Công ty CP gốm sứ Thanh Hà liên quan gì đến vụ việc đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà?

PTĐT - Nhiều ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sông Đà khiến cho việc cung cấp nước sạch cho người dân một số quận, huyện của Hà Nội bị tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh và sản xuất kinh doanh.

Qua quá trình đấu tranh với những đối tượng liên quan, cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định thông tin ban đầu, công ty CP gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ) là nơi cung cấp dầu thải cho các nghi can đổ gây ô nhiễm nguồn nước. Ngày 19/10, đoàn kiểm tra do Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình làm việc với đại diện lãnh đạo Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà. Theo biên bản làm việc: Tháng 9-2019 Lý Đình Vũ (37 tuổi, quê Bắc Ninh) đã liên hệ với bà Nguyễn Huyền Trang (xưng trợ lý giám đốc) để tiếp nhận dầu thải của Công ty CP gốm sứ Thanh Hà trụ sở tại thị xã Phú Thọ về tái chế. Bà Trang và Vũ thống nhất số tiền thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít. Sáng 7/10, Vũ liên lạc với bà Trang đến lấy dầu, do bà Trang đi vắng nên giao cho Trần Đình Trung (Phòng Vật tư) xuất dầu thải cho Vũ. Sau đó, Vũ cùng Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, quê Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi, quê Lạng Sơn) hút dầu thải lên ô tô biển số Bắc Ninh. Đến 13h cùng ngày, quá trình hút dầu hoàn tất, ô tô đi qua trạm cân của công ty, đo được trọng lượng dầu thải là 8.830 kg (khoảng 10 m3). Cơ quan công an xác định, sau khi xuất dầu, bà Trang chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Vũ vì không liên lạc được.

Đoàn kiểm tra kết luận, Công ty CP gốm sứ Thanh Hà quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, có kho chứa nhưng lại bảo quản dầu thải ở kho vật tư; chuyển giao chất thải nguy hại cho đối tượng không có chức năng xử lý. Tại thời điểm lập biên bản, ông Trần Trung Thành, Phó giám đốc Công ty đã xác nhận những sai phạm trên.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP gốm sứ Thanh Hà được biết: Nguyễn Huyền Trang là con gái ông, làm việc tại phòng kinh doanh của công ty chứ không phải ở vị trí trợ lý giám đốc. Ông Truyền khẳng định Công ty CP gốm sứ Thanh Hà có ký hợp đồng với một đơn vị xử lý dầu thải chuyên nghiệp, còn việc anh Trung xuất chui như thế nào thì phía công an sẽ làm rõ. Con gái tôi chưa hề gặp mặt và làm việc với Lý Đình Vũ bao giờ”. Nói về hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Truyền cho biết, dây chuyền 1 đốt bằng dầu đã lỗi thời và gây ảnh hưởng đến môi trường, do đó vừa qua công ty đã đầu tư dây chuyền 2 chạy bằng gas, sử dụng công nghệ hiện đại của Ý và đây là dây chuyền hiện đại nhất Việt Nam bây giờ. “Chúng tôi luôn xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng để ổn định sản xuất, bên cạnh đầu tư dây chuyền mới, công ty đã xây dựng kế hoạch nâng cấp dây chuyền 1 sang đốt gas, tuy nhiên chưa kịp triển khai thì xảy ra sự cố trên. Song, tôi khẳng định công ty không có bất kì động cơ nào liên quan đến gây ô nhiễm nguồn nước. Cá nhân nào sai phạm phải chịu trách nhiệm”, ông Truyền thẳng thắn bày tỏ.

Trước đó, ngày 16/10, công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015. Một ngày sau, công an tạm giữ hai nghi phạm là Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám. Ngày 20/10, nghi phạm thứ ba là Lý Đình Vũ ra đầu thú.
Đại và Thám khai, ngày 6/10 hai người được Lý Đình Vũ thuê lái ô tô tải đi từ Bắc Ninh đến Công ty CP gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) lấy 10 m3 chất thải. Ngày 8/10, Đại, Thám và Vũ đưa chất thải lên đổ trộm ở khe núi xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình. Số chất thải này đã chảy xuống suối, nguồn nước chính của Nhà máy sản xuất nước sạch sông Đà. Nước sạch bị ô nhiễm gây ảnh hưởng cuộc sống của hơn 250.000 hộ, tương đương 18% số hộ dân Hà Nội.

Nhóm PV

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201910/cong-ty-gom-su-thanh-ha-lien-quan-gi-den-vu-viec-do-dau-thai-vao-nguon-nuoc-song-da-167364