Cử tri kiến nghị xem tội tham nhũng là tội nặng nhất

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết Chính phủ đã và đang rất quyết liệt trong việc phòng, chống tham nhũng, chưa bao giờ có nhiều lãnh đạo cao cấp bị xử lý như hiện nay.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sáng 3-12, Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 (TPHCM) gồm các đại biểu: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Thành ủy viên, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM; Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Bình Thạnh đã tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3 và quận 4 sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Lâm Đình Thắng thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV như Quốc hội đã thông qua 11 luật, bộ luật; 3 nghị quyết; cho ý kiến 10 dự thảo luật và rất nhiều vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó, đại biểu Lâm Đình Thắng cũng giải đáp 20 ý kiến của cử tri 3 quận (1,3 và 4) tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp.

Đại biểu Lâm Đình Thắng phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu Lâm Đình Thắng phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đặng Kim Hương (phường 9, quận 4) tiếp tục có ý kiến về tình hình tham nhũng. Bà Hương cho rằng, trong tình hình phòng, chống tham nhũng diễn ra quyết liệt như hiện nay nhưng một số cán bộ vẫn tiếp tục nhận hối lộ đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của cử tri và nhân dân; tình hình nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, tham nhũng vặt vẫn còn diễn ra, nhất là ở cấp cơ sở…

“Tôi đề nghị phải xem tội tham nhũng là tội nặng nhất, phải coi như tội phản quốc. Bên cạnh đó phải thực hiện việc kê khai tài sản nghiêm túc hơn nữa”, cử tri Đặng Kim Hương nêu quan điểm.

Cử tri Nguyễn Xuân Cường (quận 3) cho rằng, phải xử nghiêm đối tượng tham nhũng dù người vi phạm ở bất kỳ cấp nào. Trước thực tế một bộ phận không nhỏ cán bộ nhà nước “giàu lên trông thấy” hoặc có nhiều tài sản trong thời gian công tác, ông Cường cũng đề nghị phải đưa ra nguyên tắc, nếu cán bộ không chứng minh được nguồn gốc tài sản của mình thì tài sản đó được xem là bất minh và có khả năng là tài sản do tham nhũng mà có.

Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) băn khoăn về thực trạng vi phạm trật tự xây dựng, dự án “treo” diễn ra tràn lan như hiện nay. Đồng thời đề nghị Quốc hội nên tổ chức hội nghị chuyên đề về đất đai ở phạm vi cả nước để lập lại trật tự thuộc lĩnh vực đất đai.

Riêng ở TPHCM, cử tri Nguyễn Hữu Châu đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm giám sát việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cán bộ, lãnh đạo các ban, ngành, nhằm tránh hiện tượng “đóng băng” các dự án do cán bộ lãnh đạo không dám chịu trách nhiệm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sự phát triển của TP.

Cử tri phát biểu ý kiến với Tổ đại biểu Quốc hội. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cử tri phát biểu ý kiến với Tổ đại biểu Quốc hội. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bà Chu Thị Bình (cử tri quận 3) đề cập đến ô nhiễm môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước, thực phẩm…. Qua đó đề xuất TP có giải pháp quan trắc để thường xuyên cung cấp thông tin về ô nhiễm và phương án xử lý tình hình ô nhiễm đến người dân.

Một cử tri của quận 1 đề nghị cơ quan chức năng phải chủ động kiểm tra định kỳ các đơn vị cấp nước cho người dân, tránh việc để xảy ra sự cố rồi mới kiểm tra, khắc phục.

Trao đổi với cử tri, đồng chí Trần Lưu Quang ghi nhận đầy đủ các kiến nghị và sẽ chuẩn bị nội dung để trả lời cử tri; đồng thời cho biết thông qua các ý kiến trên, tổ đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu để có điều chỉnh xử lý trong công việc hàng ngày, đảm bảo các chỉ đạo sắp tới ngày càng gần dân hơn nữa.

Đồng chí cũng đánh giá, hiện nay Chính phủ đã rất quyết liệt, rất cứng rắn trong việc phòng, chống tham nhũng. “Chưa bao giờ có nhiều lãnh đạo cao cấp bị xử lý như hiện nay”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM khẳng định, đồng thời cho rằng để kết tội ai thì phải thận trọng, nhất là trong phòng, chống tham nhũng. Đồng chí cũng đồng tình với ý nghĩa của việc kê khai tài sản nghiêm túc bởi đây là một giải pháp hữu hiệu để phát hiện tham nhũng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang trao đổi với cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang trao đổi với cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trước lo lắng của cử tri về chất lượng nguồn nước sinh hoạt, đồng chí Trần Lưu Quang cho biết UBND TPHCM đã chỉ đạo các ngành chức năng không lơ là với an ninh nguồn nước sinh hoạt.

“Việc này được thực hiện từ lâu và luôn duy trì chứ không phải sau sự cố nguồn nước cấp cho người dân Hà Nội bị ô nhiễm TP mới làm”, Phó Bí thư Thường trực Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Riêng về ô nhiễm không khí, đồng chí cho rằng đây là mặt trái của kinh tế thị trường, TP cũng đang thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện như di dời nhà máy ra xa khu dân cư, trồng thêm cây xanh...

Còn về an toàn thực phẩm, đồng chí Trần Lưu Quang cho biết, sau khi kết thúc thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, TP đang kiến nghị Trung ương cho phép tiếp tục duy trì Ban này hoặc nâng cấp lên Sở An toàn thực phẩm để đảm bảo công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn địa bàn TP.

THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cu-tri-kien-nghi-xem-toi-tham-nhung-la-toi-nang-nhat-632527.html