CSIS: Trung Quốc âm mưu biến Biển Đông thành 'vùng chết' về liên lạc và lưu thông
Việc lắp đặt hệ thống ăng-ten dày đặc xuất hiện trên Biển Đông là bằng chứng cho thấy âm mưu của Trung Quốc hòng độc chiếm một trong những tuyến đường thủy chiến lược quan trọng nhất thế giới.
Những cột ang-ten bằng kim loại nằm san sát nhau, cùng với các chảo vệ tinh lớn trên Biển Đông đã không còn là hình ảnh hiếm thấy nữa. Những thiết bị này tưởng chừng vô hại nhưng trên thực tế chúng lại phục vụ cho toan tính của Bắc Kinh. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cảnh báo rằng, Trung Quốc đang thực hiện các bước quan trọng nhằm cải thiện khả năng tác chiến điện tử, thông tin liên lạc và thu thập thông tin tình báo ở Biển Đông”, với tham vọng biến tuyến đường thủy có nhiều tranh chấp này thành một “vùng chết” về thông tin liên lạc và lưu thông.
Nói cách khác, Bắc Kinh đang khơi mào cuộc cạnh tranh giành ưu thế về quang điện tử trong khu vực. Trong một báo cáo gần đây, Viện Brookings nhận định “chiến tranh trong tương lai không chỉ có những vụ nổ, mà còn là làm tê liệt những hệ thống giúp quân đội vận hành. Chúng ta có thể thấy những dấu hiệu chẳng hạn như xe tăng không thể khởi động được hay tên lửa chuyển hướng mục tiêu giữa không trung”.
Và chiến đấu cơ của Mỹ có thể đã trở thành nạn nhân của những thiết bị tối tân của Trung Quốc. Vào năm 2020, Trung Quốc cho biết, một máy bay chiến đấu của Mỹ đã “mất kiểm soát” khi bay qua Biển Đông. “Tất cả các thiết bị trong cabin đều chao đảo. Máy bay chiến đấu hoàn toàn mất kiểm soát và không thể liên lạc với thế giới bên ngoài, nhưng họ không biết chuyện gì đã xảy ra”.
Trước đó vào năm 2018, một sự cố tương tự cũng xảy ra. Phi đội điều khiển Máy bay EA-18G Growler trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ báo cáo các thiết bị của họ bị nhiễu. Tuy nhiên, phi công cho biết, họ không gặp bất cứ nguy hiểm nào.
Vũ trang cho cuộc chiến tranh điện tử
Theo CSIS, Trung Quốc dường như đang quyết tâm xây dựng khả năng vũ trang cho cuộc chiến điện tử ở Biển Đông. Cuộc chiến này rất nguy hiểm nhưng không mang tính chất vật lý. Trong cuộc chiến, một quốc gia sẽ tìm cách tấn công khả năng điều hướng và liên lạc của một quốc gia khác trong cái gọi là “vùng xám” mà họ tự đặt ra.
CSIS cho biết, Trung Quốc đã lắp đặt phương tiện liên lạc và thu thập thông tin tình báo rộng rãi tại các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép tại Đá Subi và Đá Chữ Thập [thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – ND]. Ngoài ra, còn có một mạng lưới các tháp cảm biến giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa [thuộc chủ quyền của Việt Nam-ND].
Chúng nhằm mục đích phát hiện, giám sát và can thiệp bất cứ hoạt động điện tử nào trong khu vực. Điều đó có nghĩa là những thiết bị quan trọng của các bên khác khó có thể hoạt động như mong đợi. Máy bay không người lái có thể bị tấn công mạng. Tín hiệu điều hướng có thể sai lệch và mạng lưới liên kết dữ liệu có thể bị tấn công, còn thông tin liên lạc có thể bị chặn hoặc gây nhiễu.
Khi bị tác động, máy bay chiến đấu khó có khả năng tìm thấy mục tiêu cho dù đó là tàu chở dầu hay tàu của đối phương. Các hệ thống ăng ten và vệ tinh nói trên có thể phá vỡ mạng lưới chia sẻ dữ liệu được xây dựng để giúp những vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu tàng hình F-35 hoạt động hiệu quả hơn.
Báo cáo của Viện Brookings cảnh báo: “Hệ thống quân sự của Mỹ rất dễ bị tổn thương. Chúng ta cần phải đối phó với thực tế này bằng cách ngừng mua vũ khí và những hệ thống hỗ trợ thiếu an toàn, đồng thời lưu tâm mối đe dọa của các cuộc tấn công mạng khi lập kế hoạch quân sự”.
Theo báo cáo, những thiết bị công nghệ cao không chỉ bị vô hiệu hóa mà chức năng của nó có thể bị phá vỡ.
“Các căn cứ quân sự không bị phá hủy mà chúng sẽ mất điện, mất dữ liệu và thông tin liên lạc. Xe tự lái đột nhiên trở thành “xe điên”, tự lăn bánh trên đường hay lao vào các binh sỹ của quân mình, hoặc bị hỏng hóc và cần sửa chữa”. Báo cáo nhấn mạnh, một cuộc tấn công phủ đầu nhằm gây nhiễu hệ thống điện tử, mạng lưới liên lạc sẽ làm vô hiệu hóa khả năng chiến đấu của một quốc gia.
Xây dựng pháo đài “vùng xám”
Theo CSIS, nhiều khu vực mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa [thuộc chủ quyền của Việt Nam - ND] đã xuất hiện hệ thống ăng ten và vệ tinh lớn. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục mở rộng cơ sở ăng ten do thám ở thị trấn Mộc Miên trên đảo Hải Nam, nhiều khả năng nhằm nâng cao năng lực theo dõi các lực lượng quân sự nước ngoài hoạt động trong khu vực Biển Đông và trên không gian, nhóm chuyên gia CSIS nhận định.
Cơ sở Mộc Miên được xây dựng từ năm 2018. Nhưng hình ảnh vệ tinh cho thấy, nó đang trải qua quá trình nâng cấp và mở rộng nhanh chóng thời gian gần đây. Trong đó, có việc lắp đặt một hệ thống mới gồm 4 chảo ăng ten để theo dõi và liên lạc với vệ tinh. Khu vực có tháp ăng-ten để tiếp nhận và truyền tải thông tin cũng được mở rộng gấp đôi.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là việc xây dựng các trụ sở và doanh trại mới. Có khoảng 90 chiếc xe nằm rải rác khắp cơ sở này, nhiều chiếc trong số này được tích hợp hệ thống ăng-ten. “Hầu hết việc mở rộng cơ sở Mộc Miên đã được hoàn thành trong hơn 1 năm qua. Hoạt động này là một phần trong nỗ lực của quân đội Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công”, báo cáo của CSIS cho biết./.