Công ty du học ngang nhiên hoạt động bất chấp giấy phép hết hạn

Giấy phép hoạt động dịch vụ du học của Công ty TNHH du học định cư DSS do Sở GD&ĐT TPHCM cấp đã hết hạn từ ngày 11/9/2024 trong khi công ty này không được cơ quan chức năng cấp phép đào tạo nghề và đưa lao động đi làm việc nước ngoài nhưng bất chấp đơn vị này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Ngày 2/10, trong vai khách hàng có nhu cầu đi làm việc nước ngoài, PV Tiền Phong tìm đến Cơ sở 2 của Công ty TNHH du học định cư DSS (còn gọi là DSS Việt Nam) ở địa chỉ số 205 Võ Thị Sáu (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM). Tại đây, PV Tiền Phong gặp một khách hàng khác đến từ Vĩnh Long cũng đang ngồi chờ để được tư vấn đi làm việc ở nước ngoài.

Sau một hồi chờ đợi, nhân viên của DSS Việt Nam đến và cho biết đây là trụ sở đào tạo của công ty còn bộ phận tư vấn ở địa chỉ số 3 Công trường Quốc tế (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM). Tuy nhiên, do khách hàng đã đến nên nhân viên này gọi điện cho một người tên H. ở bộ phận tư vấn đến để nói chuyện và yêu cầu khách hàng tiếp tục chờ.

Nhân viên của DSS Việt Nam hoạt động bên trong Trường Công đoàn Giáo dục Việt Nam số 205 Võ Thị Sáu, quận 3 vẫn làm việc ngày 2/10.

Nhân viên của DSS Việt Nam hoạt động bên trong Trường Công đoàn Giáo dục Việt Nam số 205 Võ Thị Sáu, quận 3 vẫn làm việc ngày 2/10.

Sau khoảng 15 phút, nhân viên đào tạo của DSS Việt Nam vào xin số điện thoại của khách hàng để nhân viên tư vấn gọi điện trực tiếp do bộ phận tư vấn đang đông khách, không còn phòng để bố trí.

Khi phóng viên cung cấp số điện thoại cá nhân và được nhân viên tư vấn qua điện thoại. Sau khoảng 10 phút trao đổi, nhân viên tư vấn hỏi các thông tin chủ yếu về nghề nghiệp, bằng cấp và yêu cầu chúng tôi quay các đoạn video thể hiện tay nghề đang có và gửi cho DSS Việt Nam xem, sau đó sẽ có các cuộc gặp tiếp theo để làm hồ sơ và thông báo mức phí…

DSS Việt Nam hoạt động bên trong Trường Công đoàn Giáo dục Việt Nam

DSS Việt Nam hoạt động bên trong Trường Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định: "Giấy phép hoạt động do Sở GD&ĐT TPHCM cấp cho DSS Việt Nam đã hết hạn từ ngày 11/9/2024. Đến nay, Sở chưa nhận được thông tin gia hạn hay cấp phép mới từ phía DSS Việt Nam. Vì vậy, việc công ty này vẫn hoạt động là trái quy định của pháp luật".

"Mượn" trụ sở công để làm... hình ảnh

Trên website của mình, Tổ chức Giáo dục và Di trú DSS Group (Công ty Giáo dục DSS hay Công ty TNHH Du học và Định cư DSS) tự nhận là doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ toàn diện về du học, định cư và đầu tư nước ngoài với các chuyên gia bản địa giàu kinh nghiệm của Úc, Mỹ, Canada.

DSS group có các văn phòng gồm ở Sydney (Úc) và hệ thống văn phòng đại diện tại Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Bình... Tại TPHCM, công ty này đặt văn phòng tại số 3, Công trường Quốc tế và tại số 205 Võ Thị Sáu (cơ sở 2) cùng thuộc quận 3. Cả 2 địa chỉ trên đều là trụ sở công thuộc Văn phòng Đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM (hiện do Trung tâm Phát triển GD&ĐT phía Nam quản lý) và Trường Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Theo tài liệu mà PV Tiền Phong có được, DSS Việt Nam đã ký hợp tác với hai đơn vị trên và chi trả tiền hỗ trợ hàng tháng cho các đơn vị này để sử dụng các phòng làm việc tại đây.

Danh sách địa chỉ các văn phòng của DSS Việt Nam chủ yếu đặt ở các đơn vị công lập thuộc nhà nước (ảnh chụp màn hình webiste của DSS Việt Nam)

Danh sách địa chỉ các văn phòng của DSS Việt Nam chủ yếu đặt ở các đơn vị công lập thuộc nhà nước (ảnh chụp màn hình webiste của DSS Việt Nam)

Cụ thể, tại trụ sở Trung tâm Phát triển GD&ĐT phía Nam, mỗi tháng DSS Việt Nam sẽ trả mức lợi nhuận cố định là 23.900.000 đồng cho trung tâm. Đổi lại, DSS Việt Nam được sử dụng 2 phòng làm việc tại Khu nhà chính (theo Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên ký từ ngày 1/11/2022 đến 31/10/2023 và hiện DSS Việt Nam vẫn đang hoạt động tại đây).

Theo nguồn tin của PV, mới đây, DSS Việt Nam đã quán triệt nhân viên của công ty từ ngày 3/10 đi làm không mặc đồng phục của DSS đến công ty đồng thời không được phép phát ngôn khi có người hỏi về DSS hoặc Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Còn tại Trường Công đoàn Giáo dục Việt Nam, theo “Biên bản thỏa thuận về việc hỗ trợ, liên kết đào tạo” ký ngày 28/2/2024, DSS Việt Nam được sử dụng một số phòng làm việc tại trường và hàng tháng đóng góp hỗ trợ 800 USD cùng khoản tiền ứng trước 1 lần 50 triệu đồng vào ngày 1/1/2024. Sau mỗi năm, hai bên sẽ cùng thống nhất rút kinh nghiệm và cùng thỏa thuận giá cả nếu có phần trượt giá của nhà nước.

Được biết, sau khi Tiền Phong đăng loạt bài “Ngậm trái đắng với giấc mơ làm việc ở trời Tây", thêm nhiều bạn đọc cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động sai quy định của DSS Việt Nam và cho biết sẽ tố cáo với các cơ quan có thẩm quyền.

Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này...

Nhóm PV Ban TPHCM

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cong-ty-du-hoc-ngang-nhien-hoat-dong-bat-chap-giay-phep-het-han-post1678750.tpo