COVID-19 tới 6 giờ sáng 26/4: Thế giới còn 5 nước chưa ghi nhận ca tử vong; Israel phát hiện các ca biến thể phụ nguy hiểm
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 342.135 trường hợp mắc COVID-19 và 1.546 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 509 triệu ca, trong đó trên 6,24 triệu người không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 26/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 509.826.132 ca, trong đó có tổng cộng 6.244.523 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 462 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 40 triệu ca và trên 42.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 25/4, thế giới có 78 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 54 nước có người tử vong vì căn bệnh này. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế đi ngang.
Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 24 giờ qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (với trên 86.000 ca), trong khi Pháp là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 197 ca.
Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Không COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Không COVID linh hoạt”.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 25/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 212 ca tử vong. Trong ngày 25/4, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 14.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (124 ca).
Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Philippines vẫn căng thẳng hơn so với các nước khác.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Với việc Quần đảo Cook nằm ở Nam Thái Bình Dương ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 trong ngày 24/4, số quốc gia chưa ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19 trên thế giới giảm xuống chỉ còn 5 nước, bao gồm một số nước ở Thái Bình Dương và một nước ở khu vực Nam Á, những quốc gia có vị trí địa lý xa xôi và ít du khách lui tới.
Tại Đông Nam Á, một số nước bắt đầu nới lỏng quy định xét nghiệm COVID-19 đối với khách du lịch. Cụ thể, Singapore và Thái Lan đã dỡ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19, chuyển trọng tâm vào chứng nhận tiêm vaccine của du khách.
Theo đó, từ 26/4, du khách đến Singapore sẽ không còn phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành đến nước này. Quyết định này bổ sung vào những thay đổi gần đây có thể giúp Singapore trở thành điểm đến dễ dàng nhất ở Đông Nam Á trong bối cảnh khu vực này dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch COVID-19.
Singapore hiện không còn yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng ngoài trời, đồng thời loại bỏ hạn chế về số người tham gia hoạt động nhóm, trong khi quy định bắt buộc cài ứng dụng truy vết của nước này TraceTogether cũng được nới lỏng đáng kể.
Trong khi đó, Thái Lan cũng dỡ bỏ các yêu cầu xét nghiệm với những du khách đã tiêm vaccine phòng COVID-19 kể từ ngày 1/5 tới, đồng nghĩa không còn quy định buộc du khách phải đặt một phòng khách sạn đặc biệt để chờ đợi kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, khi nhập cảnh vào Thái Lan, khách du lịch buộc phải đăng ký trên hệ thống nhập cảnh trực tuyến “Thailand Pass” để nộp giấy chứng nhận tiêm chủng và chứng nhận bảo hiểm có hạn mức chi trả tối thiểu 10.000 USD, thấp hơn so với mức 20.000 USD trước đó.
Mặc dù vậy, một số quốc gia vốn nổi tiếng về du lịch vẫn duy trì các biện pháp kiểm dịch, trong đó có xét nghiệm, đối với du khách nước ngoài. Malaysia được xem là quốc gia có các quy định nghiêm ngặt nhất. Ngoài yêu cầu xét nghiệm trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành, du khách cũng buộc phải thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh.
Ngoài ra, hành khách đến phải tải ứng dụng theo dõi liên lạc của Malaysia và khai vào đơn nhập cảnh trước khi khởi hành. Du khách đi du lịch ngắn ngày cũng phải mua bảo hiểm du lịch 20.000 USD để thanh toán cho mọi chi phí liên quan đến COVID-19 tại Malaysia.
Trong khi đó, Philippines yêu cầu hành khách xét nghiệm PCR 48 giờ hoặc xét nghiệm ART 24 giờ trước khi khởi hàng. Đối với Indonesia, nước này yêu cầu xét nghiệm PCR 48 giờ trước khi khởi hành. Hơn nữa, nếu nhiệt độ của hành khách đo được trên 37,5 độ C hoặc có các triệu chứng khác của COVID-19 khác thì buộc phải thực hiện thêm xét nghiệm PCR.
Tại Hàn Quốc, kể từ ngày 25/4, cấp độ dịch bệnh COVID-19 được hạ từ mức cao nhất trong thang 4 cấp độ xuống cấp 2, tương đương các bệnh truyền nhiễm như sởi và thủy đậu. Trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài một tháng, bệnh nhân COVID-19 vẫn phải cách ly 7 ngày. Với bước đi mới nhất này, cuộc chiến chống COVID-19 ở Hàn Quốc đã bước sang giai đoạn mới, sống chung an toàn với dịch bệnh.
Kể từ 25/4, hoạt động ăn uống bên trong rạp chiếu phim, tại nhà thi đấu cũng như phương tiện công cộng (tàu cao tốc KTX, xe buýt cao tốc…) sẽ được phép nối lại như trước khi dịch bệnh bùng phát. Người dân cũng có thể ăn uống tại khu vực ăn uống bên trong chuỗi siêu thị lớn và trung tâm thương mại.
Trong khi đó, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, nhà chức trách y tế đã nhanh chóng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch sau khi liên tiếp phát hiện nhiều ca mắc mới lây lan trong cộng đồng trong vài ngày qua.
Quận Triều Dương, nơi có khoảng 3,5 triệu cư dân, sẽ triển khai 3 đợt xét nghiệm axit nucleic hàng loạt, bắt đầu từ ngày 25/4 sau khi quận này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất trong đợt bùng phát dịch mới nhất.
Cùng ngày, chính quyền thành phố Thượng Hải thông báo ghi nhận 51 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 24/4, tăng so với 39 ca ghi nhận một ngày trước đó. Thành phố này cũng ghi nhận 2.472 ca mắc mới COVID-19 có triệu chứng, tăng so với 1.401 ca một ngày trước đó. Ngoài ra, có 16.983 ca mắc mới không triệu chứng được ghi nhận tại Thượng Hải, giảm so với 19.657 ca một ngày trước đó. Hiện Thượng Hải là nơi dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất tại Trung Quốc.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với thị trường lao động siết chặt, số người lao động muốn tìm công việc có thời gian làm việc linh hoạt và an toàn đang ngày càng gia tăng. Thực tế này đang trở thành một thách thức đối với nhiều doanh nghiệp khi nền kinh tế thế giới mở cửa trở lại và các công ty bắt đầu tìm cách đưa nhân viên trở lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng.
Kết quả một cuộc khảo sát do công ty khảo sát ADP thực hiện với sự tham gia của 33.000 người trên toàn thế giới cho thấy 2/3 số người được hỏi cho biết họ sẽ xem xét tìm việc làm mới nếu phải bắt buộc quay trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian một cách không cần thiết.
Theo kết quả khảo sát công bố ngày 25/4, số người cảm thấy lĩnh vực làm việc của họ an toàn hiện là 25%, giảm so với 26% của cuộc khảo sát tương tự vào năm 2021. Cũng trong khoảng thời gian này, số người có ý kiến sẽ xem xét "nhảy" việc tăng từ 15% lên 23%, trong đó gần 30% cho biết đã bắt đầu tìm việc mới.
Có 50% người được hỏi cho biết họ có đôi chỗ hoặc hoàn toàn không hài lòng với công việc hiện tại và các yếu tố nảy sinh trong đại dịch như số giờ làm việc, địa điểm làm việc, thời gian làm việc không lương và những căng thẳng, đã thúc đẩy người lao động đàm phán lại các điều khoản trong hợp đồng lao động hiện tại hoặc tìm cách nghỉ việc.
Theo ADP, sở dĩ có sự thay đổi này là do đại dịch COVID-19 đã khiến người lao động cân nhắc lại những ưu tiên và họ sẵn sàng bỏ việc nếu chủ lao động không đáp ứng những yêu cầu của họ.
Các dữ liệu thu thập từ Mỹ cho thấy tình trạng người lao động "nhảy" việc hay việc thiếu lao động tại các doanh nghiệp diễn ra ở mức độ cao trong khi các công ty đang chật vật tuyển dụng và giữ chân người lao động. Sự mất cân bằng giữa số lượng người tìm việc và số người lao động cần được tuyển dụng để lấp chỗ trống đang khiến mức lương tại một số ngành tăng cao và đây cũng là một trong những vấn đề chính mà các quan chức Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho rằng cần giải quyết để kìm hãm đà tăng của lạm phát.
Dịch COVID-19 hoành hành đã khiến các doanh nghiệp trên toàn thế giới chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến vừa để đảm công việc chuyên môn không bị gián đoạn, vừa bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ mắc bệnh.
Đến nay khi các nước đang quay trở lại cuộc sống thường nhật, các công ty cũng dần tăng số lượng người làm việc trực tiếp và tiến tới toàn bộ nhân viên quay trở lại làm việc tại văn phòng dù muốn hay không. Với kết quả khảo sát trên, nhiều khả năng các công ty sẽ bị thiếu hụt lực lượng lao động và việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này quả thực không dễ.