COVID-19 và sự lựa chọn nghiệt ngã
Khi số người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) ở Mỹ tăng mạnh thì đội ngũ y bác sĩ nước này không chỉ đối phó với tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế mà còn đau đầu cân nhắc xem bệnh nhân nào được điều trị bằng những trang thiết bị y tế khan hiếm đó.
Thực tế này đã khiến những người mắc bệnh nền hiểm nghèo không khỏi lo sợ cho số phận của mình nếu có mắc COVID-19.
Cô Lianne Kraemer, 43 tuổi, sinh sống tại Mỹ và hiện phải vật lộn với căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối đã di căn lên não. Để ngăn chặn quá trình di căn, cô phải trải qua những cuộc điều trị bằng hóa trị liệu, khiến người mệt mỏi, sức khỏe suy yếu và có nguy cơ cao dễ phát sinh ra các bệnh khác, bao gồm các bệnh truyền nhiễm như viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra.
Các bác sĩ thừa nhận rằng SARS-CoV-2 dường như "nhắm" vào một số đối tượng nhất định: người già, những người mắc bệnh nền lâu năm và những người có hệ miễn dịch bị suy yếu như cô Kraemer. Cô tâm sự: "Ngay từ đầu, tôi cảm thấy sợ hãi và sợ mình có thể bị bỏ rơi".
Giờ đây, một nỗi ám ảnh khác bao trùm lên nỗi lo lắng và sợ hãi của Kraemer. Nếu cô mắc COVID-19 và cần chăm sóc tích cực và cần máy trợ thở thì cô có thể bị từ chối khi nhập viện. Cô lo ngại: "Họ có thể cho rằng điều trị cho tôi sẽ vô ích và điều đó thật kinh hoàng đối với tôi".
Khi tình hình dịch bệnh ở Mỹ diễn biến phức tạp với số ca COVID-19 tăng mạnh thì nhu cầu điều trị cho bệnh nhân cần điều trị tích cực lâm vào tình trạng "căng như dây đàn" do thiếu trang thiết bị và máy trợ thở. Nếu số bệnh nhân tiếp tục vượt quá số máy trợ thở sẵn có thì đội ngũ y bác sĩ sẽ phải đưa ra những quyết định đầy khó khăn và thậm chí dằn vặt tâm can về việc làm thế nào để phân phối số thiết bị trợ thở ít ỏi và quý giá trong tình cảnh như hiện nay.
Sự thật nghiệt ngã...
Đây chính là sự thật nghiệt ngã mà giới chức quản lý Hệ thống y tế Henry Ford ở tiểu bang Michigan đã phải đau đầu đối phó. Trong một bức thư gây tranh cãi vốn bị rò rỉ trên mạng xã hội hôm 27/3, hệ thống này đã lên tiếng giải thích về cách xác định bệnh nhân COVID-19 nào sẽ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc đặc biệt. Bức thư có đoạn: "Một số bệnh nhân sẽ hết sức ốm yếu và ít khả năng sống sót ngay cả khi được điều trị tích cực...".
Bức thư này cũng liệt kê những bệnh nhân có thể không đủ điều kiện để được điều trị tích cực hoặc sử dụng máy trợ thở, bao gồm những người có bệnh nền như suy giảm ở mức độ nghiêm trọng các chức năng của tim mạch, phổi, gan hoặc thận, những người bị ung thư giai đoạn cuối, bị chấn thương tâm lý nặng hoặc bị bỏng.
Đáp lại những thắc mắc và tranh cãi xung quanh bức thư này, bác sĩ Adnan Munkarah, Phó Giám đốc điều hành đồng thời là Giám đốc chuyên môn của hệ thống y tế Henry Ford viết trên mạng xã hội Twitter: "Chúng tôi thận trọng đưa ra chính sách này nhằm cung cấp hướng dẫn quan trọng cho nhân viên y tế khi phải đưa ra những quyết định khó khăn về chăm sóc bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp chưa từng có tiền lệ này. Chúng tôi hy vọng sẽ không bao giờ phải áp dụng chính sách này và chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để chăm sóc cho bệnh nhân của mình, huy động mọi trang thiết bị sẵn có để thực hiện điều đó".
Nhìn nhận thực trạng này, Tiến sĩ Douglas White, Giám đốc chương trình đạo đức nghề nghiệp và quá trình ra quyết định trong chăm sóc bệnh nhân ốm nặng tại Đại học Pittsburgh ngậm ngùi tâm sự: "Làm việc trong tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng như thế này đã dẫn đến sự thay đổi trong các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp vốn được áp dụng để đưa ra các quyết định chăm sóc bệnh nhân".
Điều này đồng nghĩa là những người bị ung thư như cô Kraemer có thể bị coi là không đủ tiêu chuẩn để được điều trị tích cực vì cơ hội sống sót của những người này là thấp.
Thế lưỡng nan
Với dân số đông đúc và là địa điểm du lịch quốc tế, New York đã trở thành nơi chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 tại Mỹ và đã phá hủy toàn toàn bất kỳ kế hoạch nào mà bang này đã dự trù trước đó để phân bổ nguồn tài nguyên nhằm ngăn chặn và kiềm chế một sự bùng phát đại dịch như COVID-19 này.
Bác sĩ Chen Fu, trợ lý chuyên môn cho giáo sư tại Trung tâm Y dược Đại học Langone ở New York, quan ngại: "Rất khó có thể ngưng sử dụng máy trợ thở đối với những bệnh nhân COVID-19 một khi họ đã phải sử dụng đến thiết bị này. COVID-19 giống như một 'lỗ đen' chứ không phải bệnh cúm thông thường".
Thực tế trên là lý do chính dẫn đến tình trạng thiếu thốn máy thở trên phạm vi toàn nước Mỹ, buộc các bác sĩ phải đưa ra những lựa chọn mang tính sinh tồn, tức chọn những bệnh nhân có khả năng sống sót để chữa trị và ngược lại.
Bác sĩ Fu giải thích: "Thời kỳ không dịch bệnh, chúng tôi chữa bệnh bằng y đức với hy vọng bệnh nhân khỏi bệnh. Trong khi đó, giờ chúng tôi phải chữa bệnh theo kiểu dựa trên công lý và chăm sóc tổng quát, tức phải nghĩ cách làm thế nào để giúp đỡ toàn bộ cộng đồng".
Điều này liên quan đến không chỉ việc từ chối chăm sóc cho những bệnh nhân như Kraemer mà đôi khi còn là việc rút lại sự chăm sóc này sau khi đã được chỉ định cho bệnh nhân.
Bác sĩ Fu và các đồng nghiệp của mình đã đối mặt với một sự lựa chọn liên quan y đức như thế khi họ đang chữa trị cho một bệnh nhân ốm nặng và phải dùng máy thở cung cấp ô-xy lưu lượng cao, loại thiết bị vốn trong tình trạng khan hiếm do dịch bệnh. Tuy nhiên, ở phòng bệnh khác lại có một bệnh nhân mắc COVID-19 và có cơ hội sống sót lớn hơn và đang rất cần máy thở loại này. Nhóm y bác sĩ của Fu phải quyết định hai bệnh nhân dùng chung một máy thở.
Bác sĩ Fu kể lại thời khắc đưa ra lựa chọn đầy khó khăn đó mà sau này để lại một trải nghiệm đau lòng đối với cả bác sĩ, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân: "Chúng tôi đã phải rút máy thở ra khỏi bệnh nhân đang sắp qua đời đó...".
Không chỉ thiếu thiết bị...
Một vấn đề khác nảy sinh là không thể có đủ nhân viên y tế có chuyên môn nghiệp vụ sử dụng loại thiết bị này để phục vụ đủ số bệnh nhân COVID-19 gia tăng. Bác sĩ Fu tiếp tục giải thích: "Phải mất 10 năm để đào tạo một nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe chuyên sâu".
Tại Trung tâm Y tế Boston của Đại học Boston, sự thiếu hụt này đã dẫn đến những quyết định điều động nhân viên tạm thời và vội vàng. Bác sĩ James Hudspeth, Giám đốc phụ trách chuyên môn nhóm phản ứng nhanh COVID-19 tại Trung tâm Y tế Boston, thừa nhận rằng đội ngũ y tá của bệnh viện hiện đang bị dàn căng, và đội ngũ y tá chăm sóc cơ bản đang buộc phải huy động để hỗ trợ đội ngũ y tá chăm sóc chuyên sâu.
Chưa hết, nguồn cung dược phẩm đang được sử dụng để làm giảm nhẹ một số triệu chứng nguy cấp của COVID-19 cũng đang cạn dần. Thêm một câu chuyện về việc ngày càng thiếu hụt thuốc ức chế interleukin-6 (IL-6) có tác dụng làm giảm viêm nhiễm đã buộc đội ngũ bác sĩ phải có những quyết định khó khăn.
Bác sĩ Bushra Mina, giám đốc chuyên môn điều trị bệnh phổi tại Bệnh viện Lenox Hill Northwell ở New York thường bắt đầu một ngày làm việc mới của mình bằng 10-20 ống thuốc ức chế IL-6 dạng nước. Thế nhưng, mỗi lần uống một ống, ông lại phải đắn đo cân nhắc liệu có tốt hơn khi để dành loại thuốc này cấp thiết này cho những bệnh nhân cần đến chúng hơn hay không. "Sự cân nhắc này giống sự cân nhắc ưu tiên điều trị trong quân đội", ông giãi bày.
Một tình thế không kém phần trớ trêu mà đội ngũ y bác sĩ Mỹ phải đối mặt là sự phân bổ nguồn nhân lực y bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân COVID-19. Các bác sĩ được huy động vào việc điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân COVID-19 có thể không còn thời gian trống để thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh khác như tiểu đường hoặc tim mạch. Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra tình trạng nguy kịch tại nhà.
Trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh Ebola hồi năm 2014 ở Tây Phi, các chuyên gia dịch tễ học đã ghi nhận sự tăng đột biến về số người thiệt mạng vì những bệnh có thể chữa trị được. Lý do là dịch bệnh Ebola đã "nuốt chửng" toàn bộ hệ thống chăm sóc y tế, khiến những bệnh nhân mắc các bệnh khác không được chăm sóc tại bệnh viện, mà phải tự chống chọi với bệnh tật tại nhà.
Bác sĩ Hudspeth nhận định: "Tôi tin rằng chúng tôi sẽ phải chứng kiến tình trạng tương tự xảy ra ở Mỹ và trên phạm vi toàn cầu trong tình hình COVID-19 thế này".
Giải pháp tình thế
Hiện tại, Mỹ không có bất kỳ tiêu chí quốc gia nào về phân bổ giường nằm cho bệnh nhân cần máy thở cũng như phân bổ máy thở trong tình trạng khẩn cấp như đại dịch hiện nay. Vì vậy, các bác sĩ và quan chức quản lý các bệnh viện ở Mỹ lâu nay phần lớn phải dựa vào những hướng dẫn dành cho các nhóm chuyên khoa để đưa ra quyết định về cách thức phân bổ nguồn tài nguyên khan hiếm khi chữa trị các bệnh về hô hấp.
Ví dụ, hướng dẫn của trường các bác sĩ điều trị các bệnh ở ngực ở Mỹ dựa vào cái được gọi là "tiêu chí loại trừ", theo đó khuyến cáo việc xem xét áp dụng chăm sóc và điều trị tích cực cho những người bị bệnh phổi hoặc bệnh tim cấp độ trung bình đến nghiêm trọng, những người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, như cô Kraemer nói ở trên, những người già và những người bị suy giảm nhận thức nghiêm trọng. Theo bác sĩ White, những chính sách như vậy mang tính phân biệt đối xử nhìn cả từ góc độ y đức và góc độ pháp lý.
Vì vậy, vào năm 2009, bác sĩ White và đồng nghiệp đã đưa ra khuôn khổ khác, dựa trên "điểm số ưu tiên" cho tất cả bệnh nhân, tức dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, gồm tình trạng sức khỏe hiện tại và khả năng sống sót khi được chữa trị. Tuy nhiên, khuôn khổ này vẫn bộc lộ tình trạng thiếu thốn trang thiết bị y tế tệ hại như thế nào.
Vì nếu ai cũng được liệt vào danh sách điểm số ưu tiên thì khuôn khổ này sẽ tính cả những bệnh nhân mà sẽ được điều trị trong những điều kiện bình thường, song khi khan hiếm thiết bị thì lại bị khước từ. Mặc dù chỉ tồn tại trên lý thuyết trong vòng 10 năm qua song khi đại dịch COVID-19 ập vào Mỹ thì khuôn khổ này lại nhận được nhiều quan tâm.
Để đáp ứng tình hình mới, bác sĩ White đã thay đổi khuôn khổ này, theo đó dựa vào "nguyên tắc vòng đời", tức tính toán xem một người đã sống được bao năm trong vòng đời tổng thể của họ và họ có thể sống thêm được bao lâu nữa.
"Nguyên tắc vòng đời" này cho rằng nếu tất cả các yếu tố khác cũng như chỉ số ưu tiên của bệnh nhân là như nhau và chỉ có duy nhất một máy thở có sẵn, thì bác sĩ có thể ưu tiên bệnh nhân trẻ tuổi hơn, người đã có ít cơ hội hơn để sống trong vòng đời của họ, so với bệnh nhân nhiều tuổi hơn, người có thể đã được sống nhiều năm hơn trong vòng đời của họ.
Ngoài ra, nguyên tắc này cũng tính đến "giá trị cống hiến", tức ưu tiên những người, nếu họ sống sót, có thể đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu nâng cao sức khỏe cộng đồng. Ví dụ nhân viên y tế là những người có thể còn cống hiến sức lực của họ cho y tế cộng đồng nếu sống sót.