Cụ thể cơ chế Dân thụ hưởng tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ cơ sở

Kết luận phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc thực hành dân chủ ở cơ sở là một chủ trương lớn, có tính chính trị xã hội và nhân văn hết sức sâu sắc, là chủ trương được Đảng, Nhà nước ta đã triển khai hiệu quả trong suốt nhiều năm qua. Vì vậy, UBTVQH tán thành với sự cần thiết ban hành luật.

Việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm cụ thể hóa các văn kiện của Đảng, các chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ chính trị, Ban Bí thư; việc xây dựng Luật cũng phù hợp với định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, nguyên tắc và mục đích yêu cầu chung của việc hoàn thiện dự thảo luật là phải thể chế hóa đầy đủ đường lối, nghị quyết của Đảng, kế thừa các quy định pháp luật hiện hành và có bước phát triển; khắc phục các hạn chế yếu kém hiện nay, đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, vừa đảm bảo mở rộng phát huy quyền dân chủ của nhân dân vừa gắn với tăng cường kỷ luật kỷ cương xã hội, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Đi vào cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc đổi tên gọi của dự thảo luật là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”; thống nhất bổ sung thiết kế để làm rõ 3 loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở là: xã, phường, thị trấn; cơ quan đơn vị và doanh nghiệp, đồng thời nhất trí việc xác định phạm vi “cơ sở” thực hiện dân chủ, bao gồm cả thôn, tổ dân phố.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: Đối với việc thực hiện dân chủ trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội thì như ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch qh đề nghị làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn có hay không loại trừ và mức độ loại trừ đến đâu nếu có việc thực hiện dân chủ cơ sở ở những cơ quan, đơn vị có tính chất đặc thù… trên cơ sở đó để có những quy định riêng theo điều lệ của họ hoặc giao trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, căn cứ vào các nguyên tắc chung của Luật này quy định về việc thực hiện dân chủ cho phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù tại từng cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.”

Về việc thực hiện dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế, dự thảo Luật nên thiết kế chương, mục riêng, bao gồm tất cả các loại hình doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong đó có quy định chung, có thể dẫn chiếu sang các luật khác khi có vấn đề liên quan. Riêng đối với các doanh nghiệp nhà nước thì cần có quy định cụ thể hơn. Về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ thêm một số nội dung.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Cần phân biệt bổ sung, làm rõ các hình thức, nội dung về kiểm tra, giám sát, hiệu lực của kiến nghị sau kiểm tra, giám sát; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở trong dự thảo Luật. Làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ chế bảo đảm để tổ chức chính trị xã hội này thực hiện vai trò nòng cốt bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở như chủ trương Đại hội Đảng đã xác định. Đại hội 13 có nói thêm Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ thì luật này phải thể hiện rõ tư tưởng này có cái mới.”

Bên cạnh đó đề nghị Ban soạn thảo bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị trong việc chậm trễ không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đối với chế định thanh tra nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bổ sung chế định này trong dự thảo luật, tuy nhiên cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật về Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra để xem xét kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục kịp thời những bất cập hạn chế. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan có liên quan đã phối hợp chuẩn bị hồ sơ một cách khẩn trương, công phu, nghiêm túc, cơ bản đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này.

Thực hiện : Dương Dung Bích Hạnh Cao Hoàng Anh Đức

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cu-the-co-che-dan-thu-huong-tai-moi-loai-hinh-thuc-hien-dan-chu-co-so