Công ty Minh Nhật nói gì về cuộc đấu giá 'bất thường' quyền khai thác mỏ?

Trước những băn khoăn, nghi ngờ của dư luận ngay sau khi kết quả được công bố, đại diện đơn vị vừa tổ chức đấu giá 4 mỏ khoáng sản tại Hà Tĩnh cho rằng 'không có gì là bất thường'...

 Quang cảnh cuộc đấu giá quyền khai thác 4 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đợt 1/2024.

Quang cảnh cuộc đấu giá quyền khai thác 4 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đợt 1/2024.

Ngày 21/10, Công ty Đấu giá hợp danh Minh Nhật (TP Hà Tĩnh) tổ chức đấu giá quyền khai thác 4 mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đợt 1 năm 2024.

4 mỏ khoáng sản gồm: mỏ đất san lấp Ngọc Sơn 1 ở xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, diện tích 8,63 ha, tài nguyên dự báo 1,44 triệu khối; mỏ đất san lấp Lưu Vĩnh Sơn 1 ở xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, diện tích 17,28 ha, tài nguyên dự báo 2,77 triệu khối; mỏ đất làm gạch, ngói ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê, diện tích 20,65 ha, tài nguyên dự báo gần 2,3 triệu khối; mỏ cát Cụp Bàu ở phường Kỳ Phương, TX Kỳ Anh, diện tích 49,68 ha, tài nguyên dự báo 1,987 triệu khối.

Kết quả, một doanh nghiệp ở phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh đã trúng đấu giá quyền khai thác 3/4 mỏ khoáng sản được đưa ra đấu giá, gồm: mỏ đất ở xã Ngọc Sơn, mỏ đất sét làm gạch ngói ở xã Hà Linh và mỏ cát ở phường Kỳ Phương.

Trúng đấu giá quyền khai thác mỏ đất ở xã Lưu Vĩnh Sơn thuộc về một doanh nghiệp ở xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà.

Cụ thể, mỏ đất Ngọc Sơn 1 có tiền đặt trước 362,2 triệu đồng, giá khởi điểm R = 3%, đã trúng đấu giá sau 112 bước giá, vượt giá 33,6%. Mỏ đất Lưu Vĩnh Sơn 1 có tiền đặt trước gần 607 triệu đồng, giá khởi điểm R=3%, trúng đấu giá sau 125 bước, vượt giá 37,5%.

Mỏ đất làm gạch ngói xã Hà Linh có tiền đặt trước 1,5 tỷ đồng, giá khởi điểm R=5%, trúng đấu giá sau 65 bước giá, vượt giá 32,7%. Mỏ cát Cụp Bàu có tiền đặt trước 1,9 tỷ đồng, giá khởi điểm R=5%, trúng đấu giá sau 117 bước giá, vượt giá 58,5%.

 Việc đấu giá thành công quyền khai thác các mỏ khoáng sản được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng thi công các công trình trên địa bàn tỉnh.

Việc đấu giá thành công quyền khai thác các mỏ khoáng sản được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng thi công các công trình trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi kết quả trúng đấu giá được công bố, dư luận cho rằng, cuộc đấu giá có dấu hiệu "bất thường" vì vượt hàng trăm bước giá. Nhiều người bày tỏ nghi ngờ về năng lực của doanh nghiệp trúng đấu giá, "ôm" quyền khai thác 3 mỏ khoáng sản trong 4 mỏ được đưa ra đấu giá.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Tuấn Nhật (đại diện cho Công ty Đấu giá hợp danh Minh Nhật) cho hay: Việc doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản vượt hàng trăm bước giá không có gì là bất thường, vì "bước giá" ở đây được tính theo công thức chứ không phải là số tiền cụ thể để tính theo cấp số nhân. Hơn nữa, mức vượt giá cao nhất cũng chỉ 58,5%, không có gì "bất thường" nếu so với những cuộc đấu giá tài sản khác.

Riêng về năng lực của doanh nghiệp tham gia đấu giá, ông Trần Tuấn Nhật cho biết: "Chúng tôi chỉ làm dịch vụ đấu giá theo đúng trình tự, quy định. Việc xem xét hồ sơ năng lực của các doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền khai thác 4 mỏ khoáng sản trên thuộc Tổ xét chọn cấp tỉnh gồm các thành viên thuộc 5 sở (TN&MT, Tư pháp, KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng).

Khi tổ xét chọn kiểm tra hồ sơ đấu giá, kiểm tra năng lực và tính hợp lệ thì công ty thực hiện quy trình kiểm tra, công bố kết quả trúng đấu giá. Sau đó, đơn vị sẽ bàn giao kết quả cho chủ tài sản đấu giá (Sở TN&MT)".

 Việc xem xét hồ sơ năng lực của các doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền khai thác 4 mỏ khoáng sản trên thuộc Tổ xét chọn cấp tỉnh.

Việc xem xét hồ sơ năng lực của các doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền khai thác 4 mỏ khoáng sản trên thuộc Tổ xét chọn cấp tỉnh.

Ông Phạm Hữu Tình – Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) cho hay: Theo quy định, doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản; nộp tiền trúng đấu giá và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; không được chuyển nhượng kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác lập hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản.

Phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT, UBND cấp huyện (nơi có mỏ đấu giá) và các đơn vị có liên quan, thực hiện cấp phép thăm dò, cắm mốc giới khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Sau khi được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản, tiến hành cắm mốc giới khu vực mỏ, khai thác khoáng sản trong phạm vi khu vực mỏ được cấp phép, theo công suất, trữ lượng được cấp phép theo quy định của pháp luật; chỉ khai thác đúng theo mốc giới đã được cắm, được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về kê khai, nộp thuế đúng, đủ sản lượng được cấp phép; kê khai giá, niêm yết, công khai giá bán tại mỏ theo quy định; có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ đầu tư các dự án để cung cấp báo giá phục vụ việc lập dự án đầu tư theo quy định…

Rõ ràng, việc 1 doanh nghiệp được thành lập chưa lâu, trúng quyền khai thác 3 mỏ khoáng sản sau khi tham gia đấu vượt hàng trăm bước giá, khiến dư luận "bất ngờ" là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, năng lực của doanh nghiệp này ra sao và liệu có "bỏ cọc" như dư luận đồn đoán hay không, thì phải còn phải chờ thời gian thực hiện các thủ tục, quy định... như Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) đã đề cập ở trên.

P.V

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/cong-ty-minh-nhat-noi-gi-ve-cuoc-dau-gia-bat-thuong-quyen-khai-thac-mo-post275935.html