Cú phản đòn của rắn hổ mang khiến vợ chồng già chung xe nhập viện

Cú phản đòn của rắn hổ mang khiến vợ chồng già chung xe nhập viện Hơn 20 năm làm nghề nuôi rắn hổ mang, chứng kiến tai nạn cũng đã nhiều nhưng ông Nguyễn Xuân Hồi chưa từng nghĩ có ngày vợ chồng ông cùng chung một chuyến xe nhập viện vì tai nạn rắn cắn.

Trang trại của ông Nguyễn Xuân Hồi (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đang nuôi gần nghìn con rắn hổ mang vào độ sinh sản. Hàng ngày hai vợ chồng ông phải ra vào chuồng rắn liên tục để chăm sóc, vệ sinh. Vào mùa rắn sinh sản người chăn nuôi phải quan tâm và chăm chút nhiều hơn lại chính là thời điểm rắn hổ mang hung hãn và nguy hiểm nhất. Vì thế, các vụ tai nạn rắn cắn cũng tăng lên vào những dịp này.

Chăm sóc rắn hổ mang rất cầu kỳ, nguy hiểm, nhất là vào mùa sinh nở

Chăm sóc rắn hổ mang rất cầu kỳ, nguy hiểm, nhất là vào mùa sinh nở

Ông Hồi cho biết, vào mùa sinh sản cùng với thời tiết nắng nóng, rắn đói và rất hung dữ, vì thế cần phải cho rắn ăn uống và vệ sinh chuồng trại nhiều hơn so với các mùa khác. Việc tiếp xúc với rắn liên tục đã khiến nhiều người xảy ra sơ sẩy và đó cũng là lý do hơn một tháng qua vợ chồng ông đã phải cấp cứu đến 2 lần vì bị rắn phản chủ.

Ông Nguyễn Xuân Hồi kể lại, cách đây 1 tháng, trong quá trình vệ sinh chuồng rắn, ông bị rắn cắn vào bụng. Vết thương ở bụng cực kỳ nguy hiểm vì rất khó để buộc ga đô ngăn nọc độc lan tỏa. Rất may cho ông, bài thuốc gia truyền và kinh nghiệm sơ cứu nhiều năm của người nuôi rắn đã giúp ông sơ cứu kịp thời để chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai cáp cứu.

Vết rắn cắn ở bụng của ông Hồi sau nhiều ngày vẫn còn đau dai dẳng

Vết rắn cắn ở bụng của ông Hồi sau nhiều ngày vẫn còn đau dai dẳng

"Lúc trên xe di chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai chân tay tôi dường như đã mất cảm giác, mặt mày tối sầm choáng váng, tôi sợ rằng mình sẽ không qua khỏi, may tôi “cao số” nên thoát chết", ông Hồi nhớ lại.

Mặc dù vậy sau hơn tháng trôi qua vết cắn đó đã khiến ông Hồi bị hoại tử ở bụng và đau nhức trong suốt thời gian dài, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Từ khi ông Hồi bị thương do rắn cắn, mọi công việc chăm sóc trang trại đều do vợ của ông là bà Phùng Thị Thu quán xuyến. “Nhiều lúc thấy bà cặm cụi một mình chăm sóc gần nghìn con rắn từ ăn, uống đến vệ sinh chuồng trại, mồ hôi nhễ nhại thấy thương và lo cho bà, muốn giúp đỡ mà không được vì vết thương cũ chưa khỏi hẳn”, ông Hồi buồn rầu tâm sự.

Nhưng rồi “năm xung tháng hạn”, tai họa lại ập đến gia đình ông Hồi và lần này đến lượt bà Thu là người bị rắn phản chủ với cú cắn vào tay. Oái oăm thay, trong lúc ông Hồi vừa kịp sơ cứu cho vợ để chuyển bà lên xe đi bệnh viện thì lúc bắt rắn hổ mang sổng chuồng ông lại trở thành nạn nhân tiếp theo khi nhận ngay cú cắn vào tay.

Vậy là chẳng hẹn mà xui xẻo, cả ông và bà cùng chung chuyến xe chuyển từ Vĩnh Phúc xuống Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu với chẩn đoán rất nặng khả năng xấu có thể phải cắt bỏ tay nếu bị hoại tử.

Bà Thu cho biết, khi vào bệnh viện bà gặp mấy người quen cùng xã cũng trong hoàn cảnh giống mình đang được các bác sĩ chữa trị. Nhưng cái đen của vợ chồng bà thì ai cũng lắc đầu ngao ngán.

“Mùa sinh sản rắn hung dữ lắm nên nhiều người bị rắn cắn chỉ là mức độ nặng hay nhẹ. Một người trong xã vừa còn phải cắt đứt ngón tay để bảo toàn tính mạng”, bà Thu chia sẻ thêm.

“Nằm ở viện mãi chẳng hết ngày, chúng tôi cứ tếu táo những câu chuyện vui để quên đi vết đau và động viên nhau cố gắng để nhanh được về nhà”, ông Hồi kể.

“Nằm ở viện mãi chẳng hết ngày, chúng tôi cứ tếu táo những câu chuyện vui để quên đi vết đau và động viên nhau cố gắng để nhanh được về nhà”, ông Hồi kể.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng phải 2 lần nhập viện cấp cứu rắn cắn với vết thương ở tay lần này nặng hơn kèm với lần trước đó phải sử dụng khá nhiều thuốc kháng sinh nên cơ thể ông Hồi yếu hẳn, ảnh hưởng đến việc điều trị.

“Tai nạn rắn cắn là điều chúng tôi đã gặp và chứng kiến nhiều nhưng vợ chồng tôi chưa lần nào dám nghĩ có lúc cả 2 cùng vào viện. Do vết thương nặng nên thời gian nằm viện lâu, có những đêm đau nhức, tê buốt không ngủ nổi tôi lại thấy sợ nghề này”, ông Hồi tâm sự.

Với người dân nuôi “tử thần” xã Vĩnh Sơn, việc bị rắn độc cắn bị thương hay thậm chí tử vong là chuyện không còn mấy xa lạ nhưng với ông Hồi, bà Thu đây có lẽ là tai nạn khiến nỗi sợ hãi còn kéo dài về sau.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/cu-phan-don-cua-ran-ho-mang-khien-vo-chong-gia-chung-xe-nhap-vien-d171646.html