Cử tri đề nghị tháo gỡ 'điểm nghẽn' để người có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, một số vướng mắc từng bước được tháo gỡ... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong triển khai các dự án; bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội; bố trí quỹ đất ở đô thị, khu công nghiệp còn khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Một số quy định chưa phù hợp với thực tế, chậm được sửa đổi

Qua theo dõi phiên họp của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, cử tri Thanh Hóa đồng tình, thống nhất với kết quả giám sát và phát biểu thảo luận các đại biểu.

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) khẳng định đây là một chuyên đề rất quan trọng, khó, nội dung rộng, thời điểm giám sát khá dài. Đoàn giám sát đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, báo cáo kết quả giám sát rất công phu, khoa học, thể hiện rất rõ nét kết quả thực hiện các mục tiêu của chuyên đề đề ra.

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, một số vướng mắc từng bước được tháo gỡ kể cả về pháp luật cũng như tổ chức thực hiện, lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất. Một số địa phương đã bố trí được quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội độc lập, một số địa phương bố trí nhà ở xã hội là quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại.

Tuy nhiên, theo Báo cáo của Chính phủ, sau 8 năm (2015-2023) thực hiện mới có 373/800 dự án hoàn thành với quy mô đã xây dựng được 193.920 căn hộ, nếu so với mục tiêu đến năm 2025 mới chỉ đạt 45,3% và so với mục tiêu đến năm 2030 mới chỉ đạt 18,2%… Vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong triển khai các dự án; bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội; bố trí quỹ đất ở đô thị, khu công nghiệp còn khó khăn. Một số quy định chưa phù hợp với thực tế, chậm được sửa đổi, bổ sung như thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch…

Vì thế, cử tri đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ các "điểm nghẽn" trong thực hiện các chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, quy hoạch cũng như sửa đổi chính sách để thu hút nhà đầu tư, giúp người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội thì được tiếp cận với chính sách được tốt hơn.

Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính trong đầu tư dự án nhà ở xã hội, tiếp cận vốn vay, tạo thuận lợi nhất có thể, để rút ngắn thời gian triển khai dự án đầu tư nhà ở xã hội. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính trong việc xét duyệt đối tượng đủ điều kiện tham gia mua nhà ở xã hội, để thuận tiện và chính xác đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Cử tri Nguyễn Thị Năm (công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn giày Sun Jade Việt Nam - Khu công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa) khẳng định việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề về việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023 để tiến hành giám sát tối cao là rất đúng và trúng, được đông đảo cử tri ghi nhận.

Chị Nguyễn Thị Năm cho biết: Hiện, gia đình chị có 4 người, đang phải ở nhà thuê gần khu công nghiệp. Việc áp dụng mức lãi suất vay 6,6%/năm từ ngày 1/8/2024 đã tạo thêm áp lực cho người mua nhà ở xã hội, vì với quy định mới này, người mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ bị áp lực do số tiền trả lãi vay hằng tháng tăng lên ngoài dự kiến. Ngoài ra, theo quy định mới này, người dân có thu nhập thấp như gia đình chị sẽ không còn được hưởng ưu đãi về lãi suất khi mua nhà ở xã hội như trước đây. Cử tri đề nghị Nhà nước cụ thể hóa chính sách đặc thù cho người lao động có thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp cũng như đa dạng các sản phẩm nhà ở xã hội và hình thức thuê, thuê mua, mua với giá cả hợp lý...

Tại Thanh Hóa, phát triển nhà ở xã hội được tỉnh quan tâm, số lượng căn hộ nhà ở xã hội đã hoàn thành đứng thứ 6 cả nước; số căn hộ đang triển khai đứng thứ 10 cả nước. Giai đoạn 2015 - 2023, tại tỉnh có 20 dự án xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện với diện tích xây dựng khoảng 747.503m2, cung cấp khoảng 14.310 căn hộ. Trong đó, có 4 dự án nhà ở xã hội cho công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, với 2.000 căn hộ... Năm 2024, Thanh Hóa đăng ký với Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành 696 căn nhà ở xã hội với 264 căn thuộc 2 dự án là nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hoàng Long và nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng; 432 căn hộ còn lại thuộc dự án nhà ở xã hội Tân Thành và phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc

Qua theo dõi tường thuật trực tiếp phiên họp toàn thể của Quốc hội tại hội trường, nghe Báo cáo của Đoàn giám sát về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, cử tri Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An đánh giá không khí thảo luận tại nghị trường sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm.

Hầu hết các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc, thể hiện tâm huyết của các đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Điển hình như chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Các đại biểu đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội đã thể hiện sâu sắc, toàn diện.

Ông Nguyễn Văn Hùng cũng bổ sung nhiều ý kiến liên quan đến phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội có khi chưa đúng, không đúng; có người sở hữu nhà ở xã hội không phải là người được hưởng chính sách ưu đãi này. Do đó, ông đề nghị bổ sung nội dung tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội để phát hiện, xử lý các sai phạm có liên quan. Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, quy hoạch, sửa đổi các chính sách để thu hút nhà đầu tư, giúp người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội được tiếp cận tốt hơn với chính sách.

Đối với quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, tại tỉnh Long An thời gian qua, lĩnh vực bất động sản có nhiều bước tiến quan trọng. Nhiều dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới, công trình sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ được hình thành, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thị trường bất động sản tại Long An vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, đa phần là đất nền và nhà ở thương mại giá cao, thiếu sản phẩm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Giá bất động sản còn khá cao so với thu nhập của người dân…

Việc phát triển nhà ở xã hội luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Long An đã triển khai 7 dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai có một số khó khăn như: Chưa có quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội; mức lợi nhuận bị khống chế không quá 10% nên chưa thu hút được các nhà đầu tư. Thêm vào đó, ngân sách của tỉnh còn khó khăn, chưa cân đối bố trí được nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của dự án nhà ở xã hội theo quy định…

Công khai các dự án chậm tiến độ

Phiên thảo luận được cử tri tỉnh Hải Dương quan tâm theo dõi. Các cử tri đều đồng tình và nhất trí cao nội dung của Báo cáo giám sát, cách điều hành của chủ tọa, chất lượng ý kiến giải trình rất sinh động, đi vào thực tế những vấn đề cử tri quan tâm. Nhiều ý kiến được đại biểu Quốc hội làm rõ tại phiên thảo luận. Hầu hết cử tri theo dõi thảo luận đánh giá các chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở rất cụ thể, chi tiết, được người dân quan tâm, ủng hộ.

Cử tri Phạm Duy Thưởng, khu 1, phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương nhất trí cao với nội dung buổi thảo luận. Ông cho rằng, hiện nay, pháp luật về bất động sản, nhà ở xã hội rất đầy đủ và chi tiết, tuy nhiên việc thực hiện ở một số địa phương còn gặp vướng mắc. Cử tri cũng đề nghị, cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn để thực hiện. Các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá, sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tách thửa của các hộ ở lâu năm. Ngoài ra, cần có chính sách để nhiều hộ dân tiếp cận nhà ở xã hội, vì hiện, nay giá còn rất cao so với thu nhập của đa số người dân.

Cử tri Bùi Xuân Chiêu, khu 5, phường Việt Hòa cũng cho rằng, chính sách, pháp luật bất động sản hiện nay rất cụ thể và chi tiết. Tại địa phương cần công khai chi tiết về các dự án chậm tiến độ, đền bù giải phóng mặt bằng để người dân biết và thực hiện hiệu quả.

Ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch UBND phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương đánh giá cao về nội dung, chương trình thảo luận trực tiếp phiên thảo luận của Quốc hội, đồng thời kiến nghị Quốc hội tháo gỡ khó khăn trong quản lý nhà tạm ở địa phương.

Địa phương cũng gặp khó khăn trong vấn đề giải quyết đất cấp trái thẩm quyền từ những năm trước. Do đó, cần có cơ chế cấp đất lần đầu cho các hộ sống lâu năm, thống nhất khung giá đất để người cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau không bị ảnh hưởng so với người được cấp trước, ông Hồ Xuân Bình đề xuất.

Hoa Mai - Thanh Bình - Tiến Vĩnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-de-nghi-thao-go-diem-nghen-de-nguoi-co-thu-nhap-thap-tiep-can-nha-o-xa-hoi-20241028172212530.htm