Cú hích cho xuất khẩu nông sản
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã bằng cả năm ngoái, mang về 5,6 tỷ USD, tăng hơn 33% so với cùng kỳ. Không chỉ rau quả, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đều được dự báo xuất khẩu tốt từ nay đến cuối năm khi các thị trường đều rất thuận lợi.
Một điểm nhấn trong xuất khẩu nông sản Việt Nam từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tính đến đầu tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 40 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. 8 tháng qua, nếu như xuất gạo đạt 3,75 tỷ USD, thì mặt hàng rau quả cán mốc 4,63 tỷ USD. Đây là nhóm hàng dự báo có nhiều bứt phá về kim ngạch xuất khẩu
Theo các chuyên gia, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét trên tổng lượng nhập khẩu các mặt hàng này của Trung Quốc mỗi năm khoảng 260 tỷ USD, thì Việt Nam mới chiếm thị phần chưa đến 5%. Nhưng, cục diện thị trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, khi mới đây Bộ NNPTNT Việt Nam cùng cơ quan chức năng phía Trung Quốc đã ký kết 3 nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi... tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản vào thị trường này.
Với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu USD ngay trong năm 2024, sẽ đem về kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đồng thời dự báo xuất khẩu dừa tươi sẽ tăng trưởng mạnh vào các năm tiếp theo.
Không chỉ đạt được những bước tiến lớn đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận cho chanh dây Việt Nam nhập khẩu vào nước này, thị trường vốn chiếm hơn 20% tổng kim ngạch nông sản xuất khẩu nước ta.
Các chuyên gia đánh giá, càng về những tháng cuối năm, các sản phẩm nông nghiệp có nhiều cơ hội lớn để bước vào chu kỳ tăng tốc xuất khẩu, sớm đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm.
“Từ các số liệu thống kê, báo cáo ngành chức năng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng đều tăng so với năm 2023 từ 25 - 30%. Với đà tăng trưởng này tôi chắc chắn kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ cán mốc 7 tỷ USD” - ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh.
Bức tranh xuất khẩu khởi sắc, song theo các chuyên gia chúng ta chỉ có thể giữ vững thị trường nếu chất lượng hàng hóa cạnh tranh. Theo ông Hoàng Trọng Thủy – chuyên gia ngành nông nghiệp, để tiếp cận và giữ vững những thị trường khó tính, hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng quy chuẩn về nguồn gốc, chất lượng. Do đó nhà sản xuất, DN xuất khẩu phải nỗ lực đầu tư đổi mới các quy trình sản xuất nhằm tăng chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Nhìn lại kết quả tăng trưởng mà ngành nông nghiệp có được trong 8 tháng năm 2024, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, có được thành quả trên là minh chứng chúng ta đã tái cơ cấu ngành nông nghiệp đúng hướng. Ngoài ra, chính những khó khăn phức tạp của tình hình thế giới lại là thời cơ cho Việt Nam nắm bắt được, vận hành được và đi sâu vào các thị trường như Mỹ; Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu (EU), Philippines, Hàn Quốc…
Để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu nông sản thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyến nghị, các DN cần nâng cao năng lực chế biến sâu, tập trung xây dựng thương hiệu để nông sản Việt thực sự có giá trị trên thị trường quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu những sản phẩm nông sản có lợi thế; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiến lược đã đề ra.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cu-hich-cho-xuat-khau-nong-san-10291158.html