Công ty tài chính phải giảm tỷ lệ cho vay tiêu dùng bằng tiền mặt

Đến năm 2024 tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng trong tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính sẽ còn 30% thay vì mức 76% như hiện nay.

Đó là quy định đang tạo ra tác động mạnh trên thị trường cho vay tiêu dùng vừa được NHNN đưa ra tại Thông tư 18/2019 quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Cụ thể, NHNN đưa ra lộ trình giảm dần tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng trong tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính là giảm xuống mức 70% trong năm 2021, đến năm 2022 giảm xuống còn 60%, đến năm 2023 giảm xuống còn 50% và đến năm 2024 giảm xuống còn 30%.

Theo thống kê sơ bộ hiện nay, phần lớn khách hàng vay công ty tài chính là có nhu cầu về tiền mặt do đó hiện có tới 76% tỷ lệ giải ngân cho khách hàng của các công ty tài chính là tiền mặt. Còn lại là nhưng khách hàng vay mua xe, mua điện thoại và cho vay thẻ tín dụng.

Đại diện một công ty tài chính cho rằng, với thị trường cho vay tiêu dùng cạnh tranh như hiện nay việc giảm tỷ lệ giải ngân trực tiếp cho khách hàng sẽ là một khó khăn cho các công ty tài chính. Thực tế nhu cầu vay qua công ty tài chính là khách hàng nhỏ, lẻ với nhu cầu tiền mặt không lớn. Do đó trên thị trường chắc chắn sẽ phát sinh dịch vụ rút tiền qua máy Pos để phục vụ nhu cầu tiền mặt của khách hàng.

Cụ thể, theo vị đại diện này phân tích, hiện nay trên thị trường đang có dịch vụ chuyển từ thẻ tín dụng sang tiền mặt bằng việc quẹt thẻ mua hàng ảo. Có nghĩa là có giao dịch mua hàng, có quẹt thẻ tín dụng nhưng không có trao đổi hàng hóa mà khách hàng nhận tiền mặt sau khi trả một khoản phí nhất định cho bên làm dịch vụ. Nếu khách hàng bị hạn chế giải ngân trực tiếp họ sẽ tìm đến các dịch vụ này để nhận tiền mặt. Ngoài ra, nhiều khả năng sẽ phát sinh thêm một khoản “phí rút tiền mặt” đối với khách hàng có nhu cầu được giải ngân trực tiếp khi vay các công ty tài chính. Tuy nhiên khoản phí này sẽ nằm ngoài hợp đồng và có thể nằm ngoài bảng phí dịch vụ của công ty tài chính.

Việc hạn chế dần tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân bằng tiền mặt trực tiếp ít nhiều sẽ tác động đến các công ty tài chính. Đặc biệt là khi Chính phủ, NHNN đang đẩy mạnh “cuộc chiến” với tín dụng đen cũng những biến tướng của cho vay ngang hàng hiện nay. Các công ty tài chính là một trong những kênh vốn hiệu quả để hạn chế tín dụng đen phát triển bởi các thủ tục vay đơn giản hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, việc NHNN quy định một tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng là cần thiết nhằm hạn chế nợ xấu từ hoạt động cho vay tiêu dùng. Do đó, Thông tư 18 quy định công ty tài chính phải giải ngân cho vay tiêu dùng trực tiếp cho khách hàng bằng tiền mặt với tỷ lệ nhất định trên tổng dư nợ của mình hoặc thông qua việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, đảm bảo kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn vay theo quy định của pháp luật.

Thực tế mức độ ảnh hưởng của việc khống chế hạn mức giải ngân trực tiếp khi cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động của các công ty tài chính hiện nay. Đặc biệt, với lộ trình giảm dần tỷ lệ cho vay giải ngân bằng tiền mặt đối với các công ty tài chính mà Thông tư 18 đưa ra là hợp lý và có thể tăng khả năng kiểm soát người vay. Hiện nay đang ngày càng xuất hiện nhiều các trường hợp đòi nợ qua người thân, đòi nọ như tín dụng đen... tại các công tài chính với các khoản vay giải ngân trực tiếp. ĐIều này không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn ảnh hưởng đến uy tín của thị trường tài chính cũng như cơ quan quản lý Nhà nước. Mặt khác, quy định này sẽ làm hạn chế nợ xấu từ hoạt động cho vay tiêu dùng.

Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh chi tiêu không tiền mặt do vậy việc hạn chế dần cho vay tiền mặt không chỉ làm lành mạnh hóa hoạt động cho vay tiêu dùng mà còn phù hợp với mục tiêu không tiền mặt của Chính phủ. Do đó, nhìn về dài lâu các công ty tài chính phải tiến hành điều chuyển, tái cấu trúc danh mục sản phẩm của mình cho phù hợp với lộ trình đã đặt ra.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, lộ trình 5 năm để giảm dần tỷ lệ cho vay tiền mặt từ 70% về 30% đã được NHNN nghiên cứu phù hợp với thực tế thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam hiện nay. Thị trường tài chính đang đối diện với sự phát triển nhanh của các ứng dụng công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do đó các công ty tài chính bắt buộc phải xây dựng các sản phẩm vay mới phi tiền mặt để kiểm soát mục đích sử dụng vốn của khách hàng cũng như phù hợp với nền kinh tế số.

Lam Giang

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/cong-ty-tai-chinh-phai-giam-ty-le-cho-vay-tieu-dung-bang-tien-mat-31250.html