COVAX kêu gọi hành động nhằm phân phối 2 tỷ liều vắc xin COVID-19 trong năm 2021

Trong tuyên bố chung, Liên minh COVAX (cơ chế chia sẻ vắc xin COVID-19 do WHO dẫn đầu) kêu gọi hành động nhằm giúp COVAX có thể phân phối 2 tỷ liều vắc xin COVID-19 tới các nước trên thế giới trong năm 2021.

Theo tuyên bố chung của COVAX, các nước đạt tiến bộ trong chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 đang chứng kiến các ca nhiễm giảm, các ca nhập viện giảm và dấu hiệu ban đầu của việc quay trở lại cuộc sống bình thường mới.

Tuy nhiên, bức tranh tổng quan toàn cầu vẫn còn đáng quan ngại.

Hiện, các ca nhiễm gia tăng ở Đông Nam Á cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung vắc xin COVID-19 toàn cầu.

Chúng ta đang nhận ra lý do tại sao tiếp cận với nguồn cung vắc xin trước khi có đợt dịch mới xảy ra lại quan trọng. Vì vậy, COVAX muốn tập trung nhằm đảm bảo các quốc gia chưa được hưởng lợi cần được tiếp cận ngay với vắc xin.

Là cơ chế toàn cầu nhằm tiếp cận công bằng với vắc xin COVID-19, COVAX đã chứng minh tính hiệu quả của mình.

Lên kế hoạch và triển khai giữa cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trên toàn cầu, COVAX đã phân phối 70 triệu liều vắc xin tới 126 quốc gia và các nền kinh tế trên khắp thế giới kể từ tháng 2 năm nay - từ những hòn đảo xa xôi cho tới những nơi đang diễn ra chiến sự - quản lý lưu thông lượng vắc xin lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử.

Hơn 35 quốc gia đã nhận những liều vắc xin COVID-19 đầu tiên ở đất nước họ từ cơ chế COVAX.

Tuy nhiên, làn sóng dịch do biến thể virus ở Ấn Độ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung vắc xin của COVAX trong quý 2 năm nay, tới mức vào cuối tháng 6, COVAX sẽ thiếu hụt khoảng 190 triệu liều vắc xin.

Hàng triệu đô-la và hàng triệu liều vắc xin đã được cam kết dành cho COVAX vào ngày 21/5, đưa tổng số liều vắc xin cam kết tới nay là hơn 150 triệu liều.

Mặc dầu COVAX sẽ nhận được số lượng lớn hơn sau đó vào cuối năm thông qua các thỏa thuận đã đàm phán với một số nhà sản xuất, nếu không giải quyết vấn đề thiếu hụt vắc xin cấp bách, hậu quả sẽ rất lớn.

Chúng ta có thể đối mặt với thử thách này bằng hành động phối hợp trên toàn cầu.

COVAX- Mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vắc xin COVID-19 trên toàn cầu trong năm 2021

Tại Đại hội đồng Y tế Thế giới, các chính phủ đã cùng nhau nhận ra tính cấp bách về mặt tài chính và ý chí chính trị, hỗ trợ COVAX.

Nhằm đảm bảo cho COVAX về mặt tài chính cũng như nguồn cung vắc xin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp là nội dung tại cuộc họp Thượng đỉnh Cam kết Thị trường Tiến bộ (Advance Market Commitment Summit) vào ngày 2/6 tới.

Nếu các nhà lãnh đạo thế giới hiệp lực cùng nhau, các mục tiêu của COVAX phân phối 2 tỷ liều vắc xin COVID-19 trên toàn cầu vào năm 2021, và 1,8 tỷ liều cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp vào đầu năm 2022 sẽ vẫn nằm trong tầm tay.

Tuy nhiên, nó sẽ đòi hỏi các chính phủ và lĩnh vực tư nhân phải cấp bách bỏ phong tỏa các nguồn vắc xin mới, cùng với việc phân phối vắc xin bắt đầu vào tháng 6, và hỗ trợ tài chính để COVAX có thể tiến hành hoạt động phân phối. COVAX đã có sẵn cơ sở hạ tầng để hỗ trợ và phối hợp nỗ lực toàn cầu.

3 hành động cần làm ngay theo lời kêu gọi của COVAX

Trong "bức tâm thư" trước thềm Thượng đỉnh AMC (họp bàn về vấn đề cung cấp vắc xin cho các nước thu nhập thấp và trung bình thấp) vào ngày 2/6 tới, COVAX bày tỏ:

"Để giúp COVAX phân phối vắc xin với lời hứa tiếp cận bình đẳng toàn cầu, chúng tôi kêu gọi những hành động sau:

1.Tài trợ cho Cam kết Thị trường Tiến bộ (Advance Market Commitment) COVAX-GAVI (AMC). Cơ chế AMC là cách làm thế nào COVAX cung cấp các liều vắc xin tới các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp.

AMC đảm bảo 1,3 tỷ liều vắc xin vào năm 2021, lượng vắc xin này đủ để bảo vệ các nhóm dân cư có nguy cơ cao nhất: nhân viên y tế, người cao tuổi và người mắc bệnh lý nền.

Chúng tôi cần thêm 2 tỷ USD để nâng mức bao phủ tiêm chủng ở các quốc gia AMC lên gần 30%. Và chúng tôi cần cam kết khoản đầu tư này vào ngày 2/6 để chốt nguồn cung, giúp cho vắc xin có thể phân phối xuyên suốt năm 2021 cũng như trong đầu năm 2022.

2. Chia sẻ vắc xin COVID-19, ngay bây giờ. Đại dịch đã có một bước chuyển đáng sợ, khi các ca tử vong tăng mạnh trên khắp Nam Á và các điểm nóng. Các nước có nguồn cung vắc xin lớn nhất nên điều chuyển vắc xin cho COVAX ngay, để đảm bảo hiệu quả tối ưu trong chống dịch toàn cầu.

Mỹ và châu Âu đã cam kết chia sẻ 180 triệu liều vắc xin COVID-19. Nhưng chúng tôi cần thêm nữa. Chúng tôi cần thông qua cơ chế COVAX, và mong muốn Mỹ và châu Âu chuyển giao cho COVAX vào đầu tháng 6.

Ít nhất 1 tỷ liều vắc xin có thể được các nước giàu có chia sẻ trong năm 2021.

Nhu cầu của COVAX đối với vắc xin COVID-19 hiện đang lớn nhất. Các quốc gia có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao hơn trong liên minh COVAX nên nhường cho các quốc gia cần hơn để việc phân phối có thể tiến hành nhanh chóng.

3. Giải phóng dây chuyền cung ứng vắc xin bằng cách dỡ bỏ các rào cản thương mại, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và các vấn đề trung chuyển khác gây bế quan, làm hạn chế hay làm chậm lại nguồn cung và phân phối vắc xin COVID-19, nguyên liệu thô và các thành phần khác dùng để sản xuất vắc xin.

Hơn bao giờ hết, ở đỉnh điểm của đại dịch, chúng ta cần các giải pháp tham vọng toàn cầu. Khi nói đến phân phối vắc xin toàn cầu, COVAX là sáng kiến duy nhất có khả năng đối mặt với thách thức ở thời điểm này.

Một số nước muốn đẩy nhanh tiến trình và tiêm phòng cho toàn thể người dân của mình. Tuy nhiên, bằng cách trao tặng vắc xin cho COVAX song song với tiến hành tiêm chủng trong nước, những nhóm dân cư có nguy cơ cao nhất có thể được bảo vệ trên toàn cầu. Đây là công cụ nhằm chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch, làm giảm đường cong và làm giảm mối đe dọa của các biến thể virus, và đẩy nhanh tiến trình quay trở lại trạng thái bình thường.

Kể từ khi Liên minh COVAX được thành lập vào giữa năm 2020, COVAX đã hỗ trợ và trở thành nguồn lực cho 192 nền kinh tế trên thế giới. Sự tín nhiệm to lớn đã giúp chúng tôi chứng minh khả năng phân phối lượng vắc xin chưa từng có tiền lệ trên toàn cầu.

Nguyễn Vân

(theo WHO, UNICEF)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/covax-keu-goi-ho-tro-de-co-the-phan-phoi-2-ty-lieu-vac-xin-covid-19-trong-nam-2021-n193717.html