Covid-19 tước đi việc làm của 4,4 triệu người Việt
Trong 31,8 triệu lao động bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, có khoảng 4,45 triệu người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 6/10, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Số này bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (khoảng 21,9 triệu người), gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên (khoảng 12,7 triệu người) và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh (khoảng 4,45 triệu người).
Nếu không có Covid-19, Việt Nam sẽ có thêm 1,8 triệu lao động
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27%.
“Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy, sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước”, bà Hương nói.
Tính chung 9 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,4 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước và giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn.
Trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động 9 tháng đầu năm tăng 1%. Nếu lực lượng lao động 9 tháng năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,8 triệu lao động.
“Nói cách khác, dịch Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,8 triệu người”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định.
Lao động trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như nghệ thuật, vui chơi và giải trí (88,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (72,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (70,1%), bán buôn bán lẻ, sửa chữa ôtô, mô tô và xe máy (68,5%), giáo dục đào tạo (68,5%), hoạt động kinh doanh bất động sản (67,8%).
Tổng cục Thống kê cho biết số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III là 1,3 triệu người. Tình trạng này không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mà đang tăng lên ở cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Thu nhập bình quân 9 tháng giảm 83.000 đồng
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III là 5,5 triệu đồng, tăng 258.000 đồng so với quý trước và giảm 115.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,4 lần so với nữ (6,3 triệu đồng và 4,6 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị cao hơn nông thôn 1,5 lần (7 triệu đồng và 4,8 triệu đồng).
Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập bình quân của người lao động giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 83.000 đồng). Thu nhập của lao động trong hầu hết ngành đều giảm, trong đó giảm nhiều nhất ở hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm 6,5%), dịch vụ lưu trú ăn uống (giảm 5,9%), vận tải kho bãi (giảm 4,9%).
Tổng cục Thống kê cho rằng cần tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Tập trung hỗ trợ cho các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức và lao động chính thức trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.
Nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phi chính thức nhằm giúp họ tìm kiếm việc làm và đóng góp sức lao động trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Trong đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/covid-19-tuoc-di-viec-lam-cua-4-4-trieu-nguoi-viet-post1138834.html