Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam: Chủ động, linh hoạt, hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu năm 2021

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường, thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã chủ động bám sát tình hình thực tế để có những giải pháp phù hợp, kịp thời đối với các phương án mua và xử lý nợ cũ và mới. Qua đó, giúp các doanh nghiệp cơ cấu tài chính, hồi phục hoạt động và góp phần để công ty hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021.

Thay đổi linh hoạt để mua và xử lý nợ theo thực tế

Báo cáo tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác và Hội nghị đại biểu người lao động năm 2022 tổ chức cuối tháng 2 vừa qua, ông Dương Thanh Hiền - Phó Tổng giám đốc DATC cho biết, đại dịch Covid-19 kéo dài năm vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai nhiệm vụ công tác và các phương án kinh doanh của DATC.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính và sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn thuộc bộ, sự quyết liệt, kịp thời của ban lãnh đạo và tinh thần nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên, DATC đã hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh.

Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2022 của DATC, Chủ tịch Hội đồng thành viên
Lê Hoàng Hải và Tổng giám đốc Phạm Mạnh Thường đã trao các quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Danh Dũng, ông Chu Ngọc Lâm và bổ nhiệm lại ông Phạm Quang Hiền giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc.

Cụ thể, năm 2021, tổng doanh thu của DATC là 1.525 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 218 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 159 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Thực hiện các nhiệm vụ chính trị Chính phủ giao, DATC tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên quan tới tái cơ cấu nợ Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC); xử lý nợ các đơn vị thành viên Vinalines; tái cơ cấu Công ty cổ phần Thực phẩm miền Bắc thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và nhiều đơn vị khác; qua đó, góp phần nâng cao năng lực tài chính, từng bước phục hồi hoạt động của các đơn vị gắn với việc thu hồi các khoản nợ của Chính phủ.

Đối với xử lý nợ tại Vinalines và các doanh nghiệp thành viên, lũy kế từ năm 2015 đến nay, DATC đã mua để xử lý từ các tổ chức tín dụng trên 11 nghìn tỷ đồng nợ xấu; thông qua nghiệp vụ xử lý nợ, DATC đã góp phần làm tăng vốn nhà nước và thu nhập của các doanh nghiệp này hơn 6.052 tỷ đồng.

Trong hoạt động mua bán, xử lý nợ và tài sản, do số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần sự trợ giúp giảm dần và cạnh tranh trên thị trường mua bán nợ ngày càng tăng, để phù hợp với tình hình, DATC đã thay đổi linh hoạt các phương thức mua và xử lý nợ, từng bước đẩy mạnh mua và xử lý nợ thông qua hình thức đấu giá theo cơ chế thị trường. Lãnh đạo công ty đã tập trung chỉ đạo, điều hành, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt về mua bán xử lý nợ, kể cả thay đổi phương thức xử lý thu hồi nợ so với nghị quyết phê duyệt ban đầu để phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế thanh toán nợ của khách nợ.

Trong năm, các đơn vị thuộc công ty đã nghiên cứu xây dựng rất nhiều phương án mua bán nợ, công ty đã thực hiện 11 phương án mua và xử lý nợ mới, trong đó có nhiều phương án có giá trị khoản nợ lớn, doanh số mua nợ cao.

Sự thay đổi linh hoạt này góp phần giúp DATC ký hợp đồng mua để xử lý khoảng 4.400 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp; tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu tài chính cho 10 doanh nghiệp, hoàn thành thoái vốn tại 3 doanh nghiệp. Doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản đạt 1.296 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch, đồng thời có một số phương án lớn đang thực hiện dở dang gối đầu cho năm sau.

Tuy nhiên, lãnh đạo DATC cũng cho biết, do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp khách nợ và nhà đầu tư, nên một số phương án lớn chưa hoàn thành trong năm, hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, dẫn đến tiến độ thu nợ dự kiến của một số phương án bị thay đổi so với phương án ban đầu.

Mở rộng hoạt động tái cơ cấu với nhiều loại hình doanh nghiệp

Là công cụ của Nhà nước tham gia tái cơ cấu tài chính, phục hồi doanh nghiệp, thông qua hoạt động mua bán xử lý nợ, chuyển đổi quyền chủ nợ từ các tổ chức tín dụng, DATC đã xử lý để lành mạnh tài chính của các doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng thua lỗ, khôi phục sản suất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động và chuyển đổi thành công ty cổ phần có vốn góp của DATC (chủ yếu từ chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ và giá vốn mua nợ). Trong giai đoạn trước đây, công ty đã góp phần rất lớn vào quá trình chuyển đổi cổ phần hóa các DNNN thông qua hoạt động mua bán nợ.

Tuy nhiên, hiện nay các DNNN phải tái cơ cấu thông qua hoạt động mua bán nợ của DATC không còn nhiều, nên đã hạn chế phần nào hoạt động thế mạnh của DATC là mua nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp, điều này đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DATC. Trong giai đoạn tới, công ty định hướng mở rộng hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp đối với các loại hình doanh nghiệp khác để nâng cao tính cạnh tranh và tăng quy mô hoạt động.

Trong bối cảnh hoạt động mua bán nợ ngày càng khó khăn ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp, công ty cũng tiếp tục đẩy mạnh rà soát và tái cơ cấu các doanh nghiệp DATC đã mua nợ từ các năm trước. Thông qua công tác mua nợ, chuyển đổi quyền chủ nợ từ các tổ chức tín dụng, trong năm 2021 công ty đã xử lý nợ, tái cơ cấu tài chính cho 10 doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng thua lỗ, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả; xử lý giảm trừ trách nhiệm trả nợ cho 6 doanh nghiệp.

Công tác quản lý vốn đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn góp của công ty trong năm 2021 tiếp tục được đổi mới theo hướng tăng cường giám sát các hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ đại diện vốn.

Trong năm 2021, công ty đã có công văn báo cáo Bộ Tài chính về việc phê duyệt danh mục thoái vốn tại 15 doanh nghiệp. Công ty đã ban hành 16 Nghị quyết và tích cực triển khai các thủ tục theo quy định để thoái vốn tại các doanh nghiệp, kể cả thoái vốn các doanh nghiệp mà DATC trở thành cổ đông chưa đủ 5 năm nhưng có nhà đầu tư quan tâm để tăng vòng quay và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn...

Những kết quả nổi bật đạt được năm vừa qua đã thể hiện tinh thần nỗ lực và quyết tâm cao vượt khó của tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên công ty. Cùng với việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động của công ty, đây là những tiền đề, là nền tảng quan trọng để công ty triển khai tốt kế hoạch, nhiệm vụ của năm 2022.

Hoàn thiện Đề án chiến lược phát triển DATC giai đoạn 2021 - 2030

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm và dự báo thị trường mua bán, xử lý nợ tiếp tục cạnh tranh, nhưng với các thể chế, cơ chế quan trọng đã được phê duyệt, DATC định hướng tiếp tục đẩy mạnh quy mô hoạt động mua và xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp trong năm 2022. Đồng thời, để hướng tới giai đoạn mới với tầm nhìn và định hướng phát triển phù hợp, DATC sẽ hoàn thiện và báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt Đề án chiến lược phát triển của DATC giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu DATC giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, DATC tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan tới: hoạt động tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu để hỗ trợ sắp xếp lại và cổ phần hóa các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước. Ngoài ra, DATC sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất tham gia xử lý nợ có tính chất nhà nước theo cơ chế đặc thù để từ đó góp phần làm lành mạnh và nâng cao năng lực tài chính các định chế tài chính và doanh nghiệp liên quan.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cong-ty-tnhh-mua-ban-no-viet-nam-chu-dong-linh-hoat-hoan-thanh-vuot-nhieu-chi-tieu-nam-2021-101245.html