019 nhưng đến nay vẫn còn nhiều bề bộn và chưa biết khi nào hoàn thiện. Tại khu vực này, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP. HCM thừa nhận, tình trạng kẹt xe ở cầu Kênh Tẻ tăng lên nhiều trong thời gian gần đây. Thực tế là trong quá trình thi công, các lực lượng chức năng đã thực hiện tổ chức phân luồng giao thông, tuy nhiên, rất khó điều tiết giao thông từ xa để người dân chạy xe qua các cầu khác vì chính những nơi đó cũng bị quá tải. Chẳng hạn như cầu Chữ Y cũng luôn ùn ứ giao thông vì đang được nâng cấp mở rộng.

Cũng như vậy, đường Võ Văn Kiệt được xem là con đường hiện đại trên địa bàn thành phố và được xem là tuyến đường chính lưu thông từ miền Tây về trung tâm TP.HCM. Thế nhưng, đơn vị thi công hệ thống thoát nước đã dựng cả chục rào chắn dọc tuyến đường này từ năm 2017 đến nay, khiến giao thông thường xuyên bị ùn tắc. Nhiều hạng mục thi công kéo dài gần 3 năm vẫn chưa xong, thậm chí có hạng mục phải gia hạn thời gian thi công nhiều lần nhưng hiện vẫn “án binh bất động”.

Nhiều tuyến đường khác đang thi công sửa chữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật như Phạm Thế Hiển, Cao Lỗ, Tạ Quang Bửu… cũng có hàng loạt rào chắn án ngữ mặt đường hơn cả năm, khiến lòng đường bị bó hẹp. Mỗi khi xe tải, xe buýt di chuyển qua, những phương tiện khác gần như không có lối đi. Điều đáng nói là có hàng loạt lỗi lặp đi lặp lại trong gian thi công như không kiểm soát được tiến độ thi công; bố trí người điều tiết giao thông tại khu vực thi công không có chuyên môn, hoặc không bố trí đủ người điều tiết giao thông; công tác vệ sinh bên ngoài rào chắn không đảm bảo; thi công dàn trải trên diện rộng nhưng nhà thầu không có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông…

Trước thực trạng đó, Sở Giao thông - Vận tải TP. HCM đã ra tới 12 văn bản yêu cầu tạm ngưng cấp giấy phép thi công, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục triệt để các tồn tại trước khi tiếp tục thi công; 35 văn bản yêu cầu chủ đầu tư tăng cường chấn chỉnh xử lý các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát để xảy ra sai phạm… Tuy nhiên, các bên liên quan không những chậm khắc phục sai sót mà còn chây ì hơn.

Để lập lại trật tự thi công trên địa bàn TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP. HCM Võ Khánh Hưng khẳng định thời gian tới, những nhà thầu, đơn vị thi công không chấp hành các quy định về thi công đường bộ, để xảy ra nhiều sai phạm về điều tiết, phân luồng giao thông, tái lập mặt đường, bố trí rào chắn, buông lỏng quản lý điều hành dự án… sẽ bị xử lý theo các quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Và trên thực tế, từ quý VI/2018 và 5 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Sở Giao thông – Vận tải TP. HCM đã lập biên bản hơn 600 vụ vi phạm với số tiền xử phạt gần 4 tỷ đồng.

Cương quyết hơn để giải quyết triệt để tình trạng chây ì, lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư và nhà thầu đang triển khai thi công các công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu đường bộ trên địa bàn thành phố phải chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Đồng thời, các đơn vị này phải có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công để rút ngắn tối đa thời gian chiếm dụng mặt đường. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin về tiến độ dự án để người dân và các cơ quan báo, đài có thể giám sát.

“Sở Giao thông – Vận tải phối hợp với UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, có giải pháp chấn chỉnh việc chấp hành quy định về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác. Kiên quyết thu hồi giấy phép thi công và xử phạt theo quy định đối với những trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường”, lãnh đạo UBND TP. HCM chỉ đạo.

Bài và ảnh Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/cong-truong-thi-cong-can-tro-giao-thong-89912.html