Covid-19: Các 'chiến lang' đối ngoại của Trung Quốc trở nên hung hăng là do đâu?
Ít nhất 7 Đại sứ Trung Quốc tại nước ngoài đã bị chính quyền nước sở tại triệu tập vào tuần trước để giải trình các lùm xùm trong nhiều vấn đề.
Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn đang phải chiến đấu với Covid-19, các nhà ngoại giao Trung Quốc đang ứng phó với chỉ trích dành cho nước này về những phản ứng trong thời điểm đầu dịch bệnh, và những quan ngại về nguồn gốc virus corona chủng mới (SARS-Cov-2).
Trong những tuần gần đây, một số ngài Đại sứ đã tham gia vào cuộc "khẩu chiến" với các nước sở tại.
Các Đại sứ bị triệu tập
Chỉ riêng tuần trước, ít nhất bảy Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Kazakhstan, Nigeria, Kenya, Uganda, Ghana và Liên minh châu Phi (AU), đã bị chính quyền sở tại triệu tập để giải trình những cáo buộc từ việc truyền bá tin đồn và những thông tin sai lệch, cho đến việc phân biệt đối xử với người châu Phi ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc.
Bất đồng đang dần gia tăng khi một số nước như Đức, Pháp, Anh, Úc và Canada, Mỹ đòi hỏi Trung Quốc minh bạch hơn về cáo buộc "che đậy thông tin" và những phản ứng thiếu chính xác trong giai đoạn ban đầu của dịch Covid-19.
Tuần trước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin đã công khai tỏ thái độ bất bình khi tờ báo Bild của Đức đòi bồi thường hơn 160 tỷ USD với lý do Trung Quốc đã không thể giữ được virus trong phạm vi nước mình.
Các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Úc và Canada chỉ trích chính trị gia và phương tiện truyền thông địa phương thiên vị Mỹ, bởi các nước này đưa ra những yêu cầu tương tự Washington.
Trước đó, các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc ở Thụy Điển, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Singapore và Peru gây sự chú ý khi công kích truyền thông, các quan chức hay các học giả mà họ cho rằng đang đứng về phe chỉ trích cách xử lý của Bắc Kinh trong khủng hoảng y tế lần này.
Sự thay đổi trong ngoại giao thời gian gần đây là do đâu?
Sự thay đổi trong vấn đề ngoại giao của Trung Quốc trong những tháng gần đây đã làm xuất hiện thêm nhiều những "chiến lang" (Wolf Warrior) là Đại sứ và các nhà ngoại giao cấp cao. Ban lãnh đạo nước này cũng cảnh báo rằng mối quan hệ xấu đi nhanh chóng với Mỹ khiến Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức và bất lợi chưa từng có.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp ông Lu Shaye không còn xa lạ gì với những tranh cãi. Trong suốt thời gian trước đó với hai năm làm Đại sứ tại Canada, ông nổi tiếng với những chỉ trích dành cho Ottawa, đặc biệt liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn công nghệ Huawei.
Tuần trước, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã triệu tập ông Lu để bày tỏ sự không tán thành sâu sắc đối với một bài báo nặc danh được đăng tải trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc, buộc tội các công nhân của viện dưỡng lão Pháp bỏ việc và "để người dân chết vì đói và bệnh tật".
Yun Sun, thành viên cao cấp tại Trung tâm Stimson - Viện chính sách có trụ sở tại Washington, cho biết rằng sự tăng lên của những phản ứng đầy giận giữ từ các đại sứ hoặc các nhà ngoại giao cấp trung - như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên, là bằng chứng cho thấy chính sách của Trung Quốc đã có sự điều chỉnh từ cấp cao, có khả năng từ chính Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Triệu Lập Kiên nổi tiếng với phát ngôn gây tranh cãi trên Twitter khi tháng trước, ông ám chỉ thuyết âm mưu rằng chính Mỹ đã tuồn virus corona vào Trung Quốc. Vụ tranh cãi làm gia tăng nghi ngờ và phức tạp thêm quan hệ Mỹ-Trung.
"Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, cách tiếp cận xuyên suốt từ trên xuống dưới là tuyệt đối. Điều này đồng nghĩa quyết định của lãnh đạo phải được thực thi. Các quan chức ngoại giao không đưa ra quyết định mà chỉ thừa hành quyết định," bà Yun nhận định.
Đường lối đối ngoại thay đổi này có ảnh hưởng đến hình ảnh đến Trung Quốc?
Steve Tsang, giám đốc viện SOAS Trung Quốc tại London, Anh, đồng ý rằng cách tiếp cận của Trung Quốc trong mối quan hệ quốc tế đã thay đổi dưới thời ông Tập Cận Bình.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy cách đối đầu trực diện của những nhà ngoại giao Trung Quốc phần nào đã tác động tiêu cực đến hình ảnh của nước này trên thế giới.
Theo khảo sát được công bố bởi Trung tâm nghiên cứu Pew tại Washington, gần 2/3 số người Mỹ tham gia nghiên cứu bày tỏ thái độ không tốt đối với Trung Quốc do hiềm khích song phương trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Một nghiên cứu của Trung tâm này công bố hồi tháng 12/2019 chỉ ra, những người tham gia khảo sát từ 24/34 quốc gia tại 6 lục địa cho thấy thái độ tiêu cực với Trung Quốc.
Pang Zhongying, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói rằng bất chấp những cố gắng của Bắc Kinh trong việc hồi sinh quân đoàn ngoại giao của mình với những đầu tư cho các chính khách trẻ, chuyên nghiệp, họ vẫn thiếu những kĩ năng phù hợp.
Ông George Yeo - người đứng đầu mảng địa chính trị tại công ty tư vấn chiến lược Brunswick đồng thời cũng là cựu Ngoại trưởng Singapore - cho biết, thái độ tiêu cực với Trung Quốc ở các nước phương Tây đã chuyển biến xấu đi trong những năm gần đây.
Theo ông Yeo, Bắc Kinh "phải kiềm chế lối đi khắt khe của mình trong việc bảo vệ vị trí của Trung Quốc hoặc hạ thấp những nước kém phát triển hơn".
Trong một bài báo được đăng tải trên trang web chính thức của Brunswick vào tuần trước, ông Yeo nói rằng "thậm chí các quốc gia ngưỡng mộ thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn đại dịch cũng có thái độ không tốt đối với các hành động độc đoán của nước này."