Công ty mẹ Tổng Công ty Thép Việt Nam: Ước lãi 6 tháng đầu năm bằng 373% mục tiêu cả năm

Tổng Công ty Thép Việt Nam vừa cho biết lợi nhuận của Công ty mẹ trong 6 tháng đầu năm nay đạt 194,15 tỷ đồng tương đương tới 373% kế hoạch đã được đề ra cho cả năm nay; trong đó, riêng quý 2/2023, ghi nhận lãi 133,4 tỷ đồng.

Lợi nhuận quý 2 được cải thiện tích cực

 Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ của Tổng Công ty Thép Việt Nam ước đạt 194,15 tỷ đồng, tương đương 373% kế hoạch cả năm nay.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ của Tổng Công ty Thép Việt Nam ước đạt 194,15 tỷ đồng, tương đương 373% kế hoạch cả năm nay.

Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP (mã cổ phiếu: TVN – sàn: UPCoM) vừa cho biết hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay đối mặt nhiều thách thức khi giá thép liên tục giảm, nhu cầu ở trên cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu xuống thấp, đặc biệt là trong quý 2/2023.

Tại thị trường trong nước, chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có tới khoảng 19 đợt điều chỉnh giá thép xây dưng trong đó có 06 đợt điều chỉnh tăng giá trong quý 1/2023 và 13 đợt điều chỉnh giảm giá trong quý 2/2023. Giá thép dẹt trong nước theo sát diễn biến của giá thế giới, tăng vào hồi tháng 3 nhưng trong quý 2/2023 đã bắt đầu giảm mạnh theo xu hướng giá thế giới, đến giữa tháng 6 vừa qua mới có một đợt phục hồi nhẹ. Tính chung nửa đầu năm nay, giá bán bình quân của các sản phẩm thép thành phẩm đều giảm mạnh từ 14% - 37% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Tổng Công ty Thép Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số đơn vị thành viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến nhiều đơn vị phải dừng hoặc cắt giảm sản xuất, chi phí sản xuất gia tăng trong bối cảnh giá thép giảm đã khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của các đơn vị sụt giảm mạnh.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm của Tổng Công ty Thép Việt Nam chỉ bằng 38% kế hoạch cả năm nay và giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Xét về cơ cấu sản phẩm, sản lượng tiêu thụ thép cán dài giảm 33% và thép cán nguội giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ trong quý 2/2023 ước đạt 133,4 tỷ đồng; tính chung 6 đầu năm đạt 194,15 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tương đương tới 373% kế hoạch đã được đề ra cho cả năm nay.

Tổng Công ty Thép Việt Nam lưu ý, số liệu này chưa trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn đối với các khoản đầu tư của Tổng Công ty có giá trị suy giảm trong 6 tháng đầu năm.

Tổng Công ty Thép Việt Nam là đơn vị lớn đầu tiên trong số các doanh nghiệp ngành thép niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam công bố thông tin kinh doanh 6 tháng đầu năm nay.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/7, giá cổ phiếu TVN của Tổng Công ty Thép Việt Nam đạt 7.100 đồng/cổ phiếu; tăng 34% so với thời điểm đầu năm nay.

Kỳ vọng tiêu thụ thép dần phục hồi trong nửa cuối năm nay

Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa tuy còn ở mức thấp nhưng có xu hướng tăng từ đầu năm tới nay. (Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam, FiinPro, KBSV tổng hợp)

Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa tuy còn ở mức thấp nhưng có xu hướng tăng từ đầu năm tới nay. (Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam, FiinPro, KBSV tổng hợp)

Theo nhận định của một số tổ chức tài chính, những gì xấu nhất của thị trường đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của các doanh nghiệp ngành thép. KB Securities (KBSV) cho biết mặc dù nhu cầu tiêu thụ thép tại thị trường nội địa tuy còn ở mức thấp nhưng đã có xu hướng phục hồi dần từ đầu năm đến nay. Sản lượng tiêu thụ toàn ngành thép được kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ ổn định trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên KBSV cũng lưu ý, nhu cầu tiêu thụ thép trên thị trường nội địa sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. Trong đó, các chủ đầu tư có xu hướng hạn chế mở bán trong năm 2023 khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, mà thay vào đó là tập trung vào việc bàn giao các dự án đã mở bán cho khách hàng. Do đó, nhu cầu xây dựng cho các dự án mới cũng sẽ duy trì ở mức thấp xuyên suốt năm nay.

 Giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp của nhóm doanh nghiệp bất động sản Việt Nam trong thời gian tới. (Nguồn: HNX, KBSV tổng hợp)

Giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp của nhóm doanh nghiệp bất động sản Việt Nam trong thời gian tới. (Nguồn: HNX, KBSV tổng hợp)

Xem thêm bài viết: "Tập đoàn Hòa Phát: Có thể mở lại lò cao cuối cùng trong quý 3, lợi nhuận quý 2 tiếp tục được cải thiện" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đồng thời, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, giá trị trái phiếu doanh nghiệp vỡ nợ kỹ thuật từ đầu năm 2023 đến tháng 6/2023 đạt xấp xỉ khoảng 42.000 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024 lần lượt lên tới 80.354 tỉ và 138.488 tỷ đồng. Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp từ nhóm doanh nghiệp bất động sản hiện hữu cũng khiến các tổ chức tín dụng hạn chế giải ngân cho vay với các doanh nghiệp này.

Do đó, theo kịch bản cơ sở của KBSV, xu hướng phục hồi nhu cầu tiêu thụ thép sẽ được củng cố rõ hơn vào cuối quý 3/2023 và đầu quý 4/2023 khi lãi suất cho vay suy giảm so với thời điểm nửa đầu năm. Cùng với đó, giá thép được dự báo sẽ duy trì ổn định trong nửa cuối năm nay khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới vẫn ở mức thấp.

KBSV cũng cho biết, trong kịch bản Tích cực, giá thép có thể tăng trong quý 4/2023 với giả định nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu hồi phục mạnh mẽ hơn trong giai đoạn cuối năm.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cong-ty-me-tong-cong-ty-thep-viet-nam-uoc-lai-6-thang-dau-nam-bang-373-muc-tieu-ca-nam-107252.htm