Của cho không bằng cách cho

Chuyện một doanh nghiệp nọ hứa thưởng 500 triệu đồng cho thành tích giành Huy chương vàng SEA Games 2019 cho đội tuyển nữ Việt Nam đến nay vẫn chưa có chút động tĩnh gì đã khiến người hâm mộ bức xúc. Chuyện 'đầu môi chót lưỡi' lâu nay không phải hiếm trong thể thao, song điều đặc biệt là trước đó đại diện đội tuyển nữ Việt Nam đã nhận bảng trao thưởng tượng trưng nhưng tiền thì vẫn… biệt vô âm tín.

 Đội tuyển nữ Việt Nam đang tập trung chuẩn bị cho Vòng loại cuối cùng Olympic Tokyo 2020. Ảnh: VFF

Đội tuyển nữ Việt Nam đang tập trung chuẩn bị cho Vòng loại cuối cùng Olympic Tokyo 2020. Ảnh: VFF

Trước những chỉ trích của truyền thông và người hâm mộ, đại diện doanh nghiệp này đã lên tiếng và khẳng định vẫn sẽ trao thưởng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này muốn đưa ra yêu cầu phải cung cấp danh sách chia thưởng thì mới trao tiền. Họ cho rằng là đơn vị trao thưởng nên có quyền đưa ra đòi hỏi. Lâu nay, các doanh nghiệp, “mạnh thường quân” muốn trao thưởng cho đội tuyển hay cá nhân cầu thủ bóng đá nào thì đều phải thông qua Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Luật là vậy và đã có nhiều doanh nghiệp đã gửi tiền thưởng như đúng lời hứa, giúp các cầu thủ nữ nhận được khoản thưởng trước khi Tết đến xuân về…

Quá bức xúc với yêu cầu của doanh nghiệp trên, đại diện đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam quyết định "xin phép" không nhận khoản tiền thưởng 500 triệu đồng nói trên. Chia sẻ với chúng tôi, HLV Mai Đức Chung khẳng định, một đồng tiền thưởng cho đội tuyển nữ lúc này đều là rất quý. Tuy nhiên, đội không muốn đội nhận thưởng theo kiểu “ban ơn” của doanh nghiệp này.

Từ hứa thưởng đến thực tế vẫn có một khoảng cách rất xa. Để giải ngân một khoản thưởng của doanh nghiệp phải cần nhiều thủ tục, giấy tờ nên không hiếm việc các cầu thủ phải nhận thưởng muộn. Muộn còn hơn không, nhiều người vẫn nói như vậy để chỉ việc các doanh nghiệp vẫn nỗ lực khắc phục sự chậm chạp trong những thủ tục pháp lý để giữ đúng lời hứa thưởng tiền cho các tuyển thủ. Nhưng với những người hứa suông, tìm cách gây khó dễ trong việc giải ngân thì cần phải xem xét lại. Khi đội tuyển nữ gây được tiếng vang với tinh thần thi đấu máu lửa vì thể thao Việt Nam thì việc có đơn vị lợi dụng hình ảnh, tên tuổi để trục lợi cho đơn vị mình là điều không tránh khỏi.

Không biết đơn vị nêu trên có giữ đúng lời hứa chuyển tiền nhưng việc đội tuyển nữ Việt Nam từ chối nhận thưởng thấy rõ câu nói “của cho không bằng cách cho” của cha ông ta mới thấm thía làm sao. Thưởng ít, nhiều không quan trọng. Quan trọng là cách cho, làm sao để khoản thưởng ấy là sự động viên, khích lệ tinh thần cho các tuyển thủ vượt khó, tiếp tục nỗ lực thi đấu, cống hiến mới là điều đáng trân quý.

Việc doanh nghiệp trên không thưởng như lời hứa chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh” bởi đã có rất nhiều doanh nghiệp, “mạnh thường quân” đã giữ đúng lời hứa cùng chung tay chia sẻ những khó khăn với đội tuyển nữ Việt Nam. Với các cầu thủ nói riêng và các VĐV thể thao nói chung “trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” cơ mà!

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/cua-cho-khong-bang-cach-cho-607666