Cửa hàng tiện lợi 'bất tiện nhất thế giới' tại Trung Quốc
Một cửa hàng tạp hóa nằm cheo leo ở độ cao 120m trên sườn núi dốc đứng trong Công viên Địa chất Quốc gia Shiniuzhai ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc được gọi là cửa hàng tiện lợi 'bất tiện nhất thế giới.'
Đối với những người leo núi đang trên hành trình chinh phục đỉnh cao, việc bắt gặp một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở giữa vách đá khi cơ thể đang mệt mỏi, đói và khát nước gần giống như việc bạn nhìn thấy một ảo ảnh giữa sa mạc khô hạn.
Tuy nhiên, tại Bình Giang, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc thực sự có một cửa hàng tạp hóa như vậy, nằm cheo leo trên sườn núi dốc đứng trong Công viên Địa chất Quốc gia Shiniuzhai ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, giúp bổ sung thêm một chút năng lượng cho những người leo núi đang nghỉ chân giữa chặng đường.
Được mệnh danh là cửa hàng tiện lợi “bất tiện nhất thế giới,” cửa hàng tạp hóa nhỏ bé như một chiếc hộp gỗ này cung cấp đồ ăn nhẹ và nước uống cho những người leo núi.
Khu thắng cảnh Shiniuzhai nổi tiếng với những vách đá cao chót vót, với hẻm núi sâu và các gờ núi độc đáo. Nó còn được biết đến với cây cầu kính dài 300m, ở độ cao 180m, nằm trong số những cây cầu kính dài nhất thế giới.
Nơi này thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, tham gia các loại hình du lịch mạo hiểm, trong đó có leo núi.
Thông thường, những người leo núi phải mất gần 1 tiếng rưỡi để leo tới đỉnh. Trong quá trình leo, họ được mang theo một chai nước miễn phí.
Tuy nhiên, du khách tham gia hoạt động leo núi tại khu thắng cảnh này thường là những người nghiệp dư, do đó họ cũng dễ cảm thấy mệt và đói hơn so với những vận động viên chuyên nghiệp.
Do đó, Ban Quản lý công viên quyết định xây dựng cửa hàng tiện lợi này để cung cấp dịch vụ ăn nhẹ và nước uống cho du khách.
Ông Song Huizhou, Tổng Giám đốc Shiniuzhai, cho biết cửa hàng tiện lợi này có diện tích chỉ vỏn vẹn 2m2, được xây dựng trên sườn núi cách mặt đất khoảng 120m. Nó được xây dựng vào năm 2017 và mở cửa một năm sau đó.
Cửa hàng mở từ 8h sáng đến 5h chiều. Một nhân viên sẽ bán hàng trực tiếp nếu có quá nhiều khách hàng. Hoặc du khách có thể quét mã QR để thanh toán món hàng mình muốn mua.
Đồ ăn và nước uống tại cửa hàng đều được nhân viên mang lên hàng ngày vào buổi sáng, và đó cũng là công việc chính của các nhân viên.
Ông Song cho biết mặc dù vị trí hiểm trở và việc vận chuyển sản phẩm tốn khá nhiều công sức, nhưng giá cả tại đây vẫn tương đương với giá tại các cửa hàng thông thường khác.
Một nhân viên cửa hàng cho biết: “Cửa hàng tuy không thu được nhiều lợi nhuận nhưng khách du lịch lại rất biết ơn vì sự có mặt của nó. Bởi vậy chúng tôi đều cảm thấy công việc của mình thật ý nghĩa.”
“Ban đầu chúng tôi khá sợ hãi khi phải làm công việc này, nhưng rồi bạn sẽ làm quen rất nhanh,” nhân viên này cho biết thêm. “Vấn đề duy nhất là phải sử dụng nhà vệ sinh. Thật mệt mỏi khi cứ phải trèo xuống để đi vệ sinh rồi lại trèo lên, do đó chúng tôi đều cố gắng không uống quá nhiều nước mỗi khi làm việc.”
Ông Song Huizhou, Tổng Giám đốc Shiniuzhai cũng cho biết thêm rằng họ luôn đặt tiêu chí an toàn là ưu tiên hàng đầu. Và nhân viên cũng thường xuyên tiến hành bảo trì và kiểm tra tình trạng của cửa hàng.
Là một nhà leo núi nghiệp dư, cô Hui, 29 tuổi, cho biết cô không muốn mang thêm bất kỳ thứ gì trên đường đi để giảm bớt trọng lượng đồ cần mang. Bên cạnh đó, cô cũng dễ mệt mỏi và nhanh khát nước trên đường đi, bởi vậy sự tồn tại của cửa hàng đem lại rất nhiều lợi ích.
Cô nói thêm: “Cửa hàng này rất tuyệt vời vì bạn không dễ gì bắt gặp một cửa hàng như vậy trong cuộc sống hàng ngày của mình. Chắc chắn tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè để họ tới đây leo núi. Nó giống như một thử thách và cũng mang lại cảm giác tuyệt vời khi đạt được thành công.”
Trong khi đó, một số người dùng mạng khác lại rất tò mò về những nhân viên đang tham gia vận hành cửa hàng nhỏ bé này.
“Các nhân viên chắc hẳn phải rất khỏe mạnh nếu họ cứ phải leo lên, leo xuống ‘văn phòng’ của mình mỗi ngày,” một người dùng mạng xã hội X (trước đó là mạng xã hội Twitter) bình luận./.