Cử tri Thừa Thiên – Huế mong muốn sớm khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19

Phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về những nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội ngày 9/11 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ngày 9/11. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ngày 9/11. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, ngày 9/11, Quốc hội thảo luận tập trung tại hội trường về những nội dung quan trọng liên quan đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.

Phiên thảo luận đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nhiều cử tri cho rằng Đảng, Chính phủ đã có những quyết sách nhất quán, kịp thời vì vậy, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt những kết quả khả quan.

Kiểm soát tốt dịch bệnh – điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19

Cử tri Nguyễn Đức Thuận (cán bộ hưu trí ở phường Phước Vĩnh, thành phố Huế) cho biết, tại phiên thảo luận các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đã thể hiện được những vấn đề quan trọng mà xã hội, cử tri quan tâm. Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đã chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế, phòng chống dịch bệnh; đồng thời cũng đề ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cử tri Nguyễn Đức Thuận nhấn mạnh, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân, đến nay đất nước ta đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Điều đó được thể hiện qua việc thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành, triển khai mềm dẻo, kịp thời nhiều chính sách nhằm giảm nhẹ tác động của dịch bệnh và đảm bảo thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Các tầng lớp nhân dân cũng đã chung tay góp sức, góp của vào công tác phòng chống dịch.

Cử tri cũng cho rằng để khôi phục nền kinh tế thì kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh được coi là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi. Các cấp, các ngành cần quyết tâm thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và đẩy lùi COVID-19; đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19, huy động tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vaccine phòng COVID-19 tiêm miễn phí cho toàn dân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểu soát dịch bệnh; đầu tư, phát triển y tế cơ sở, tạo nền tảng vững chắc trong hoạt động phòng, chống dịch COVID; kịp thời khen thưởng, động viên đối với các tổ chức, cá nhân tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, đất nước ta cần kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia; thực hiện điều tiết nền kinh tế, bởi hiện nay có tình trạng giá cả đang “leo thang” trong khi thu nhập của người dân bị giảm sút, nhiều người lao động bị mất việc làm. Đồng thời, cần có giải pháp bảo vệ; gỡ khó cho các doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; có các giải pháp nhất quán từ Trung ương đến địa phương trong việc duy trì cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước; có chính sách quản lý, hỗ trợ và quan tâm tạo việc làm cho lao động mất việc do đại dịch.

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Cử tri Tôn Thất Thành (phường Vĩ Dạ, thành phố Huế) cho biết, đại dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn như đứt gãy chuỗi sản xuất, giá nguyên vật liệu tăng cao trong khi hợp đồng đã ký giai đoạn trước nên không theo kịp giá thị trường, giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường; siết chặt đi lại của người lao động, sản xuất không diễn ra bình thường được…

Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Trước tình hình đó, Chính phủ đã kịp thời đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ như gói hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và hỗ trợ tiền tệ - tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng các kịch bản sản xuất phù hợp với tình hình thực tiễn, tổ chức phân ca đảm bảo khoảng cách, trang bị đồ bảo hộ, tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho công nhân.

Theo cử tri Tôn Thất Thành, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ, các ban, ngành liên quan cần tiếp tục có những gói chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế, giảm lãi suất vốn vay… nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện cải cách hành chính liên quan đến các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, thuế, kho bạc, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh việc mở rộng các dịch vụ công được cung cấp hoàn toàn trên môi trường mạng; đẩy mạnh cải thiện môi trường cạnh tranh và “tổ chức” các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.

Các cơ quan, đơn vị liên quan cũng cần thông tin minh bạch và kịp thời các chính sách để doanh nghiệp sớm tiếp cận; đẩy mạnh công tác tiên chủng vaccine phòng COVID-19 cho công nhân để đảm bảo an toàn và duy trì ổn định chuỗi sản xuất.

Tường Vi (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-thua-thien-hue-mong-muon-som-khoi-phuc-kinh-te-sau-dich-covid19-20211109140628833.htm