Covid-19 lắng xuống, thời điểm vàng của du lịch miền Trung cũng trôi qua

Đã có những tín hiệu cho thấy các địa phương miền Trung đang bắt đầu mở dần lại nhiều dịch vụ để góp phần vực dậy nền kinh tế bị tổn hại nghiêm trọng sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến các địa phương khó phục hồi nhanh như mong muốn khi mở lại dịch vụ thời điểm này.

 Khu du lịch Sunworld Bà Nà Hills mở cửa hoạt động trở lại hậu Covid-19 là tín hiệu tốt để ngành dịch vụ, du lịch tại Đà Nẵng và miền Trung tái khởi động. Ảnh: DNCC

Khu du lịch Sunworld Bà Nà Hills mở cửa hoạt động trở lại hậu Covid-19 là tín hiệu tốt để ngành dịch vụ, du lịch tại Đà Nẵng và miền Trung tái khởi động. Ảnh: DNCC

Từ ngày 24-9-2020, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chính thức triển khai trở lại đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”, “Phố đêm”, các làng nghề truyền thống và hoạt động Hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An.

Cùng với việc mở cửa trở lại, Hội An cũng đưa ra chính sách ưu đãi về vé tham quan Khu phố cổ là giảm 50% giá vé áp dụng đến hết ngày 31-10-2020.

Song song với đó, các làng nghề truyền thống lâu đời của Hội An như làng gốm Thanh Hà và làng rau Trà Quế cũng mở cửa trở lại để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Cũng là một địa điểm thu hút khách du lịch tại Quảng Nam, thánh địa Mỹ Sơn cũng đã mở đón khách trở lại.

Tại Đà Nẵng, Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills với cây cầu vàng nổi tiếng – chính thức đón khách trở lại từ 20-9-2020, sau gần 2 tháng đóng cửa. Hầu hết các hoạt động tham quan, vui chơi giải trí được mở lại.

Được biết, để chuẩn bị cho việc đón khách trở lại, việc khử khuẩn tại khu du lịch đã được tiến hành chặt chẽ, toàn diện. Việc giãn cách cũng sẽ được thực hiện nghiêm ngặt từ khi du khách xếp hàng mua vé và trong suốt quá trình di chuyển bằng cáp treo hay tàu hỏa leo núi…

Trong khi đó, tại Huế, khách được giảm 50% phí tham quan các điểm di tích, bao gồm Hoàng Cung Huế, Lăng vua Minh Mạng; Lăng vua Tự Đức và Lăng vua Khải Định và tuyến gộp ba điểm gồm Hoàng Cung Huế - Lăng vua Minh Mạng - Lăng vua Khải Định.

Bên cạnh đó, Huế đang khởi động lại chương trình “Người Huế đi du lịch Huế” khi dịch Covid-19 được kiểm soát phần nào và doanh nghiệp quay lại hoạt động sau cơn bão số 5 vừa qua.

Việc các điểm đến miền Trung mở cửa trở lại nhiều hoạt động dịch vụ, theo những người trong cuộc, là một tín hiệu tốt để kinh tế địa phương phần nào phục hồi sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, mùa mưa bão, tâm lý e ngại… là những yếu tố được dự báo là những trở lực để ngành dịch vụ, du lịch miền Trung vực dậy.

“Covid-19 tạm thời lắng xuống cũng là lúc thời điểm vàng của du lịch miền Trung qua đi. Đà Nẵng và miền Trung đã vào mùa mưa bão”, ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Vietravel – Đà Nẵng chia sẻ và nói vì vậy khó có thể thu hút khách ngay lúc này.

Ông Nguyễn Lâm An, Giám đốc khu du lịch Sun World Ba Na Hills, cũng chia sẻ: “Chúng tôi hiểu, sẽ có những e ngại ban đầu bởi Đà Nẵng chỉ mới bước qua những tháng ngày "bão táp" khi là tâm điểm của dịch bệnh”. Tuy nhiên, ông An tin rằng những chiến thắng trước đợt dịch thứ 2 của thành phố cùng với những biện pháp phòng chống dịch tích cực được triển khai để đảm bảo an toàn cho du khách từ khi đặt chân tới khu du lịch cho tới suốt quá trình tham quan vui chơi tại đây, du khách sẽ có một hành trình an tâm và thoải mái tại Bà Nà và Đà Nẵng.

Theo ghi nhận, từ khi mở cửa lại từ ngày Chủ Nhật (20-9) vừa qua đến nay, hằng ngày khu du lịch bình quân đón chưa đến 100 khách du lịch, chủ yếu là người Đà Nẵng.

Chia sẻ với phóng viên ngày hôm qua, 23-9, nhân dịp Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng (DATA) tổ chức trao quà cho người lao động khó khăn do Covid-19, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch DATA, chia sẻ thành phố đã có những kịch bản để dần phục hồi lại ngành dịch vụ, du lịch.

 Mùa mưa bão, tâm lý e ngại của du khách là những cản trở không hề nhỏ để du lịch miền Trung vực dậy. Trong ảnh là các điểm du lịch tại Thừa Thiên Huế bị tàn phá sau cơn bão số 5 vừa qua. Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cung cấp

Mùa mưa bão, tâm lý e ngại của du khách là những cản trở không hề nhỏ để du lịch miền Trung vực dậy. Trong ảnh là các điểm du lịch tại Thừa Thiên Huế bị tàn phá sau cơn bão số 5 vừa qua. Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cung cấp

Theo đó, trong tháng 9 và tháng 10, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ hướng đến các sản phẩm hấp dẫn, an toàn dành cho chính người Đà Nẵng và các địa phương lân cận, như Huế, Quảng Nam và Tây Nguyên. “Việc thu hút khách từ hai đầu đất nước [Hà Nội và TPHCM] sẽ được triển khai chỉ khi việc mở lại đường bay có những tín hiệu rõ ràng”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cũng hy vọng “cục nam châm” Bà Nà Hills sẽ đón nhiều khách hơn trong thời gian tới khi truyền thông điểm đến an toàn được lan tòa.

Tuy nhiên, chia sẻ với TBKTSG Online, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch đường thủy hay nhà hàng tại Đà Nẵng cho biết họ vẫn chưa thể mở cửa ngay lúc này. Việc mở cửa sẽ chỉ được thực hiện một cách cầm chừng theo “dự báo thời tiết” vì có mưa bão khách cũng không thể đi.

Tương tự như Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế ngay lúc này khuyến khích người địa phương sử dụng dịch vụ với ý nghĩa “khởi động” là chính. Các khu du lịch tại Huế chạy các chương trình khuyến mãi dành cho khách địa phương đến vui chơi nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chuyên phục vụ khách Âu, Mỹ tại hai địa phương này chấp nhận tiếp tục “ngủ đông” chờ khách quay trở lại. Trong lúc này, họ tìm kiếm những công việc tay trái để làm để nuôi dưỡng tinh thần là chính.

Du lịch Đà Nẵng thiệt hại nặng nề

Theo thống kê của Sở Du lịch, toàn thành phố có 398 đơn vị kinh doanh lữ hành, 16 khu, điểm du lịch, 955/1.080 cơ sở lưu trú, 350 đơn vị vận chuyển, 27 tàu du lịch đã tạm dừng hoạt động kinh doanh; chỉ còn 38 khách sạn phục vụ y bác sĩ, người nước ngoài trong công tác phòng, chống dịch và khoảng 87 cơ sở lưu trú đang phục vụ các khách dài hạn, khách công tác...

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/308588/covid-19-lang-xuong-thoi-diem-vang-cua-du-lich-mien-trung-cung-troi-qua.html