COVID-19 tại ASEAN ngày 23/7: Indonesia 49.000 ca bệnh mới; Malaysia chưa thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 94.552 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 126.800 người.

Các tình nguyện viên chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 15/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các tình nguyện viên chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 15/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Campuchia. Đông Nam Á đang là một trong những điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tăng mạnh. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại và hiện là tâm dịch của cả thế giới.

Trong khi đó, diễn biến dịch cũng rất nghiêm trọng ở Philippines trong mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines đang chứng kiến số ca tử vong và ca mắc thấp hơn khá nhiều các nước thành viên khác, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Thậm chí, trong 1 ngày qua, nước này không ghi nhận ca tử vong nào.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 8/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 8/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia tình hình vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.

Ngày 23/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 144 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 23/7 ghi nhận thêm trên 14.500 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 114 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 16/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 16/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 825 bệnh nhân mới và 34 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 126.813 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.858 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 6.549.386 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 5.357.911 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 8/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 23/7:

Người dân xếp hàng chờ bơm oxy y tế phục vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại thành phố Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân xếp hàng chờ bơm oxy y tế phục vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại thành phố Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca tử vong tại Indonesia lại lên mức cao mới

Tại Indonesia, ngày 23/7, Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận thêm 1.566 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ, mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 3/2020, Mức kỷ lục cũ là 1.449 ca được ghi nhận vào ngày 22/7.

Bộ Y tế cũng báo cáo thêm 49.071 ca mắc mới và 267.866 ca nghi nhiễm. Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 3.082.410 ca mắc, trong đó có 2.431.911 ca đã bình phục, 80.598 ca tử vong trong khi vẫn còn gần 560.000 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chính phủ Indonesia tiếp tục kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng chống dịch và đến ngay các điểm gần nhất để được tiêm vaccine mà không cần trình thẻ căn cước.

Lực lượng chức năng chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19, sau khi người bệnh tự cách ly tại nhà do bệnh viện quá tải ở Bogor, Tây Java, Indonesia, ngày 6/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Lực lượng chức năng chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19, sau khi người bệnh tự cách ly tại nhà do bệnh viện quá tải ở Bogor, Tây Java, Indonesia, ngày 6/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số khu vực bên ngoài đảo Java đang đề nghị chính quyền trung ương giúp đỡ khi các bệnh viện đều quá tải và nguồn cung cấp ôxy y tế cũng như vaccine ngừa COVID-19 đang thiếu hụt trầm trọng. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 sẽ lan rộng ra ngoài đảo Java và Bali.

Thống kê của Bộ Y tế Indonesia cho biết hiện 7/27 tỉnh bên ngoài Java và Bali đã rơi vào tình trạng quá tải bệnh viện khi tỷ lệ bệnh nhân nhập viện lên tới hơn 70%. Cụ thể Đông Kalimantan (83%), Lampung (78%), Nam Sumatra (77%) và Riau (74%).

Ngoài ra còn 8 tỉnh khác bên ngoài Java cũng ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nằm viện chiếm 60-70% số giường bệnh. Một số bệnh viện đã phải từ chối nhận bệnh nhân chuyển tuyến, thậm chí treo biển đóng cửa do số lượng bệnh nhân đã quá đông.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 15/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 15/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tốc độ lây lan virus tại Malaysia chưa có dấu hiệu chậm lại

Bộ Y tế Malaysia (MOH), ngày 23/7, thông báo nước này tiếp tục ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới COVID-19 với 15.573 ca được phát hiện trong 24 giờ qua.

Như vậy, đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 980.941 ca COVID-19, trong đó có 7.718 ca tử vong. Bang Selangor- trung tâm công nghiệp của cả nước - và thủ đô Kuala Lumpur cũng ghi nhận các kỷ lục buồn về số ca nhiễm COVID-19 trong ngày. Cụ thể, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát tại Malaysia, số ca nhiễm bệnh tại bang Selangor vượt mức 7.000 khi bang này ghi nhận tới 7.672 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Trong khi đó, thành phố 8 triệu dân Kuala Lumpur có thêm 2.063 ca bệnh, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại 2 địa điểm này lên lần lượt là 351.618 và 105.600.

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia cho biết đã phát hiện thêm 119 ca nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2, gồm 106 ca nhiễm biến thể Delta, 10 ca nhiễm biến thể Beta và 3 ca nhiễm biến thể Alpha, nâng tổng số ca nhiễm biến thể của virus tại Malaysia lên là 429 trường hợp.

Phong tỏa một khu vực do có trường hợp nhiễm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 19/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Phong tỏa một khu vực do có trường hợp nhiễm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 19/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lào tăng cường công tác điều trị tại các tỉnh có nhiều ca nhiễm nhập cảnh

Để ứng phó với số lượng ca mắc COVID-19 chủ yếu là người nhập cảnh đang gia tăng, một số tỉnh của Lào đã được hỗ trợ giường bệnh và thiết lập bệnh viện dã chiến để điều trị cho các bệnh nhân.

Chính quyền tỉnh Champasak cho biết theo số liệu thống kê, có 38% người nhập cảnh về tỉnh này mắc COVID-19. Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng khiến các cơ sở y tế rơi vào tình trạng thiếu giường bệnh. Trước tình hình trên, chính quyền thành phố Viêng Chăn vừa hỗ trợ tỉnh Champasak 100 giường bệnh để sử dụng cho các bệnh viện dã chiến.

Cùng với Champasak, tỉnh Salavan, miền Nam Lào, có đường biên giáp với Thái Lan, cũng đang gấp rút bố trí cơ sở tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân mới sau khi ghi nhận số người nhập cảnh nhiễm COVID-19 tăng từng ngày. Ngoài việc chuẩn bị nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, Salavan vừa trưng dụng một trường học để làm nơi cách ly và làm bệnh viện dã chiến có khả năng tiếp nhận 300 người.

Người dân đợi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 16/7/2021. Ảnh: THX/TXVN

Người dân đợi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 16/7/2021. Ảnh: THX/TXVN

Thái Lan cho phép các du khách nước ngoài tham gia chương trình “Hộp cát Phuket”

Trung tâm Xử lý tình hình kinh tế của Chính phủ Thái Lan (CESA) đã thông qua quy định mới cho phép những du khách nước ngoài tham gia chương trình thí điểm “Hộp cát Phuket” đến các địa điểm du lịch khác ở 3 tỉnh miền Nam nước này sau 7 ngày kể từ 1/8.

Theo đó, các địa điểm du lịch khác được phép đón du khách nước ngoài tham gia chương trình thí điểm trên tại hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Phuket bao gồm Koh Samui, Koh Phangan và Koh Tao ở tỉnh Surat Thani; Koh Phi Phi, Koh Ngai và Railay Bay ở tỉnh Krabi; và Khao Lak, Koh Yao Yai và Koh Yao Noi ở tỉnh Phangnga.

Người phát ngôn CESA Thanakorn Wangboonkongchana cho hay quy định trên được CESA thông qua hôm 22/7 và tỉnh trưởng của 3 tỉnh nói trên được yêu cầu làm việc với khu vực tư nhân cũng như các dịch vụ dân sự để tìm kiếm sự hợp tác từ những người sống trong các khu vực đó. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự kiến sẽ đề xuất các điểm du lịch bổ sung sẽ được mở cửa trở lại sau đó cho khách du lịch quốc tế.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-ngay-237-indonesia-49000-ca-benh-moi-malaysia-chua-the-cat-dut-chuoi-lay-nhiem-20210724000730544.htm