Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khiếu nại kết quả của Hội đồng cạnh tranh về vụ việc Grab mua lại Uber tại Việt Nam

Vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương đã gửi đơn khiếu nại tới Hội đồng cạnh tranh về Quyết định số 26/QĐ-HĐXL ngày 17/6/2019 của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi Grab mua lại Uber tại thị trường Việt Nam.

Cụ thể, theo đơn khiếu nại, Cục CT&BVNTD không nhất trí với Quyết định số 26/QĐ-HĐXL về nội dung: Không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh đối với Công ty TNHH Grab Taxi (Grab) và Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber Việt Nam) do việc mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa hai công ty này không cấu thành hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp (quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh và Điều 34 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh).

Cục CT&BVNTD cho rằng, bản chất và nội dung của giao dịch mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ là việc Grab mua toàn bộ tài sản của Uber Việt Nam dẫn tới Grab đã kiểm soát, chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber. Do đó, hành vi bị điều tra là hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh.

Căn cứ các chứng cứ và lập luận trong hồ sơ vụ việc về việc xác định thị trường liên quan và thị phần kết hợp, Cục CT&BVNTD xác định bên bị điều tra đã vi phạm 2 hành vi như sau: Hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh 2004; Hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh 2004 cụ thể là hành vi mua lại doanh nghiệp bị cấm theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP.

Được biết, việc giải quyết đơn khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 109, Điều 111 và Điều 112 của Luật Cạnh tranh 2004. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ khiếu nại, Hội đồng cạnh tranh có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền.

Trường hợp Hội đồng cạnh tranh chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trước ngày 1/7/2019 (ngày có hiệu lực của Luật Cạnh tranh 2018), vụ việc sẽ được tiếp tục xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 118 của Luật Cạnh tranh 2018: “Hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà vẫn bị xác định vi phạm quy định của Luật này thì tiếp tục bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật này. Trường hợp hình thức xử lý hoặc mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm theo quy định của Luật này cao hơn quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 thì áp dụng quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11”.

Theo kết quả điều tra của Cục CT&BVNTD từ giữa năm ngoái, việc Grab mua lại Uber ở Việt Nam dẫn đến thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Cục cho biết, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế.

Đến tháng 12/2018, Cục chuyển toàn bộ báo cáo, kết luận điều tra đến Hội đồng Cạnh tranh - cơ quan do Chính phủ thành lập, hoạt động độc lập với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ, xác minh, lấy lời khai các bên liên quan tại phiên điều trần, ngày 17/6/2019, Hội đồng này kết luận, việc mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa hai công ty này không cấu thành hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp.

Nếu quyết định không bị khiếu nại, Cục CT&BVNTD phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp phí xử lý vụ việc vào ngân sách.

Với vai trò là cơ quan chủ quản của Cục CT&BVNTD, Bộ Công Thương đã giao Cục CT&BVNTD nghiên cứu, đánh giá các lập luận của Hội đồng xử lý trong từng nội dung của Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Thu Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cuc-canh-tranh-va-bao-ve-nguoi-tieu-dung-khieu-nai-ket-qua-cua-hoi-dong-canh-tranh-ve-vu-viec-grab-mua-lai-uber-tai-viet-nam-121933.html