Cục An toàn thực phẩm làm việc với Sở Y tế vụ nghi ngộ độc bánh mì ở Long Khánh
Liên quan đến vụ nghi ngộ độc bánh mì ở TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), Đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở Y tế Đồng Nai.
Ngày 3/5, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Y tế Đồng Nai về vụ nghi ngộ độc bánh mì tại TP Long Khánh.
Cơ sở không có giấy phép kinh doanh
Báo cáo tại buổi làm việc, ThS Võ Thị Ngọc Lắm, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết, ngày 1/5 bắt đầu ghi nhận 70 ca ngộ độc thực phẩm nhập viện tại Bệnh viện ĐK khu vực Long Khánh sau khi ăn bánh mì ngày 30/4.
Cơ quan chức năng của Thành phố Long Khánh sau đó đã xuống cơ sở bánh mì Cô Băng – nơi các bệnh nhân đã mua bánh mì ăn trước đó.
Kết quả cho thấy, tiệm bánh mì Cô Băng bán bánh mì thịt bao gồm: bánh mì, pate tự làm phục vụ khoảng 1 ngàn ổ bánh mì thịt/ngày vào buổi sáng từ lúc 6 giờ đến 9 giờ và buổi chiều vào lúc 15 giờ đến 19 giờ.
Tại thời điểm điều tra, tiệm bánh mì Cô Băng không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Khánh Băng, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Ngọc Phương vẫn đóng thuế môn bài và thuế khoán hàng tháng đầy đủ.
Theo báo cáo của đại diện cơ sở, tiệm bánh mì Cô Băng có phục vụ khoảng 1.000 ổ bánh mì thịt trong ngày 30/4 và khoảng 500 ổ bánh mì thịt từ 6 giờ đến 8 giờ sáng ngày 1/5.
Tính đến 9 giờ sáng 3/5, theo báo cáo của UBND thành phố Long Khánh, số ca bệnh liên quan đến vụ ngộ độc đã lên đến gần 500 ca. Ngoài những bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, có 1 bệnh nhân điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) và 1 bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM).
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thông tin, qua điều tra, thời gian ủ bệnh trung bình của các bệnh nhân từ 4 giờ đến 8 giờ. Triệu chứng chủ yếu là tiêu chảy, nôn ói.
“Tiệm bánh mì không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tổng số lao động làm việc trực tiếp là 4; không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không có giấy khám sức khỏe”, ông Minh cho hay.
Thực phẩm chủ yếu “nhà làm”
Bà Nguyễn Thị Khánh Băng – đại diện cơ sở tiệm bánh mì Cô Băng cho biết, nguyên liệu thực phẩm được chế biến và bán tại nhà. Nguồn nguyên liệu thực phẩm dùng để chế biến bánh mì được lấy từ các cơ sở trên địa bàn Thành phố Long Khánh và từ tỉnh khác.
Tại thời điểm đoàn điều tra, ghi nhận cơ sở còn 58,5 cây thịt nguội;15 kg dưa muối chua; 0,8kg chả lụa không có nhãn mác; 0,7 kg chả lụa không có nhãn mác; 1,6 ký thịt heo đã qua chế biến; 4 khay pate trọng lượng khoảng 20,2 kg.
Khu vực sơ chế biến thực phẩm không gần nguồn ô nhiễm, rộng, thoáng và có trang bị thiết bị, dụng cụ để chế biến thực phẩm. Cơ quan chức năng đã thực hiện lấy mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại Viện Y tế công cộng TPHCM.
Bên cạnh đó, đoàn tiến hành niêm phong thực phẩm và giao cơ sở tự bảo quản trong tủ đông tại cơ sở, thực hiện phết mẫu dịch tỵ hầu của 4 người chế biến thực phẩm.
Lực lượng chức năng đã yêu cầu cơ sở tiếp tục tạm ngưng hoạt động kinh doanh cho đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tiếp tục phối hợp điều tra nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm.
Đề nghị Phòng Y tế thành phố Long Khánh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục xác minh, xử lý các vi phạm. Đề nghị Phòng Kinh tế thành phố Long Khánh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở cung cấp thực phẩm cho tiệm bánh mì Cô Băng.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đề nghị ngành Y tế Đồng Nai yêu cầu tập trung mọi nguồn lực tốt nhất để cứu chữa cho các bệnh nhân vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là những bệnh nhân nặng.
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cần rà soát, kiểm tra những bệnh nhân nào ổn định sức khỏe thì cho xuất viện để tập trung điều trị cho những bệnh nhân nặng hơn.
“Sở Y tế cần thống nhất trong phát ngôn, tránh thông tin không nhất quán về vụ ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, tiên lượng xem có thêm bệnh nhân mới không để chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, giường bệnh, nhân lực phục vụ công tác điều trị. Các ngành chức năng của Đồng Nai cần rà soát lại các cơ sở buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ, tránh lặp lại những vụ việc tương tự”, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.