Cú sốc mạnh

'Kịch bản tồi tệ' về xáo trộn kinh tế - xã hội ở Trung Đông, châu Phi đã được giới chuyên gia cảnh báo, nếu khu vực này không kiểm soát được dịch Covid-19. Với nhiều quốc gia nằm trong nhóm dễ tổn thương nhất, Trung Đông, châu Phi đang chịu 'cú sốc' mạnh, với kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và an ninh lương thực bị đe dọa.

“Kịch bản tồi tệ” về xáo trộn kinh tế - xã hội ở Trung Đông, châu Phi đã được giới chuyên gia cảnh báo, nếu khu vực này không kiểm soát được dịch Covid-19. Với nhiều quốc gia nằm trong nhóm dễ tổn thương nhất, Trung Đông, châu Phi đang chịu “cú sốc” mạnh, với kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và an ninh lương thực bị đe dọa.

Nỗi lo về sức chịu đựng của Trung Đông, châu Phi tăng lên kể từ khi đại dịch Covid-19 “gõ cửa” khu vực này. Phần lớn các nước nghèo gặp khó trong kiểm soát dịch, do nguồn lực tài chính hạn hẹp và cơ sở hạ tầng, y tế yếu kém. Cuộc sống của hàng triệu người dân tại các khu vực xung đột đang trong cảnh cùng cực, lại bị đe dọa nghiêm trọng do dịch bệnh. Nhiều người lâm vào cảnh thiếu lương thực, điện, nước và chăm sóc y tế, cận kề bờ vực thảm họa nhân đạo. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã báo động về diễn biến nhanh chóng của đại dịch ở châu Phi, khi chỉ trong một tuần, châu lục này ghi nhận tốc độ tăng 51% số ca nhiễm mới và tăng 60% số trường hợp tử vong. Tại các bộ phận chăm sóc đặc biệt của bệnh viện tại 43 quốc gia châu Phi, có chưa đầy 5.000 giường bệnh. Nếu không nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, châu Phi có thể bị tụt lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch.

Nền kinh tế Trung Đông đang chịu tác động nghiêm trọng, với nợ công lên cao đi kèm tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo các nước trong khu vực cận kề nguy cơ suy thoái kinh tế, khi nguồn thu sụt giảm hàng trăm tỷ USD do giá dầu lao dốc kỷ lục và dịch bệnh hoành hành. Kinh tế khu vực được dự báo sẽ suy giảm khoảng 3,3% trong năm nay, mức giảm lớn nhất trong bốn thập niên qua. Các nước A-rập vốn phụ thuộc xuất khẩu dầu mỏ đã mất khoảng 323 tỷ USD, tương ứng 12% quy mô nền kinh tế. Dự báo, trong năm nay, nợ công của các nước A-rập tăng 15%, lên 1.460 tỷ USD. Thâm hụt ngân sách sẽ lên mức từ 2,8% đến 10% GDP.

Tác động tiêu cực tới kinh tế châu Phi còn được dự báo sẽ “tích tụ” trong những năm tới. GDP của khu vực phía nam sa mạc Xa-ha-ra trên đà sụt giảm mức kỷ lục, khoảng 1,6%. Nếu tình trạng suy thoái toàn cầu nghiêm trọng hơn, có khả năng tăng trưởng kinh tế của châu Phi còn giảm thêm 2,5% trong năm nay. Riêng GDP của các nước sản xuất dầu mỏ tại châu lục có thể giảm khoảng 2,8%. Với các quốc gia phụ thuộc ngành du lịch, GDP được dự báo giảm 5,1%. Các hãng hàng không Trung Đông đã thiệt hại 19 tỷ USD doanh thu năm nay, con số này của các hãng châu Phi là bốn tỷ USD.

Dựa trên diễn biến dịch tại châu Phi, giới chuyên gia y tế đưa ra kịch bản tồi tệ nhất, khi không có sự can thiệp tích cực và kịp thời để chặn đà lây lan của dịch, châu Phi có thể ghi nhận tới 3,3 triệu người chết do Covid-19 và 1,2 tỷ người nhiễm bệnh. Trong kịch bản tích cực nhất, tức là các biện pháp giãn cách xã hội được thực thi nghiêm ngặt, thì châu Phi vẫn có hơn 122 triệu ca nhiễm, 300 nghìn người tử vong. Và, dù trong bất cứ kịch bản nào, hệ thống y tế vốn mong manh và thiếu đầu tư ở châu Phi cũng đều “quá tải”.

Các nguy cơ về dịch bệnh tàn phá nặng nề, tạo ra biến động kinh tế - xã hội ở Trung Đông, châu Phi đã được các chuyên gia đề cập. Với nỗ lực giúp các nước vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) kêu gọi hoãn thu hồi nợ trong năm 2020 đối với các quốc gia nghèo nhất thế giới, phần lớn ở châu Phi. Các “chủ nợ”, cả song phương và đa phương, đã đồng ý giãn nợ với tổng số tiền 20 tỷ USD cho 76 quốc gia, trong đó có 40 nước tại vùng sa mạc miền nam châu Phi.

Cùng sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, các quốc gia Trung Đông, châu Phi cũng thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khu vực, nhằm vượt qua các “cú sốc” mạnh hiện nay.

BẢO ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44140802-cu-soc-manh.html