Cụ thể hóa mục tiêu giảm quá tải bệnh viện

Mặc dù ngành y tế đã có nhiều cố gắng nhưng tình trạng quá tải bệnh viện dường như chưa giảm nhiều. Tại các bệnh viện, nhất là tuyến trung ương người bệnh điều trị nội trú vẫn phải nằm ghép đôi, thậm chí ba đến bốn người trên một giường bệnh. Ðiều đó đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể với những mục tiêu và việc làm cụ thể.

Theo thống kê, công suất sử dụng giường bệnh ở một số bệnh viện tuyến trung ương rất cao, như: K (249%), Bạch Mai (168%), Chợ Rẫy (154%), Phụ sản T.Ư (124%), Nhi T.Ư (120%); một số bệnh viện thuộc Hà Nội: Phụ sản (230%), Ung bướu (158,8%), Xanh Pôn (145,8%); bệnh viện thuộc TP Hồ Chí Minh: Ung bướu (247%), Từ Dũ (126%), Chấn thương Chỉnh hình (129%), Nhi Ðồng 1 (123%)... Qua nghiên cứu thực trạng quá tải bệnh viện do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện cho thấy, quá tải bệnh viện là hậu quả của năm nhóm nguyên nhân chính: Ðầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu và tốc độ phát triển dân số; Năng lực về công tác khám, chữa bệnh của tuyến dưới về chuyên môn và cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế; Cơ chế tài chính và tác động không mong muốn của một số chính sách; Tăng gánh nặng bệnh tật và nhu cầu khám chữa bệnh; Tâm lý lựa chọn dịch vụ khám, chữa bệnh ở tuyến trên của người dân.

Thấy rõ được những ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng quá tải bệnh viện tới người bệnh, gia đình người bệnh, cán bộ nhân viên y tế, cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, những năm qua ngành y tế đã chú trọng tập trung chỉ đạo hạn chế tình trạng quá tải. Từ việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển dài hạn (quy hoạch, xây dựng mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh các tuyến) đến thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Các bệnh viện thực hiện giảm diện tích khu hành chính, tăng diện tích khu điều trị để kê thêm giường bệnh; mở rộng loại hình điều trị ngoại trú và triển khai một số mô hình dịch vụ mới trong khám, chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh, tăng số phòng khám, tăng ca, tăng giờ làm việc.

Hiện nay các bệnh viện tăng giờ khám bệnh từ 6 giờ thay vì 7 giờ 30 phút và khám thông tầm tới 19 giờ hoặc khám đến khi hết người bệnh; khám bệnh cả những ngày nghỉ, thứ bảy, chủ nhật, như Bệnh viện Bạch Mai, Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Chợ Rẫy... Nhiều nơi giải quyết cho người bệnh ra viện trong cả những ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) thay vì trước đây chỉ cho ra viện vào giờ hành chính; mở dịch vụ tư vấn và đặt lịch hẹn khám bệnh, tái khám qua điện thoại; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý bệnh nhân khám bệnh ngoại trú; thiết lập hệ thống tự động hẹn trả kết quả xét nghiệm cụ thể theo từng mốc thời gian trong ngày. Một giải pháp quan trọng được cho là khá bền vững đang được triển khai là xây dựng và phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh có đủ điều kiện trang thiết bị, kỹ thuật và chuyên môn để chuyển người bệnh từ các cơ sở có quá tải cao tới để tiếp tục theo dõi, điều trị; hợp tác chuyên môn với các cơ sở điều trị có điều kiện về giường bệnh, buồng bệnh để chuyển những trường hợp có bệnh lý phù hợp, sau khi đã ổn định nhưng cần theo dõi thêm tại bệnh viện; hoặc hợp tác về cận lâm sàng; Chọn lọc người bệnh đưa vào điều trị nội trú, mở rộng các hình thức điều trị ngoại trú; phát triển mô hình chăm sóc tại nhà...

Nhằm giải quyết triệt để hơn tình trạng quá tải bệnh viện, mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 92/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020. Ðề án nêu rõ bốn mục tiêu cụ thể. Ðó là giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao (hơn 120%) thuộc tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh xuống dưới 100%, cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015; phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện. Nâng công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hiện có công suất sử dụng giường bệnh thấp đạt 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao; bảo đảm mỗi bác sĩ khám bệnh không quá 50 người bệnh/một ngày làm việc vào năm 2015 và 35 người bệnh/một ngày làm việc vào năm 2020. Tăng số giường bệnh công lập trên phạm vi cả nước phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh.

Ðề án nêu rõ, trước mắt tập trung giải quyết giảm quá tải ở các chuyên khoa: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh thông qua các giải pháp: Ðầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Ðến năm 2015 tăng thêm ít nhất 7.150 giường bệnh tại các bệnh viện thuộc năm nhóm chuyên khoa trên ở bệnh viện tuyến trung ương và tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ðồng thời tiếp tục cải tạo, mở rộng và từng bước hiện đại hóa khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao. Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới bệnh viện của cả nước và của từng địa phương nhằm bảo đảm cơ cấu và tỷ lệ giường bệnh phù hợp giữa các tuyến kỹ thuật và các chuyên khoa vào năm 2020. Thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với các cơ sở y tế sẵn có. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã trong cả nước; đồng thời chú trọng đầu tư, nâng cấp các trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia theo quy định, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Một trong những giải pháp để đạt mục tiêu giảm tải được Bộ Y tế tích cực thực hiện đó là phê duyệt và triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020 nhằm nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên. Ðề án tập trung vào năm chuyên khoa có công suất sử dụng giường bệnh cao: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Theo đó, giai đoạn 2013 - 2015: đầu tư 45 bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân; giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục duy trì kết quả của giai đoạn 2013 - 2015, đồng thời căn cứ vào thực trạng quá tải bệnh viện, điều kiện kinh tế xã hội để mở rộng đề án.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/19859702-c%e1%bb%a5-th%e1%bb%83-h%c3%b3a-m%e1%bb%a5c-ti%c3%aau-gi%e1%ba%a3m-qu%c3%a1-t%e1%ba%a3i-b%e1%bb%87nh-vi%e1%bb%87n.html