Cứ liệu thực tế - cơ sở nâng cao hiệu quả chất vấn, giải trình

Để tổ chức tốt hoạt động chất vấn, giải trình, Thường trực HĐND thành phố Hà Giang cho rằng, trước khi tiến hành chất vấn, giải trình, Thường trực HĐND hoặc giao cho 2 Ban HĐND tổ chức khảo sát, nắm tình hình vấn đề cần chất vấn, giải trình; thu thập thông tin, số liệu liên quan (có thể ghi âm, ghi hình, chụp ảnh…). Những cứ liệu từ thực tế khảo sát, thu thập thông tin là cơ sở quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình và giúp chủ tọa điều hành, kết luận chuẩn xác nội dung.

Tập trung vào các vấn đề xã hội, cử tri quan tâm

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND thành phố Hà Giang đã thực hiện hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực. Trong đó, tập trung vào các vấn đề xã hội, cử tri quan tâm, được phát hiện qua hoạt động TXCT, giám sát, khảo sát, chủ yếu tập trung một số vấn đề liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các chương trình, dự án; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư; công tác quản lý, chỉnh trang đô thị; việc chặt hạ, trồng mới cây xanh đô thị; công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải...

Để tổ chức chất vấn, giải trình đạt hiệu quả thiết thực, việc chuẩn bị nội dung, xác định đối tượng… hết sức quan trọng. Trên cơ sở kết quả giám sát, khảo sát của Thường trực, 2 Ban HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố, qua Hội nghị TXCT và qua các kênh thông tin khác… Thường trực HĐND thành phố xem xét, lựa chọn các vấn đề phức tạp được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm, các vấn đề có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến quyền lợi chính đáng của Nhân dân cần yêu cầu các Ủy viên UBND thành phố, các đơn vị liên quan trả lời, giải trình, làm rõ.

Khi đã lựa chọn được nội dung cần chất vấn, giải trình, tùy từng lĩnh vực, Thường trực HĐND thành phố giao các Ban HĐND nghiên cứu, thu thập thông tin, tổ chức khảo sát… Trên cơ sở đó, đề xuất các nội dung chất vấn, giải trình cụ thể; lựa chọn các tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung cần xem xét trả lời chất vấn và giải trình. Sau khi nhận được báo cáo của các cơ quan, đơn vị trả lời chất vấn, giải trình, Thường trực giao cho các Ban của HĐND phối hợp với Văn phòng HĐND và UBND thành phố nghiên cứu, xem xét và nêu các vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất cần tiếp tục trao đổi, hoặc tiếp tục làm rõ tại phiên họp. Các vấn đề cần tiếp tục trao đổi tại phiên họp được gửi đến các thành viên Thường trực, 2 Ban HĐND thành phố để nghiên cứu, tham khảo. Trên cơ sở đó, chủ động trao đổi, đề nghị Ủy viên UBND thành phố, lãnh đạo các đơn vị phải xem xét trả lời chất vấn hoặc giải trình tại phiên họp.

Thông qua chất vấn, giải trình, Thường trực HĐND thành phố Hà Giang đã kiến nghị các giải pháp, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị trả lời. Sau phiên họp, Thường trực HĐND thành phố xem xét, thống nhất ban hành kết luận để chỉ đạo tổ chức thực hiện (nếu cần thiết).

Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: B. Cường

Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: B. Cường

Rõ chế tài khi không thực hiện kiến nghị

Từ thực tế, để tổ chức tốt hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND, Thường trực HĐND thành phố Hà Giang cho rằng, trước khi tiến hành chất vấn, giải trình, Thường trực HĐND hoặc giao cho hai Ban HĐND tổ chức khảo sát, nắm tình hình vấn đề cần chất vấn, giải trình; thu thập thông tin, số liệu để phục vụ chất vấn, giải trình (có thể ghi âm, ghi hình, chụp ảnh…). Chính những bằng chứng từ thực tế khảo sát, thu thập thông tin giúp rõ hơn vấn đề, giúp chủ tọa điều hành, kết luận chuẩn xác nội dung. Phần điều hành yêu cầu người chủ trì phải linh hoạt, đeo bám vấn đề; vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành nào thì yêu cầu ngành đó giải trình, làm rõ nguyên nhân hạn chế, tồn tại; đồng thời xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân, cam kết thời gian thực hiện và hoàn thành. Ban hành thông báo kết luận, trong đó cần nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, rõ việc cần làm trong thời gian tới, xác định rõ thời gian hoàn thành…

Quá trình tổ chức các hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 chưa quy định về chế tài xử lý đối với việc không thực hiện các kiến nghị của Thường trực HĐND. Theo quy định của phát luật "Cơ quan, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện kết luận của Thường trực HĐND; trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì Thường trực HĐND báo cáo HĐND xem xét, quyết định". Như vậy, đối với các cơ quan không thực hiện các kiến nghị hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị của cử tri thì thẩm quyền xem xét cuối cùng thuộc về HĐND, tuy nhiên HĐND xem xét thế nào thì chưa có quy định cụ thể. Đó là hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương.

Từ thực tế trên, Thường trực HĐND thành phố Hà Giang cho rằng, cần quy định rõ chế tài đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện các kiến nghị sau giám sát nói chung của HĐND, Thường trực, các ban, đại biểu HĐND và hoạt động giám sát thông qua phiên giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND nói riêng.

KHÁNH PHƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/cu-lieu-thuc-te---co-so-nang-cao-hieu-qua-chat-van-giai-trinh-i323492/